Trung thu giản dị và ấm áp

Lại Tấn – Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Một mùa Trung thu nữa lại đến, người người lại xúng xính áo quần, đèn hoa xuống phố hòa vào dòng người đông đúc. Ở Hà Nội, người ta rỉ tai nhau vui nhất là phố Hàng Mã, Hàng Lược, Hàng Đường hay các trung tâm thương mại ngập tràn ánh sáng. Tại các khu tập thể, chung cư cũ, trẻ em được hòa mình vào không khí Trung thu ấm áp, được rước đèn, xem múa lân, í ới gọi nhau đi phá cỗ… với người lớn nó lại giống như một tấm vé trở về tuổi thơ.

Lễ hội “Trung thu phố cổ 2018”. Ảnh: Quang Thái
“Cây nhà lá vườn”
Mỗi mùa Trung thu đến, Hà Nội lại tổ chức nhiều hoạt động để các em thiếu nhi được vui chơi. Nhiều gia đình cố gắng thu xếp đưa con đến Hàng Mã hay “chạy sô” khắp nơi vì từ trường học, cơ quan, tổ dân phố đều tổ chức Trung thu. Tuy nhiên, không phải sự kiện Trung thu nào cũng mang đến sự hấp dẫn cho trẻ em vì nhiều nơi tổ chức còn mang nặng tính hình thức, năm nào cũng thuê nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn hài và một số màn xiếc hiện đại.
Tối 21/9, quận Cầu Giấy vui Trung thu cho thiếu niên, nhi đồng toàn quận tại công viên Cầu Giấy theo hình thức “cây nhà lá vườn”. Các em thiếu niên trường Tiểu học cơ sở Dịch Vọng, Trung học cơ sở Mai Dịch tự biên tự diễn lên các tiết mục kịch nghệ đọc sách, hoặc răn dạy 5 điều Bác Hồ dạy.
Ngay sau khi bước vào cổng công viên, từng mâm ngũ quả do các anh chị Đoàn thanh niên phường Nghĩa Tân, Dịch Vọng Hậu, Dịch Vọng, Yên Hòa, Mai Dịch… tự bày trí sắp xếp với các con thú tạo hình bằng hoa quả, và đặc biệt là không thể thiếu đèn ông sao, bánh nướng, bánh dẻo… đã tạo không khí Trung thu đầm ấm cho từng phường.
Tết Trung thu năm nay, quận Cầu Giấy dành nhiều thời gian để quan tâm đến gần 20 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với số quà trị giá lên tới gần 60 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho biết: “Mấy năm nay, cứ vào dịp Tết Trung thu thiếu nhi toàn quận lại tụ hội cùng nhau rước đèn, trông trăng. Năm nay, các hoạt động văn hóa văn nghệ có phần tiết giảm, nhưng cũng không vì thế mà giảm đi ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn kết trong ngày Tết đoàn viên”.
Trung thu xưa, vui nhất với các em ở độ tuổi nhi đồng là được đi rước đèn, xem múa lân, phá cỗ. Nắm được tâm lý đó, ở những khu nhà tập thể cũ ở Hà Nội, khi tổ chức Trung thu, người lớn thường cố gắng thu xếp có những tiết mục này. Đêm rằm tháng Tám, khuôn viên sân chơi Tổ dân phố số 20 (khu dân cư số 6, phường Kim Liên, quận Đống Đa) dành riêng để bày cỗ Trung thu cho trẻ nhỏ.
Từ 6 giờ tối, các bà, các mẹ tất bật bày biện trang trí bằng những vật dụng đơn giản như bong bóng, đèn ông sao và quan trọng nhất là mâm cỗ. Đúng 7 giờ tối, tiếng trống của đoàn múa lân vang lên, thúc giục, len lỏi vào từng ngôi nhà. Trên từng tầng, phụ huynh bắt đầu dọn dẹp bữa cơm ăn sớm hơn mọi ngày để đưa con em đến dự.
Có những em nhỏ, bố mẹ đưa đi Trung thu lần đầu tiên trong đời còn nằm xe nôi, có những em 1 - 2 tuổi được bố mẹ bế trên tay và cầm những chiếc đèn lồng bé xíu. Lũ trẻ lớn hơn lại chạy sang nhà bạn, nhà hàng xóm í ới gọi nhau, mang theo đủ thứ đồ chơi vội vàng bày ra chơi chung tại sân khu tập thể.
Ông Vũ Hồng Hà – Tổ trưởng Khu dân cư số 6 cho biết: “Tổ dân phố tổ chức sự kiện tuy đơn sơ, giản dị nhưng mong các cháu có một Tết Trung thu vui, ý nghĩa. Trong dịp này, chúng tôi cũng chuẩn bị những phần quà nhỏ dành tặng cho mỗi cháu thiếu nhi và các em học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt trong năm vừa qua”.
“Tấm vé tuổi thơ” giữa phố thị
Ở Tổ dân phố số 12 (phường Kim Liên), chỉ với một tấm biển “Vui Trung thu” nhỏ, dưới ánh trăng rằm và dãy bàn ghế nhựa, các em thiếu nhi vừa ngồi ăn bánh kẹo cùng bạn bè, bố mẹ được nghe câu chuyện cổ tích “Chú Cuội cung trăng”, tham gia những trò chơi đố vui, nhảy bao bố… Cũng trong không gian ấy, người ta lại vô tình bắt gặp những nhân vật nổi tiếng như người nhện, Elsa băng giá, ông địa qua những chiếc mặt nạ giấy bồi.
Bí thư Đoàn Thanh niên phường Trung Tự, Lê Minh Đức cho biết: “Trung thu ngày nay, dù biết đã có rất nhiều thay đổi so với Trung thu xưa, nhưng ở thời đại nào đi nữa thì ngày Rằm tháng Tám hàng năm vẫn là dịp để mọi người ôn lại những hồi ức đẹp của tuổi thơ. Hàng năm, chúng tôi đều cố gắng tổ chức các chương trình Trung thu và trò chơi dân gian truyền thống để các em có không gian vui chơi, thêm đoàn kết và có một mùa Trung thu đáng nhớ”.
Cảm nhận về mô hình tổ chức Trung thu tại các khu tập thể, anh Lê Trường Giang - cư dân nhà G7, tập thể Trung Tự chia sẻ: “Những năm gần đây, thay vì ra phố chơi, tôi thường cho các con đón Trung thu ở khu tập thể. Mọi thứ tuy giản dị, đơn sơ nhưng ở đây các cháu đều biết và yêu quý nhau, có bạn học cùng lớp, có các anh chị hàng xóm như anh em trong nhà”. Đây cũng là dịp để các gia đình quây quần, trò chuyện bên nhau như lúc còn thơ bé...