Trung Quốc làm gì để hồi sinh ngành bán lẻ sau khủng hoảng dịch Covid-19?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Thủ tướng Lý Khắc Cường, 2/3 khoản hỗ trợ trong gói kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ được sử dụng để gia tăng thu nhập cho người dân nhằm kích cầu tiêu dùng.

Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện đa dạng các giải pháp để vực dậy ngành bán lẻ hàng hóa, trong bối cảnh doanh số sụt giảm gần 20% do chịu tác động từ đại dịch Covid-19 bùng phát, và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy thoái lần đầu tiên trong nhiều năm khi tăng trưởng âm 6,8%.
Một khu chợ đêm tại đường Đông Nam Kinh, TP Thượng Hải vừa được khai trương cuối tuần trước. 
Tại nhiều TP lớn, chính quyền đã phối hợp với DN tư nhân tổ chức các sự kiện tập trung mua sắm quy mô lớn, phát hàng loạt phiếu mua hàng trị giá hàng tỷ USD, thể hiện nỗ lực hồi sinh nền kinh tế qua biện pháp kích thích tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc.
TP Thượng Hải cuối tuần trước đã khai trương một khu chợ đêm tại đường Đông Nam Kinh với khoảng 20 gian hàng bán thực phẩm, hoa và đồ lặt vặt. Chính quyền TP Thượng Hải cũng đang khuyến khích các trung tâm thương mại kéo dài thời gian hoạt động vào cuối tuần.
Cùng với mở thêm chợ đêm, phát phiếu giảm giá (coupon) và phiếu mua hàng (voucher) cũng là lựa chọn phổ biến của nhiều địa phương. Thượng Hải đã phát ra 2 tỷ USD coupon và hợp tác cùng Alibaba để phát hành lượng voucher trị giá 13 tỷ Nhân dân tệ (1,84 tỷ USD) từ tháng 5 đến tháng 6. Người dân có thể dùng voucher để mua sắm tại các trang web trực tuyến, cửa hàng bách hóa, siêu thị, nhà hàng và các nơi khác.
Tương tự, thủ đô Bắc Kinh cũng quyết định phát hành 12,2 tỷ nhân dân tệ (NDT) voucher cho người dân với sự hợp tác của các nhà bán lẻ.
Để kích thích tiêu dùng, một số khu vực cũng bỏ lệnh cấm buôn bán hàng rong. Trước đó, từ khoảng năm 2000, việc bán hàng rong được xem là bất hợp pháp ở nhiều địa phương tại Trung Quốc vì lý do sức khỏe cộng đồng và nỗ lực cải thiện cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên, hiện một số nơi đã nới lỏng lệnh cấm để giải cứu các DN vi mô. Tại Quảng Châu, không gian trống trong trung tâm mua sắm và bãi đỗ xe đang được tích cực cho những người bán hàng rong thuê.
Chính quyền Bắc Kinh cũng lựa chọn giải pháp mở rộng hoạt động bán hàng miễn thuế để kích thích tiêu dùng trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Trong thông báo mới nhất đưa ra ngày 10/6, Wangfujing Group - một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Trung Quốc, cho biết đã nhận được giấy phép bán hàng miễn thuế từ Bộ Tài chính.
Đây là giấy phép thứ 8 từ trước đến nay mà bộ này cấp ra và lần này là nhằm nỗ lực kích thích tiêu dùng sau dịch Covid-19. Wangfujing Group là chủ sở hữu của Trung tâm Thương mại Bắc Kinh nổi tiếng tại thủ đô, cùng khoảng 54 trung tâm mua sắm tại 33 TP trên khắp Trung Quốc.
"Chi tiêu sẽ phục hồi sau chính sách mở rộng hoạt động bán hàng miễn thuế tại các hòn đảo và trung tâm TP", hai nhà phân tích Fan Junhao và Xu Zhuonan của China International Capital Corp (CICC), nhận xét hôm 10/6.
Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 4 đã tuyên bố sẽ cải thiện chính sách và giúp tăng số lượng cửa hàng miễn thuế tại các sân bay và trong trung tâm TP, như một phần của kế hoạch kích thích tiêu dùng. Gần đây, Quảng Châu cũng đang xin phép được thành lập các cửa hàng miễn thuế tại trung tâm TP.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trong gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, 70% sẽ được sử dụng để gia tăng thu nhập cho người dân một cách trực tiếp hoặc tương đối trực tiếp nhằm kích cầu tiêu dùng và tiếp thêm sinh lực cho thị trường. Theo đó, chính quyền địa phương được quán triệt chính sách này và bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần