Trung Quốc hạn chế đầu tư ra nước ngoài ở lĩnh vực bất động sản và thể thao

Nguyễn Thu (Theo AP, CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ hạn chế vốn đầu tư ra nước ngoài của các công ty trong nước đối với ngành bất động sản, khách sạn, giải trí và thể thao, những lĩnh vực được hưởng lợi từ mức chi tiêu cao trong những năm gần đây.

Đây là động thái tiếp nối chiến dịch ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài của Trung Quốc, bắt đầu từ cuối năm ngoái. Mục tiêu của chiến dịch này là rà soát "những khoản đầu tư bất hợp pháp", để bảo vệ đồng nhân dân tệ khỏi mất giá.
Bắc Kinh muốn kiểm soát việc chuyển tiền nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước.
Quyết định này được xem là động thái mở rộng sự kiểm soát của chính phủ với việc chuyển tiền ra khỏi nước và gây áp lực lên một số doanh nghiệp lớn nhất nước nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu dòng vốn” đã bắt đầu diễn ra mạnh mẽ ở Trung Quốc kể từ năm 2012.
Báo cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, sau một năm chi tiêu kỷ lục ở nước ngoài vào năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào các nước khác đã giảm 46% trong nửa đầu năm nay. Sự sụt giảm này thậm chí còn tăng mạnh, tới hơn 80%, đối với các lĩnh vực mà Bắc Kinh đang tập trung hạn chế.
Tháng trước, Chủ tịch Fosun International - công ty đang sở hữu câu lạc bộ Wolverhampton cũng gửi một lá thư ngỏ lời ủng hộ chiến dịch của Chính phủ Trung Quốc. Theo ông Guo Guangchang - Chủ tịch Fosun, vệc kiểm tra các khoản đầu tư ở nước ngoài và những bất thường tài chính là cần thiết, kịp thời và có thể loại bỏ những khoản đầu tư bất hợp lý.
Wanda Group, một trong những tập đoàn Trung Quốc từng thực hiện nhiều thương vụ mua lại tại nước ngoài sẽ gặp hạn chế đáng kể từ các quy định mới của Bắc Kinh.
Tập đoàn Wanda sau khi thâu tóm chuỗi rạp chiếu phim AMC lớn thứ hai của Mỹ, mua lại Legendary Entertainment, một hãng sản xuất phim của Hollywood, và nắm giữ cổ phần của câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Atletico Madrid, mới đây đã phải lùi bước tham vọng về việc mở rộng đầu tư trong ngành giải trí do các hạn chế từ phía chính phủ.
Anbang, đơn vị từng đàm phán các thương vụ kinh doanh với Jared Kushner, con rể Tổng thống Mỹ, cũng phải chịu chung sự kiềm chế từ quyết định mới này.
Đồng thời, quy định mới cũng nhằm khuyến khích các công ty trong nước đổ hàng tỉ USD xây dựng cảng, đường cao tốc, đường sắt, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác liên quan đến Sáng kiến "Một vành đài - Một con đường” của Trung Quốc. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần