Trung Quốc đóng cửa nhiều chợ gia cầm nội địa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cập nhật mới nhất của Cục Thú y, dịch cúm gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp ở Trung Quốc. Nhiều địa phương của nước này đã ra lệnh đóng cửa chợ gia cầm nội địa...

Thông tin từ tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) cho thấy, virus cúm gia cầm A/H7N9 có tiềm năng gây đại dịch. Hiện ngoài Trung Quốc đã ghi nhận thêm 3 trường hợp người nhiễm virus cúm A/H7N9 tại Malaysia và Canada. Tính từ tháng 2/2013 đến nay đã có 1.230 ca nhiễm trên người, trong đó có 428 trường hợp tử vong. Đối với việc phát hiện virus trên gia cầm và môi trường, đã tiến hành xét nghiệm phát hiện trên 2.000 mẫu virus từ môi trường, gà, chim bồ câu, vịt và một con chim sẻ dương tính, chủ yếu từ các chợ gia cầm sống, một số nhà cung cấp và một số trang trại chăn nuôi thương phầm và giống.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước diễn biến của tình hình dịch cúm A/H7N9, FAO đã liên hệ với Trung Quốc và các đối tác, theo dõi tình hình, giám sát quá trình tiến hóa virus, tiến hành phân tích chuỗi thị trường, đánh giá rủi ro, hướng dẫn giám sát và truyền thông.

Theo thông tin từ FAO, ngày 21/2, tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), TP Nam Xương đóng cửa tất cả chợ gia cầm và địa điểm kinh doanh gia cầm sống trong 14 ngày, từ 22/2 - 7/3. Mẫu môi trường được thu thập tại một chợ gia cầm trong quận Yujiang, TP Yingtan, tỉnh Giang Tây dương tính với H7 vào ngày 13/2. Chợ nhiễm virus đã đóng cửa từ 16 - 22/2.

Ngày 20/2, tại Đài Loan, một chủng vi rút H7N9 được phân lập gần đây từ một ca người nhập cảnh (nhiễm bệnh ở Quảng Đông) cho thấy có thêm ba axit amin gốc ba zơ chèn vào vị trí phân cắt HA (cleavage site). Điều này có thể là một dấu hiệu cho khả năng gây bệnh tăng lên ở gia cầm.

Ngày 19/2, tại tỉnh Quảng Đông, việc vận chuyển tất cả các loài chim sống từ An Huy, Giang Tô, Giang Tây, Chiết Giang và các tỉnh có nguy cơ dịch tễ H7N9 cao khác đã tạm thời bị đình chỉ. Ngoài ra, tỉnh này cũng tạm thời đình chỉ vận chuyển các loài gia cầm thương mại sống từ Phúc Kiến, Quý Châu, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Nam, Hồ Bắc, Liêu Ninh, Sơn Đông, Thượng Hải, Tứ Xuyên và những nới khác có trường hợp bị nhiễm bệnh (ngoại trừ gia cầm đã được chứng nhận âm tính sau khi kiểm tra).

Ngày 18/2, tại tỉnh Quảng Đông, virus cúm gia cầm A/H7N9 độc lưc cao đã được phát hiện trong các mẫu thu thập từ một chợ gia cầm sống được chản đoán Phòng thí nghiệm quốc gia về cúm gia cầm ở Cáp Nhĩ Tân. Chợ cầm sống bị nhiễm virus đã bị đóng cửa và giám sát được tăng cường trong toàn tỉnh. Một loại virus tương tự cũng đã được phân lập từ hai trường hợp trên người. Cả hai trường hợp này báo cáo đã tiếp xúc với gia cầm sống và điều tra dịch tễ học cho thấy hiện tượng chết trong các đàn gia cầm tương ứng. Các chủng này về di truyền cũng tương tự như gen cho cúm A (H7N9) virus lưu hành ở Trung Quốc kể từ năm 2013 nhưng có các thêm axit amin gốc ba zơ chèn vào vị trí phân cắt HA (cleavage site điều này có thể là một dấu hiệu cho khả năng gây bệnh tăng lên ở gia cầm.

Tại tỉnh An Huy, TP Trì Châu cũng đã tạm thời đóng cửa tất cả các chợ gia cầm nội địa trong 14 ngày từ ngày 18/2. Còn tại tỉnh Quảng Đông, TP Chu Hải tạm thời đóng cửa hai chợ ở các huyện Jinwan và Doumen từ ngày 15 - 17/2 (3 ngày).

Sau những phát hiện này và để tăng cường phòng chống H7N9 cấp quốc gia, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố một thông báo khẩn cấp với các hành động cần làm ngay. Cụ thể, thực hiện kịp thời các hoạt động phòng chống và kiểm soát. Đồng thời tiếp tục tăng cường phân tích và nghiên cứu, cũng như phân tích chuyên sâu của việc thực hiện các biện pháp phòng, chống, thực hiện giám sát khẩn cấp H7N9 trên toàn quốc. Một khi virus H7N9 được tìm thấy, tất cả gia cầm trong trang trại cần phải được tiêu huỷ.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp kiểm soát tại các chợ gia cầm sống. Việc giám sát chợ gia cầm sống được củng cố và áp dụng chặt quy tắc 1110: Cọ rửa sạch mỗi ngày một lần (1), khử trùng tiêu độc mỗi tuần một lần (1), đóng cửa chợ mỗi tháng một lần (1) và không được phép giữ gia cầm qua đêm tại chợ (0). Phòng thí nghiệm quốc gia về cúm gia cầm giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virus và tiếp tục phát triển những phương pháp mới để phát hiện virus.

Về tình hình trong nước, theo ghi nhận mới nhất của Cục Thú y, An Giang là tỉnh thứ 6 đã xuất hiện dịch cúm gia cầm. Cụ thể, ổ dịch cúm A/H5N1 xuất hiện tại 1 hộ chăn nuôi gà 80 con tại ấp Tân Đông, xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn. Toàn bộ đàn gà đã được chính quyền và cơ quan chuyên môn thú y của địa phương tổ chức tiêu hủy. Như vậy, hiện cả nước có 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh chưa qua 21 ngày gồm Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Quảng Ngãi.

Theo nhận định của Cục Thú y, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Tại Hà Nội, ông Đoàn Hồng Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, Chi cục đã chỉ đạo các phòng, trạm thú y huyện, thị triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh theo Công điện của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT một cách nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời đưa ra kế hoạch đối phó trước tình hình khẩn cấp hiện nay là triển khai tiêm phòng sớm đối với toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn TP. Cùng với đó, tổ chức ngay đợt tiêu độc, khử trùng đại trà, đặc biệt là các chợ kinh doanh, chế biến gia cầm sống. Đặc biệt, triển khai thực hiện tăng cường công tác kiểm tra đối với các chốt liên ngành tại các chợ như: Chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, chợ Bắc Thăng Long…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần