Trung Quốc hy vọng Mỹ và Nga sẽ tiếp tục duy trì Hiệp ước INF

Nguyễn Phương (Theo Economic)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich một quan chức cấp cao Trung Quốc bày tỏ hy vọng Mỹ và Nga sẽ tiếp tục duy trì Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tân Hoa xã đưa tin trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 16/2, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nói rằng tuyên bố đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF của Mỹ sẽ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 16/2.
Ông Dương khẳng định rằng Trung Quốc kiên quyết ủng hộ duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu. “Tuyên bố đơn phương của Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có những hậu quả nghiêm trọng, và thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc cho hay.
Theo ông Dương Khiết Trì, Trung Quốc hy vọng Mỹ và Nga sẽ quay trở lại Hiệp ước INF. “Trung Quốc hy vọng Mỹ và Nga có thể tiếp tục thực hiện Hiệp ước INF và phản đối việc đa phương hóa hiệp ước”, ông Dương nhấn mạnh.
Cùng ngày, Trung Quốc đã từ chối lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc tham gia Hiệp ước INF giữa Mỹ và Nga với lý do việc này sẽ đặt ra những giới hạn không công bằng đối với quân đội Trung Quốc.
Theo Reuters, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi thiết lập một hiệp ước kiểm soát vũ khí toàn cầu vì lo ngại khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ sau sự sụp đổ của Hiệp ước INF mà Mỹ đã đình chỉ nghĩa vụ thực thi với cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước.
“Giải trừ vũ khí là điều mà tất cả chúng ta quan tâm và tất nhiên chúng ta sẽ rất vui mừng nếu các cuộc đàm phán như vậy được tổ chức không chỉ giữa Mỹ, châu Âu và Nga mà còn với Trung Quốc”, Thủ tướng Merkel phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich.
Tuy nhiên, phát biểu tại Munich, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng các tên lửa của Trung Quốc chỉ mang tính chất phòng vệ. 
“Trung Quốc phát triển năng lực theo đúng nhu cầu phòng vệ và không đặt ra mối đe dọa cho bất cứ ai khác. Vì vậy, chúng tôi phản đối việc đa phương hóa INF”, ông Dương giải thích.
Mỹ và Liên Xô đã ký kết Hiệp ước INF vào năm 1987, cấm phóng các loại tên tửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 - 5.500km trên mặt đất, vốn được hai bên phát triển rất nhiều thời Chiến tranh Lạnh. Từ tháng 2 này, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức xúc tiến quá trình 6 tháng rút khỏi hiệp ước, đổ lỗi cho các vi phạm của Nga.
Trong khi đó, Moscow quả quyết không làm gì sai trái, đồng thời tố cáo ngược Washington mới chính là bên vi phạm INF và âm mưu chèn ép, buộc Chính phủ Nga phải phá hủy hệ thống tên lửa hành trình tân tiến, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân 9M729.