Trung Quốc với vấn đề nợ công

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến cuối năm 2016, tổng mức nợ công của cả trung ương và các địa phương tại Trung Quốc là 27,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 4.000 tỷ USD), chiếm khoảng 36,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trương Thiếu Xuân cho rằng, mức nợ công vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post
Thời gian qua, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để siết chặt công tác quản lý nợ của chính quyền các cấp, bao gồm việc tăng cường giám sát các nền tảng tài chính địa phương và thiết lập cơ chế giám sát chéo giữa các bộ phận. Cũng theo ông Trương Thiếu Xuân, chính phủ Trung Quốc đã nâng cao mức độ công khai thông tin về các hoạt động huy động vốn của chính quyền địa phương, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác truy cứu trách nhiệm đối với các cán bộ lãnh đạo về những hoạt động huy động vốn bất hợp pháp.
Giới chức Trung Quốc cũng đặt ra nhiều biện pháp để xử lý nợ địa phương và các khoản nợ xấu của ngân hàng, thông qua việc thiết lập chính sách tiền tệ một cách thận trọng và trung lập. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng cố gắng giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng. Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đổi cách tính tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ nhằm hạn chế sự biến động trên thị trường tài chính. Đồng thời PBOC ngừng bơm tiền mặt vào thị trường, do năng lực thanh khoản liên ngân hàng bằng tiền mặt vẫn đang trong trạng thái ổn định. Hiện chi phí cho vay trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc vẫn ở mức thấp.
Mặc dù tỉ lệ nợ công của Trung Quốc có tăng, song các chuyên gia nhận định tình hình không quá nghiêm trọng, trong bối cảnh các DN hàng đầu của nước này đang tăng trưởng rất khả quan. Nhờ sự kết hợp của gói kích thích kinh tế và cải cách DN quốc doanh, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu tại các công ty phi tài chính lớn nhất Trung Quốc hạ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Những thước đo về khả năng sinh lời và thanh toán lãi suất mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, cùng với dòng vốn chảy tự do cũng tăng mạnh. Những yếu tố trên đã giúp giảm bớt lo ngại về khả năng có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính của  nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đánh giá về các biện pháp để hạ nhiệt nợ rủi ro trong hệ thống tài chính của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây, kênh CNN (Mỹ) cho rằng, Bắc Kinh vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt để giảm nợ công trong khi vẫn phải tính toán việc duy trì phát triển kinh tế ổn định. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế lại ủng hộ chiều hướng này, đồng thời nhận định sự cẩn trọng là cần thiết trong trường hợp này nhằm tránh nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính.