Trước khi mất tích ở Anh, 21 lao động Nghệ An xuất cảnh hợp pháp từ Nội Bài

Công Thọ - Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An xác nhận 21 lao động Nghệ An có giấy tờ xuất cảnh hợp pháp từ Nội Bài, trước khi mất tích ở Anh.

Chiều 4/11, bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An trao đổi rõ hơn cho báo chí về thông tin bắt 8 đối tượng đưa người đi Anh trong vụ 39 người chết trong container ở Anh.
 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An
Từ 23/10, khi có thông tin về 39 người tử vong ở Anh, công an Nghệ An đã khai thác thông tin trên mạng xã hội, qua bà con Việt kiều và nghi vấn có người Việt Nam. Đến 27/10, chuyên án được lập và trinh sát đã vào cuộc. Đến 2/11, công an Nghệ An thấy rằng cần phải khởi tố vụ án để ngăn chặn những người này bỏ trốn và lập danh sách từ tám đến chín người nghi vấn...
Chiều 2/11, công an Nghệ An đã bắt giữ người đầu tiên và sáng 3/11, bắt tiếp bảy người. “Hiện các đối tượng chúng tôi bắt giữ đều khai nhận tất cả hành vi đưa người sang bên đó”, ông Cầu nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về 8 người bị bắt giữ có phải là đường dây chuyên nghiệp đưa người đi nước ngoài không? - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, nếu nói 8 người này nằm trong đường dây đưa người đi nước ngoài "chui" chuyên nghiệp thì không phải. Họ chỉ là những người có con em, người thân làm việc bên Anh. Họ cũng đã đi sang bên Anh rất nhiều và làm ăn được, nên móc nối với người thân của mình để tổ chức cho những ai muốn sang Anh thì họ đón. Người Việt Nam muốn sang Anh có những người phải nộp đến 49.000 USD (gần 1 tỉ đồng), có người đến 600-700 triệu đồng.
“Tất cả những người chúng tôi đang nghi vấn ở Anh đều đi qua cửa khẩu sân bay Nội Bài hợp pháp, giấy tờ đầy đủ, chứ không phải đi chui đi lủi qua Lào, Campuchia. Còn họ đi sang nước thứ ba là chuyện khác”, ông Cầu nói.
Ông cho biết thêm, hiện chưa thể biết rõ những người bị bắt đã đưa bao nhiêu người sang Anh, nhưng rõ ràng họ có liên quan. “Cái này chúng tôi công bố sau. Nhưng những người chúng tôi bắt giữ là có căn cứ và đúng pháp luật”, ông thông tin.
Qua kinh nghiệm điều tra và xử lý những việc trước đây, ông cũng nhận định, ở Anh có những công việc làm có thể có thu nhập như làm móng tay, chân, phục vụ nhà hàng, khách sạn, có người nói là sang để trồng cỏ...
“Nếu biết sang Anh để trồng cỏ hoặc đi chui lủi thì chắc chắn gia đình không cho con mình đi. Bởi đi như vậy phải bỏ ra số tiền lớn và rủi ro rất lớn nên không bao giờ người ta cho con mình làm chuyện đó. Do vậy, cần hết sức chia sẻ với với các gia đình nạn nhân, ông nói.
Giám đốc Công an Nghệ An phân tích: “Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng Nghệ An đã phân loại. Có thể bây giờ bắt là tám nhưng nếu vai trò của họ là thứ yếu thì có thể loại ra, nhưng sẽ mở rộng xem còn bao nhiêu người đứng sau họ. Bởi quá trình phạm tội này là ở bên Anh, người ở Việt Nam chỉ là môi giới, còn người bên Anh mới trực tiếp cho họ ở lại nước ngoài trái phép”.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, đây không phải là vấn đề buôn người. Bởi những người đó ra nước ngoài làm ăn và họ có nộp tiền. “Không ai bỏ ra một tỉ để cho người khác buôn mình cả, mà là tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài và ở lại nước ngoài trái phép”, ông nói.