Giới chức Trung Quốc hồi đầu tuần tuyên bố sẽ điều tra xem liệu Mỹ có đang trợ cấp nhằm giành lợi thế cạnh tranh không bình đẳng cho cao lương - loại nông sản dùng để làm thức ăn cho gia súc và nấu rượu ở Trung Quốc. Đây được xem như một động thái "nhắc nhở" Washington rằng, Bắc Kinh cũng có thể mạnh tay trong vấn đề thương mại, 2 tuần sau khi Mỹ áp thuế cao với pin năng lượng mặt trời, mặt hàng xuất khẩu mạnh của Trung Quốc.
Cụ thể, theo Bộ Thương mại Trung Quốc, cao lương do Mỹ sản xuất đã bị "bán phá giá trên quy mô lớn" với mức giá thấp hơn bình thường. Cơ quan này cũng xác nhận, việc Mỹ bán phá giá cao lương gây "thiệt hại vật chất" cho nông dân Trung Quốc.
Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều sản phẩm cao lương nhất từ Mỹ. Theo số liệu Hải quan, năm ngoái, Trung Quốc nhập 960 triệu USD sản phẩm cao lương từ nước này. Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc đánh vào mặt hàng nông sản này là một bước tính toán khôn ngoan. "Cao lương là một mục tiêu tốt trong tranh chấp thương mại, bởi có thể gây ảnh hưởng tài chính lớn đối với Mỹ" - Giám đốc Công ty nghiên cứu nông nghiệp ChinaAg Loren Puette nhận định.
Theo ông Loren Puette, xuất khẩu cao lương gặp trục trặc có thể ảnh hưởng đến kinh tế nông thôn Mỹ, nơi Tổng thống Trump có một lực lượng cử tri ủng hộ đông đảo. Vì vậy, Tổng thống Trump sẽ buộc phải có động thái sớm nếu không muốn bị mất phiếu trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần. "Đây mới chỉ là một lời cảnh báo gửi tới Mỹ rằng Mỹ nên thỏa hiệp trong các vấn đề thương mại khác. Nếu Trung Quốc hạn chế nhập khẩu đậu tương của Mỹ, thì đó sẽ là tín hiệu khởi đầu cho một cuộc chiến tranh thương mại" - ông Puette nói.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung âm ỉ sau khi ông Trump lên cầm quyền đã bắt đầu bùng lên trong thời gian gần đây. Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã ra quyết định đánh thuế mạnh tay đối với tấm pin năng lượng mặt trời, chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian tới, ông Trump sẽ ra quyết định có hành động thương mại hay không đối với một loạt sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc bị điều tra vừa qua, gồm thép, nhôm và trong vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo các chuyên gia, nếu xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tác động tới hoạt động thương mại toàn cầu. Daniel Rosen, cố vấn chính sách kinh tế quốc tế Nhà Trắng giai đoạn 2000 - 2001 nhận định, đây có thể chỉ là động thái khởi đầu và có thể lan ra các ngành công nghiệp khác và khắc sâu vết rạn nứt giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tương tự, ông Michael Froman đại diện thương mại Mỹ từ năm 2013 - 2017 cho rằng, nếu 2 nền kinh tế tiếp tục "ăn miếng trả miếng" với nhau thì sẽ dẫn đến hệ lụy như chi phí gia tăng, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn và tác động đến người tiêu dùng.