Trung Quốc muốn tạo ra công ty đất hiếm "tầm cỡ thế giới"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc sẽ hợp nhất ba nhà sản xuất đất hiếm để thành lập một công ty quốc doanh chiếm 70% hạn ngạch sản xuất trong nước.

Theo Nikkei Asia, động thái này nhằm thúc đẩy sự phát triển các nguồn tài nguyên và công nghệ sản xuất, cũng như tăng cường kiểm soát của Bắc Kinh đối với lĩnh vực khai khoáng trước những căng thẳng thương mại kéo dài với Washington.
Bằng cách tái cơ cấu các công ty đất hiếm lớn của đất nước, chính phủ sẽ tìm cách mở rộng quyền kiểm soát từ sản xuất đến toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả xuất khẩu. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ cũng đang nỗ lực hợp tác với Australia tạo chuỗi cung ứng cho đất hiếm thay thế Trung Quốc.
 Một mỏ đất hiếm ở Mông Cổ, Trung Quốc. Ảnh: Kyodo. 
Peng Huagang, Tổng thư ký Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, cơ quan giám sát các doanh nghiệp nhà nước, cho biết tại một cuộc họp báo trong tuần này rằng chính phủ sẽ “thúc đẩy tái cơ cấu để tạo ra một công ty đất hiếm mang tầm thế giới. "
Mặc dù định nghĩa về "tái cấu trúc" không rõ ràng, nhưng nếu đây là một sự hợp nhất hoàn toàn của 3 công ty, thị phần của công ty mới trong hạn ngạch sản xuất đất hiếm vừa và nặng ở Trung Quốc sẽ là gần 70% và của đất hiếm nói chung, bao gồm cả đất hiếm nhẹ, sẽ là gần 40%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã coi kim loại này là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc khi vào năm 2019 ông khẳng định, “đất hiếm là một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng”. Một dự thảo luật về đất hiếm đã được đưa ra vào tháng 1 và đang được thảo luận tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc chiếm 60% sản lượng đất hiếm trên thế giới. Các điểm đến xuất khẩu hàng đầu là Nhật Bản (49% theo giá trị), tiếp theo là Mỹ (15%), theo truyền thông Trung Quốc.
Đất hiếm được gọi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại" vì là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.
Nếu thiếu đất hiếm thì không thể sản xuất những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống con người, và càng không thể thiếu trong chế tạo vũ khí, khí tài quân sự. Trong suốt ba thập niên qua, Trung Quốc là quốc gia khai thác và xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm đến 80% tổng sản lượng toàn cầu. Trên thế giới có đến 13 quốc gia có nhiều đất hiếm, theo dữ liệu trang chuyên ngành kỹ thuật khai thác mỏ Mining Technology và chuyên trang về đất hiếm Rare Earth Investments.
Theo một báo cáo của Công ty nghiên cứu Zion Market Reseach (Ấn Độ), thị trường đất hiếm thế giới sẽ tăng lên đến 14,4 tỷ USD vào năm 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần