Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy bỏ kế hoạch thử hạt nhân

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra khi đề cập đến nguy cơ Mỹ có thể tiến hành thử hạt nhân lần đầu tiên kể từ năm 1992.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, cho biết Bắc Kinh hối thúc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và từ bỏ kế hoạch thực hiện các vụ thử hạt nhân.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng Mỹ nên tuân thủ nghiêm các nghĩa vụ của mình, không tiến hành bất kỳ cuộc thử nghiệm hạt nhân nào, và chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ lắng nghe cộng đồng quốc tế", bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.
Nhà ngoại giao Trung Quốc lưu ý thêm rằng "Mỹ nên từ bỏ các kế hoạch có thể làm suy yếu sự ổn định và trật tự chiến lược toàn cầu".
Bà Hoa Xuân Oánh cũng nói rằng Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi Washington từ bỏ các kế hoạch tiến hành các vụ thử hạt nhân.
Trước đó, hôm 22/5 vừa qua, tờ Washington Post có bài viết đăng tải nội dung chính quyền Tổng thống Donald Trump “đang thảo luận” về việc liệu có nên triển khai vụ thử nghiệm hạt nhân thật đầu tiên của quốc gia này kể từ năm 1992.
Một quan chức cấp cao tiết lộ với tờ báo rằng cuộc thử nghiệm có thể gửi tín hiệu tới Nga và Trung Quốc, đồng thời đóng vai trò như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí.
Sau đó, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trong trường hợp Tổng thống Donald Trump ra lệnh, Mỹ chỉ mất vài tháng để có thể tiến hành ngay một vụ thử hạt nhân thực địa.
Thông tin trên được ông Drew Walter, quan chức phụ trách vấn đề hạt nhân của Bộ Quốc phòng Mỹ, phát biểu trong một diễn đàn trực tuyến do Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell tổ chức vào ngày 26/5.
“Nếu như Tổng thống chỉ đạo - vì bất kỳ lý do kỹ thuật hay vấn đề địa chính trị nào - hệ thống thử nghiệm sẽ diễn ra tương đối nhanh. Một cuộc thử nghiệm có thể diễn ra chỉ trong vài tháng”, ông Walter cho hay.
Hồi tháng 8/2019, Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Trong khi đó, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược mới (New START) dự kiến hết hạn vào năm 2021. Mặc dù phía Nga nhiều lần tỏ thái độ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận, thậm chí đề xuất đưa một vài loại vũ khí mới của họ vào trong các điều khoản hạn chế, song Mỹ chưa nhất trí và muốn Trung Quốc gia nhập thỏa thuận.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần