Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028?

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo bà Helen Qiao - Trưởng bộ phận kinh tế châu Á tại Bank of America, nhờ những nỗ lực cải cách kinh tế hiệu quả, Trung Quốc có thể vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2027 hoặc 2028.

Chuyên gia cấp cao của Bank of America cho biết, Trung Quốc đang có nhiều cơ hội để tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035, cũng như sớm vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm tới.
 Trung Quốc đang có nhiều cơ hội để tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035.
Trước đó, hồi tháng 11/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này có thể tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035.
Với mục tiêu tăng gấp đôi GDP, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 4,7% trong vòng 15 năm tới - điều mà một số nhà phân tích cho rằng khó có thể đạt được.
Tuy nhiên, bà Helen Qiao - trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Bank of America, nhận định lạc quan rằng một số chương trình cải cách sẽ giúp Trung Quốc đạt được kế hoạch đầy tham vọng này. “Chúng tôi cho rằng Trung Quốc đang có nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được mục tiêu này”- chuyên gia Qiao phát biểu trên kênh CNBC hôm 26/2.
Bà Qiao dự đoán thêm rằng ngoài việc tăng gấp đôi GDP, Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khoảng giai đoạn từ năm 2027 - 2028.
Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế trên toàn cầu đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt mức 8,1% trong năm nay.
Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 3,5% trong năm 2020, theo ước tính mới nhất của chính phủ  Mỹ. IMF cho biết, Mỹ có thể chứng kiến mức tăng trưởng GDP khoảng 5,1% trong năm 2021.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng Trung Quốc sẽ phải đương đầu với 3 trở ngại lớn nhất trong kế hoạch phát triển kinh tế đến năm 2035. Thứ nhất là vấn đề già hóa dân số của Trung Quốc. Khó khăn thứ hai là tỷ lệ nợ công ở mức cao so với GDP sẽ đe dọa đến sự ổn định kinh tế của Trung Quốc. Mối lo ngại thứ ba là mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc sẽ không bền vững và khó có thể thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.
Chuyên gia của Bank of America cho rằng những nguy cơ trên có thể ảnh hưởng tiêu cực, song không làm chệch quỹ đạo tăng trưởng chung của Trung Quốc, nhờ chính phủ đã có một số chính sách đối phó. Theo đó chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện các giải pháp cụ thể như tập trung ổn định nợ, áp dụng các sáng kiến về ​​thúc đẩy đô thị hóa và mở cửa lĩnh vực dịch vụ.
Mặc dù có những nhận định khá lạc quan, bà Qiao vẫn cảnh báo rằng mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2035 của Trung Quốc có thể đối mặt một rủi ro xuất phát từ nhiều yếu tố mà Bắc Kinh không thể kiểm soát được.
Nhà kinh tế này cũng lưu ý thêm rằng căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể là mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Căng thẳng Mỹ - Trung đã leo thang trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và trở thành một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần