Trung Quốc điều tra chống bán phá giá dung môi nhập khẩu từ Hàn Quốc

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, họ đã khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá đối với dung môi (MIBK) của Hàn Quốc được nhập vào nước này.

 Hàng loạt các cửa hàng trong chuỗi miễn thuế của tập đoàn Lotte bị dừng hoạt động tại thị trường Trung Quốc.

Theo đó, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, dung môi MIBK nhập từ Nhật Bản cũng như Nam Phi cũng là mục tiêu của cuộc điều tra có thể kéo dài đến ngày 27/9/2018.

MIBK một loại dung môi được sử dụng trong sản xuất sơn, cao su, dược phẩm, các hóa chất khác và các chất tẩy rửa công nghiệp. Hàn Quốc đáp ứng khoảng một nửa tổng lượng nhập khẩu MIBK của Trung Quốc.

Việc tiến hành điều tra không có nghĩa Trung Quốc dừng nhập khẩu MIBK, mặc dù các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Nam Phi có thể đối mặt với việc bị cấm vào thị trường Trung Quốc hay bị phạt, tùy thuộc vào kết quả điều tra.

Cuộc điều tra diễn ra trong bối cảnh, chính quyền Bắc Kinh đang tiến hành một loạt các hành động “trả đũa” nhằm vào ngành du lịch và thương mại của Hàn Quốc, do chính quyền Seoul và Washington quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm cao của Mỹ (THAAD).

Tại Seoul, đại diện Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho rằng, cuộc điều tra của Trung Quốc có thể không liên quan đến việc trả đũa về kinh tế nhằm vào Hàn Quốc. Đồng thời, lưu ý rằng xuất khẩu MIBK của Hàn Quốc là không đáng kể trong tổng khối lượng xuất khẩu của nước này và Trung Quốc đã nêu lên vấn đề chống bán phá giá từ trước đó.

Kumho P&B Chemicals, nhà sản xuất MIBK duy nhất của Hàn Quốc, cho biết sẽ tích cực đối phó với cuộc điều tra. Năm ngoái, nhà sản xuất này xuất khẩu lượng MIBK trị giá 27 triệu USD.

Trong diễn biến liên quan, một công ty Hàn Quốc bị tấn công mạng cho rằng, đây là do tin tặc Trung Quốc thực hiện, vì muốn “trả đũa” việc Hàn Quốc cho Mỹ triển khai THAAD. Theo đó, khoảng 4.000 người sử dụng ứng dụng đặt phòng trên thiết bị di động Yeogi-Eoddae của Hàn Quốc đã bị lộ thông tin trong các vụ tấn công mạng.

Tuy vậy, một số chuyên gia an ninh lại cho rằng, vụ rò rỉ thông tin không liên quan đến hành động “trả đũa” của Trung Quốc. Họ cũng nhận định đây có thể không phải mối đe dọa an ninh mạng mang tính chính trị, vì thủ phạm đòi nạn nhân tiền ảo sau khi tấn công. Giáo sư Kim Seung-joo tại Đại học Hàn Quốc cho rằng, sẽ là vội vàng nếu kết luận các tin tặc Trung Quốc tiến hành tấn công mạng, vì nhiều tin tặc trên thế giới cũng sử dụng địa chỉ IP ở Trung Quốc để tránh bị truy vết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần