Trung Quốc điều thêm hai máy bay ra Trường Sa của Việt Nam: Ngang ngược và bất chấp luật pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng các hành vi phi pháp tại khu vực Biển Đông nhằm từng bước thiết lập vùng Nhận diện phòng không (AIDZ) ngày càng rõ rệt khi nước này tiếp tục đưa 2 máy bay dân sự ra đường băng xây dựng trái phép tại Trường Sa, Việt Nam vào sáng 6/1.

Sau khi hạ cánh một máy bay tại đường băng do nước này xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam, sáng ngày 6/1, Trung Quốc tiếp tục đưa 2 máy bay dân sự ra Trường Sa. Theo hãng tin Tân Hoa xã, vào khoảng 10 giờ 21 và 10 giờ 46 sáng 6/1, 2 máy bay dân sự của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đường băng xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Đường băng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam.
Hai phi cơ được Trung Quốc điều ra đá Chữ Thập gồm một chiếc Airbus A319, số hiệu B - 6203, thuộc hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc và một chiếc Boeing 737 - 800, số hiệu B - 5620, của hãng Hàng không Hải Nam. Trên Tân Hoa xã, giới chức Trung Quốc tự tin tuyên bố, các chuyến bay thử thành công này chứng tỏ rằng sân bay có năng lực đảm bảo hoạt động an toàn cho máy bay dân sự cỡ lớn. 

Đây là hành vi ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế khi diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Việt Nam gửi công hàm phản đối chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc hôm 2/1. Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định, việc Trung Quốc tiến hành bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). 

Ngày 7/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục có tuyên bố phản đối hành vi điều 2 máy bay dân sự cỡ lớn ra sân bay tại đá Chữ Thập của Việt Nam. Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự. Đồng thời khẳng định, Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế.

Cùng ngày, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cũng gửi thư tới Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) phản đối Trung Quốc không thực hiện quy định của về trách nhiệm khi bay qua vùng thông báo bay (FIR) do Việt Nam quản lý.

Nguy hiểm hơn, động thái hạ cánh 3 máy bay tại đường băng ở Bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam được nhiều chuyên gia cảnh báo rằng sẽ là tiền đề cho việc Trung Quốc áp đặt kiểm soát quân sự trong khu vực. Ngoại trưởng Philippines Del Rosario e ngại, với các cuộc bay thử này, Trung Quốc đang đặt nền móng cho việc tuyên bố khu Nhận diện phòng không (ADIZ), tương tự với điều nước này đã từng tuyên bố tại biển Hoa Đông. "Điều này là không thể chấp nhận được" - Ngoại trưởng Philippines nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp của Philippines, Ngoại trưởng Anh Hammond cũng khẳng định, quyền tự do hàng hải và hàng không là không thể thỏa hiệp và kêu gọi giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Như vậy là bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang ngược thực hiện các hành vi sai trái. Hành động của Trung Quốc một lần nữa cho thấy, nước này đang hành xử một cách “kỳ lạ”, đi ngược lại các nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế, điều không bao giờ được chấp nhận trong một thế giới đề cao các nỗ lực hợp tác giải quyết các vấn đề đa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần