Trung Quốc sẽ trả đũa thương mại Mỹ bằng... đất hiếm?

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nguyên tố đất hiếm (rare earths) được sử dụng trong đa dạng các sản phẩm, từ iPhone đến động cơ xe điện, cũng như động cơ phản lực quân sự, vệ tinh và laser.

Một thỏi kim loại đất hiếm trên tay người công nhân tại một nhà máy ở Thiên Tân, Trung Quốc vào ngày 16/10/2013.

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng vị thế thống trị đất hiếm của mình như một nhà cung cấp "khó tính" để làm đòn bẩy trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế toàn cầu.
Nhu cầu đất hiếm
Đất hiếm hiện được sử dụng trong pin sạc cho xe điện và xe lai điện, tua-bin gió, chất xúc tác trong xe hơi và nhà máy lọc dầu, màn hình điện tử, máy tính, tivi, sợi quang... Một số nguyên tố đất hiếm, như neodymium và dysprosium, rất quan trọng đối với các động cơ được sử dụng trong xe điện.
Một số khoáng chất đất hiếm không thể thiếu trong các thiết bị quân sự, bao gồm động cơ phản lực, hệ thống dẫn đường tên lửa, hệ thống phòng thủ, vệ tinh, laser... Chẳng hạn, lanthanum là chất cần thiết để sản xuất các thiết bị quang học điện tử giúp quan sát trong bóng đêm.
Lầu Năm Góc chiếm khoảng 1% nhu cầu đất hiếm của Mỹ, từ đó chiếm khoảng 9% nhu cầu toàn cầu về đất hiếm.
Các DN của Mỹ như Raytheon, Lockheed Martin và BAE Systems, đều chế tạo các tên lửa tinh vi sử dụng kim loại đất hiếm trong hệ thống dẫn đường và cảm biến, hiện đều từ chối bình luận về nguy cơ thiếu hụt đất hiếm nếu Trung Quốc hành động.
Apple cũng sử dụng các yếu tố đất hiếm trong loa, máy ảnh và các công nghệ có tính năng phản hồi xúc giác (động cơ haptic). Công ty này cho biết, các yếu tố hiện không có sẵn tại bất cứ cơ sở tái chế nào vì chúng được sử dụng với số lượng nhỏ và cũng không thể tái sử dụng.
"Từ năm 2010, chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân Mỹ đã xây dựng các kho dự trữ đất hiếm, trong khi một số nhà cung cấp đã hạn chế việc sử dụng nó", một cựu chuyên gia chuỗi cung ứng Lầu Năm Góc nói với Reuters.
Trung Quốc thống trị
Kim loại đất hiếm là một nhóm gồm 17 nguyên tố - lanthanum, cerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium, lutium mặt đất.
Mặc dù có vẻ phong phú về số lượng nhưng chúng đều rất khó khăn và tốn kém để khai thác và xử lý sạch sẽ. Trung Quốc nắm giữ hầu hết sản lượng của thế giới và là nhà cung cấp 80% lượng đất hiếm cho Mỹ giai đoạn 2014 - 2017. Năm 2017, Trung Quốc chiếm 81% sản lượng đất hiếm của thế giới.
Các nhà nhập khẩu đã nỗ lực hạn chế để giảm tiêu thụ đất hiếm và sự phụ thuộc vào Trung Quốc sau tranh chấp ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 2010. Tokyo đã cáo buộc Trung Quốc tạm dừng cung cấp đất hiếm vì lý do chính trị và dù Bắc Kinh sau đó phủ nhận thì điều này cũng là lời cảnh báo đến toàn thế giới về rủi ro khi phụ thuộc vào một nhà cung cấp.
Tuy nhiên rất ít nhà cung cấp thay thế có thể cạnh tranh với Trung Quốc - nơi sở hữu 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu.
Mỏ Mountain Pass của California là cơ sở đất hiếm duy nhất của Mỹ đang hoạt động, tuy nhiên nó vẫn phải vận chuyển khoảng 50.000 tấn mà nó khai thác mỗi năm từ California đến Trung Quốc để xử lý. Đáng nói, Bắc Kinh đã áp đặt mức thuế 25% đối với những hàng nhập khẩu đó trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Cho đến nay, chính phủ Mỹ đã miễn các loại đất hiếm khỏi thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần