Trung Quốc đang tìm cách lập "tường lửa" thương mại với Mỹ?

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức thương mại Trung Quốc đã có các cuộc gặp không chính thức với Đại sứ nhiều nước châu Âu, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trước xu hướng bảo hộ thương mại của Mỹ.

Theo nguồn tin độc quyền của Reuters, một số nhà ngoại giao phương Tây có mặt trong cuộc họp với Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Fu Ziying nhận định, động thái này của Trung Quốc cho thấy sự lo lắng của chính quyền Bắc Kinh trước nguy cơ leo thang trong xung đột thương mại với Washington.

Trung Quốc đang tìm kiếm sự ủng hộ nhằm chống lại xu hướng bảo hộ của Mỹ. 

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để ngỏ khả năng sẽ áp thuế lên số hàng hoá trị giá 150 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh với việc thực thi các chính sách công nghiệp mà Mỹ nhận định là “không lành mạnh”, cũng như lạm dụng tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc nhận định xung đột thương mại với Mỹ không chỉ là câu chuyện của riêng 2 quốc gia, mà còn là sự đấu tranh giữa xu hướng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đa phương. Vì vậy, nền kinh tế thứ 2 thế giới đã tìm cách tiếp xúc và thuyết phục các nền kinh tế khác ủng hộ quan điểm của mình trong vấn đề thương mại tự do. Cuộc gặp chóng vánh diễn ra vào 2 ngày cuối tuần với các đại sứ từ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Italy và Liên minh châu Âu (EU) có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố gắng xây một bức "tường lửa" để chống lại các rào cản thương mại mà Mỹ đang áp đặt.

Một nhà ngoại giao châu Âu nhìn nhận cuộc gặp do phía Trung Quốc đề xuất nhằm thu hút sự ủng hộ của các bên trong nỗ lực đối phó với Mỹ. Trong các cuộc gặp, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc đề cập đến khả năng một số công ty nước ngoài có thể bị ảnh hưởng trong cuộc xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Thông điệp mà cuộc họp này đưa ra là chúng ta phải cùng nhau sát cánh để chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Mỹ, vì lợi ích của thương mại tự do” - nhà ngoại giao này cho biết.

Ngoài ra, nhân chuyến thăm tới Tokyo vào đầu tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hối thúc Nhật Bản hợp tác trong nỗ lực chống xu hướng bảo hộ thương mại. Động thái này có thành công hay không vẫn còn phải chờ kết quả bởi quan hệ đồng minh khăng khít giữa Mỹ - EU cũng như Mỹ - Nhật Bản không dễ dàng chen vào giữa. 

Tuy nhiên, trong các động thái gây căng thẳng thương mại lần này, chưa chắc Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ các đồng minh. Một số Hiệp hội DN của Mỹ cho rằng, chính quyền Tổng thống Trump nên hình thành một liên minh với EU, Nhật Bản và các quốc gia phương Tây khác để thúc đẩy Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, qua đó từng bước tạo lập mối quan hệ thương mại bình đẳng giữa hai bên.

Hiện nay, thay vì liên minh với các đồng minh châu Âu, Washington đã làm họ xa lánh bằng những động thái bảo hộ, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào sản phẩm thép và nhôm từ các nước châu Âu xuất khẩu vào Mỹ. Về vấn đề này, một nhà ngoại giao EU khẳng định, tổ chức này sẽ không đứng về phía bên nào, đồng thời khẳng định EU luôn bảo lưu quan điểm đưa tiến trình đa phương, trong đó các tranh chấp thương mại được giải quyết thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về đúng lộ trình.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần