Trung Quốc sẽ không vì Iran làm “trật bánh” thỏa thuận thương mại với Mỹ

Nguyễn Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà phân tích và kinh tế nhận định Trung Quốc sẽ không phán xét bất kỳ điều gì về việc Mỹ ám sát tư lệnh Iran, ngoại trừ chỉ trích các động thái của Washington với Tehran.

Bất chấp quan hệ giữa Trung Quốc và Iran nồng ấm trong những năm gần đây, Bắc Kinh sẽ không vì điều này mà làm ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán thương mại vừa đạt được với Washington hồi tháng 12 vừa qua.
Việc Mỹ sát hại tư lệnh quân đoàn Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran trên lãnh thổ Iraq sẽ không làm chệch hướng tiến trình đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bất chấp mối quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Iran đang nồng ấm trong thời gian gần đây.
 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng.
Phản ứng với vụ không kích của Mỹ tại Iraq, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 3/1 tuyên bố: "Sự thống nhất về lãnh thổ và chủ quyền của Iraq nên được tôn trọng, cũng như hòa bình và sự ổn định ở vùng Vịnh, Trung Đông cần được duy trì. Chúng tôi hối thúc các bên liên quan, đặc biệt là Mỹ hãy giữ bình tĩnh và kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng".
Tuy nhiên, Trung Quốc có quá nhiều thứ để mất về kinh tế nên Bắc Kinh sẽ không đưa ra bất kỳ phán xét nào, ngoại trừ việc chỉ trích các động thái của Washington với Tehran, các nhà kinh tế và nhà phân tích nhận định.
Adnan Mazarei - chuyên gia về Iran tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng mặc dù có mối quan hệ thân thiết với Iran song Trung Quốc vẫn công nhận Mỹ là một đối tác thương mại lớn của nước này.
“Hơn nữa, dựa trên những cảm nhận không mấy khả quan trong chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây, Bắc Kinh sẽ rất do dự để xuất hiện và đưa ra những tuyên bố kiểu như vậy. Không có bất kỳ nước nào trong 3 nước trên có thể thay đổi chính sách thương mại chỉ sau một đêm", chuyên gia Mazarei khẳng định thêm.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Tehran, những động thái được cho là sự khởi đầu của vòng xoáy căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Quyết định này cũng đẩy Iran gắn bó hơn trong quan hệ với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng tuyên bố không thực hiện các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran, và đã tham gia các cuộc tập trận hải quân chung với Iran tại Vịnh Oman trong tháng 12/2019.
Tuy Bắc Kinh chỉ trích động thái mới nhất của Lầu Năm Góc ở Baghdad nhưng mối quan hệ về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn rất "mong manh" trong bối cảnh chưa hoàn toàn thu hẹp những bất đồng thương mại và chắc chắn không có bất kỳ bên nào muốn phá hỏng tiến trình vừa đạt được gần đây.
Sau những căng thẳng thương mại kéo dài suốt 2 năm qua với nhiều vòng đàm phán, những lần phá vỡ các cam kết và các “đòn” đáp trả thuế quan lẫn nhau, hai cường quốc kinh tế thế giới chỉ mới đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào tháng 12/2019.
“Vì vậy, với một thỏa thuận tạm đình chiến và hơn 700 tỷ USD giá trị thương mại đang đứng trước nhiều rủi ro, Trung Quốc sẽ không từ bỏ những thỏa hiệp mà nước này phải nỗ lực rất nhiều mới đạt được và vai trò là một nhà xuất khẩu lớn chỉ để bảo vệ Iran” - Clete Willems, cựu quan chức phụ trách kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump và từng là thành viên của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nhận xét.
Ông Hu Xijin - Tổng biên tập tờ Global Times của Trung Quốc, cho rằng cuộc không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad (Iraq) sát hại tướng Iran Qassem Soleimani cũng đưa ra một thông điệp khác đối với một “kẻ thù” lâu năm khác của Washington.
Việc Mỹ sát hại tư lệnh Iran Soleimani đã gửi một thông điệp tới Triều Tiên rằng: "Nếu không vì Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, Washington sẽ hành động cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng". "Giờ thì Triều Tiên có lẽ đang nghĩ rằng: Chúng tôi có thể mất mọi thứ nhưng không thể nào mất vũ khí hạt nhân", ông Hu Xijin viết trên trang Twitter./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần