Trung Quốc lại vỡ nợ kỷ lục?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của China Merchants Securities, năm 2021 nhiều khả năng ghi nhận số vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc vượt qua cả mức kỷ lục năm ngoái.

Vỡ nợ trái phiếu kỷ lục năm 2020 tại Trung Quốc.
Trong năm 2020, đã có 39 công ty Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu với giá trị lên tới gần 30 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2019. Giá trị các vụ vỡ nợ trên thị trường nội địa giảm từ mức 142 tỷ Nhân dân tệ (NDT) của năm 2019 xuống còn 137 tỷ NDT (21 tỷ USD), trong khi con số ở nước ngoài tăng từ mức 3,9 tỷ USD lên 8,6 tỷ USD.
Với đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, các cơ quan quản lý Trung Quốc được cho đang có nhiều dư địa hơn để tập trung vào việc giảm khối lượng nợ trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên đó lại là 1 áp lực mới đối với các công ty Trung Quốc: Trong 6 tháng cuối năm 2020, số vụ vỡ nợ trung bình mỗi tháng trên thị trường nội địa tăng 47% lên 13,6 tỷ NDT, so với mức 9,2 tỷ trong nửa đầu năm.
"Ngân hàng T.Ư Trung Quốc sẽ triển khai chính sách tiền tệ thận trọng hơn trong năm nay. Số công ty phải chịu áp lực tìm nguồn vốn sẽ tăng lên. Số vụ vỡ nợ sẽ tăng 10-30% so với năm 2019", Yuze Li, chuyên gia phân tích tín dụng tại China Merchants Securities dự báo.
Đáng chú ý, tại thị trường hải ngoại, mối quan tâm lớn của nhà đầu tư là những trái phiếu "keepwell". Nó yêu cầu công ty Trung Quốc phải cam kết giữ cho chi nhánh của nó ở nước ngoài - là nơi phát hành trái phiếu - không phá sản.
Thông thường công ty mẹ sẽ mua tài sản hoặc cổ phần ở công ty con như 1 cách để tài trợ cho các khoản thanh toán phát sinh từ số trái phiếu phát hành ở nước ngoài. Tuy nhiên trong vụ vỡ nợ của Peking University Founder Group tháng 8/2020, công ty mẹ Tsinghua Unigroup đã từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với 5 lô trái phiếu "keepwell", khiến một số nhà đầu tư phải khiếu kiện ra tòa.