Trung Quốc “sát cánh” cùng Nga giữa lúc xung đột thương mại với Mỹ đang tăng nhiệt

Nguyễn Phương (Theo SCMP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga trong tuần tới nhằm tăng cường mối quan hệ với đối tác chiến lược quan trọng nhất khi cuộc chiến thương mại với Mỹ đang leo thang.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 29/5 thông báo, nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến thăm Nga kéo dài 3 ngày, từ ngày 5/6 tới .
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, dự kiến trong chuyến thăm Nga sắp tới, bên cạnh cuộc gặp với Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế quốc tế tại TP St Petersburg, diễn ra từ ngày 6 - 8/6.
 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP 
Cuộc gặp cấp cao Nga - Trung trong tuần tới sẽ là cuộc gặp thứ hai giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin trong vài tháng  gần đây kể từ khi nhà lãnh đạo Nga đến thăm Bắc Kinh nhân dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 4 hồi cuối tháng 4 vừa qua.
Đây cũng sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 với Mỹ kết thúc mà không đạt thỏa thuận hồi đầu tháng này. Tổng thống Donald Trump cáo buộc Bắc Kinh từ bỏ những cam kết trong các cuộc đàm phán trước đó và tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này, nói rằng Washington tiếp tục đưa ra các yêu cầu bổ sung, đồng thời đáp trả bằng việc tăng thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD bắt đầu từ ngày 1/6.
Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy mối quan hệ song phương trên  nhiều lĩnh vực trong những năm gần đây, đặc biệt từ năm 2014 khi quan hệ giữa Moscow và phương Tây leo thang căng thẳng  liên quan đến việc Nga sáp nhập Crimea và các nước Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Moscow.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng xấu đi, ông Putin đã chuyển trọng tâm sang châu Á - đặc biệt là Trung Quốc - để hạn chế những ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của các nước EU đối với nền kinh tế Nga.
Theo số liệu chính thức, thương mại giữa Trung Quốc và Nga trong năm ngoái đã tăng 24,5%, lên mức cao kỷ lục 108 tỷ USD và Moscow hiện là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Bắc Kinh.
Ngoài ra, Nga cũng muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc đối với việc phát triển khu vực Bắc Cực - một động thái khiến Washington khó chịu và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ của quân sự hóa của Nga và đầu tư của Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow được dự báo ​​sẽ trở nên ấm áp hơn khi cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ bất ngờ tăng nhiệt và chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ. Trong khi đó, các nhà quan sát quốc tế cũng nhận định rằng hai bên sẽ tìm cách tiếp cận phối hợp trong các lĩnh vực mà họ có lợi ích chồng chéo, như vấn đề Triều Tiên và Venezuela.
Chuyên gia chính trị Stephen Blank của Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ tại Washington nhận định: “Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ đưa Nga đến gần Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chưa cải thiện được mối quan hệ với Washington”.
Việc hợp tác kinh tế sẽ là một trong trọng tâm trong chương trình nghị sự chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập trong bối cảnh kim ngạch thương mại song phương tăng mạnh trong năm 2018, nhưng hai nước vẫn khó có thể đạt được mục tiêu đạt 200 tỷ USD vào năm tới.
Ông Li Lifan thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết, Trung Quốc sẽ tìm cách đẩy mạnh hợp tác về năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, công nghệ cao, kinh tế kỹ thuật số và không gian.
Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin dự kiến ​​sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 tới - sự kiện mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ​​sẽ tham gia.
Tổng thống Mỹ trước đây đã nói rằng ông sẽ gặp cả Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin bên lề sự kiện kinh tế này, song hiện cả Trung Quốc và Nga đều chưa xác nhận các cuộc họp sẽ diễn ra./.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần