Trung Quốc nỗ lực giành thị phần hàng không ở châu Á

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Máy bay C919 là biểu tượng cho tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không, nhằm cạnh tranh với Boeing 787 và Airbus A350.

Lợi nhuận “khủng” và chi phí quốc phòng ngày một tăng cao đã khiến nhiều hãng máy bay nhìn thấy triển vọng kinh doanh tươi sáng ở khu vực châu Á. Vì vậy, chương trình triển lãm hàng không Airshow (từ ngày 6 - 11/2) năm nay tại Singapore hứa hẹn ​mang đến nhiều hợp đồng mới.
Đội bay Jupiter của không quân Indonesia với 6 máy bay cánh quạt KT-1B.

Triển lãm hàng không lớn nhất châu Á được tổ chức 2 năm một lần đã thu hút sự chú ý của cả những “ông lớn” trong ngành sản xuất cũng như các hãng hàng không đang có ý định đặt những đơn hàng lớn. Đặc biệt, triển lãm hàng không lần này chứng kiến nỗ lực trỗi dậy của Trung Quốc với vai trò lớn hơn trong ngành công nghiệp hàng không toàn cầu. Sự thúc đẩy của Trung Quốc vào thị trường máy bay thương mại và quân sự được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang rút lui về quốc nội với chính sách "Nước Mỹ trên hết".

Đặc biệt, sản phẩm C919 là máy bay chở khách đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, nhằm cạnh tranh với Boeing 787 và Airbus A350... Với 168 ghế, C919 là biểu tượng cho tham vọng của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không. Chiếc máy bay đã hoàn tất chuyến bay thử đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái. Theo hãng tin CNBC, COMAC vừa nhận được lượng đơn hàng đặt mua hơn 700 chiếc máy bay chở khách thân hẹp C919.
Máy bay C919 của Trung Quốc. 
Đáng chú ý, Tổng Công ty Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) - nhà sản xuất chiếc máy bay chở khách đầu tiên của Trung Quốc đang hướng tới khách hàng ở khu vực Đông Nam Á.  Ông Lu Zheng - Phó Tổng giám đốc COMAC cho biết, cuộc giao hàng máy bay C919 đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021, với khách hàng nhận máy bay là hãng China Eastern Airlines.
"Quy trình chứng nhận máy bay của Trung Quốc kéo dài 3 - 4 năm. Sau khi chế tạo thành công C919, COMAC hiện đang hợp tác với Nga để chế tạo một chiếc máy bay thương mại thân rộng có tên C929" - ông Lu Zheng nói.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất nỗ lực vươn lên tìm kiếm thị trường trong ngành hàng không thương mại. Irkut MC-21 của Nga và Mitsubishi Regional Jet của Nhật Bản cũng đang tìm cách trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm và xuất hiện tại buổi trình diễn bay ở Airshow châu Á năm nay. Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Thành Đô của Trung Quốc cũng trưng bày hai phiên bản của máy bay trực thăng do thám Wing Loong và máy bay tiêm kích không người lái tại triển lãm với hy vọng thâm nhập thị trường châu Á. Richard Bitzinger - một chuyên gia cao cấp của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) dự báo, Mỹ sẽ bị mất một phần thị trường tại khu vực do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, độ tin cậy sẽ là lý do khiến Bắc Kinh mất thời gian lâu hơn để chinh phục thị trường khu vực.
Tại triển lãm lần này, các "ông lớn" cho thấy, họ đang nhắm đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương để bán sản phẩm và dịch vụ vì đây là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Airbus và Boeing đang cân nhắc đặt đại diện bộ phận dịch vụ bảo trì, sửa chữa và vận hành của các hãng này tại Singapore để chứng tỏ sự hiện diện lớn hơn tại khu vực.