Trước phiên họp thứ 3 về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019: Mức tăng nào hợp lý?

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong trường hợp lương tối thiểu vùng (LTTV) 2019 không tăng được 7% thì ít nhất cũng phải bằng năm 2018 là 6,5%. PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn đề xuất khi bàn câu chuyện, hôm nay 13/8, Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên thứ ba bàn thảo điều chỉnh mức LTTV 2019.

  PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Công đoàn
2% của VCCI chưa có sức thuyết phục
Thưa ông, hai phiên họp trước, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đại diện cho người lao động (NLĐ) vẫn kiên định đề xuất tăng 8%. Ông có ý kiến gì về mức này?

- Mức 8% mà Tổng Liên đoàn đề xuất có nhiều lý do. Lý do thứ nhất, nếu không có giải pháp tích cực, chỉ 2 năm nữa là đến năm 2020, chúng ta khó thực hiện được mức lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu. Thứ hai, Nhà nước đang cố gắng phấn đấu giữ lạm phát 4%. Khi có lạm phát, tiền lương thực tế của NLĐ sẽ giảm, vì thế rất cần điều chỉnh tăng LTTV để bù vào.
Thứ ba, năm nay tăng trưởng kinh tế của chúng ta giữ ở mức trên 6%, còn trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng rất cao. Điều đó cho thấy, đóng góp của NLĐ trong lĩnh vực này rất lớn. Tăng trưởng kinh tế là do con người và phải vì con người nên đương nhiên tiền lương của NLĐ phải được tăng.

Ông có bình luận gì khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI - đại diện cho giới chủ sử dụng lao động) phiên thương lượng đầu tiên đề xuất không tăng LTTV, đến phiên thứ 2 nâng lên thành 2%?

- Chúng ta nên chia sẻ việc, NLĐ đi làm ai cũng muốn có thu nhập cao, người sử dụng lao động khi đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh rất muốn có lợi nhuận. Vấn đề đặt ra là làm thế nào hài hòa lợi ích giữa hai bên. Trong quan hệ chủ sử dụng – NLĐ, thế yếu thuộc về NLĐ. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của Nhà nước, đại diện NLĐ làm thế nào để hài hòa được. Và, chỉ có khi hài hòa thu nhập thì xã hội mới ổn định, tiến bộ và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề đặt ra, mong muốn của chủ sử dụng lao động chỉ nâng ở mức 2% thì không đủ bù trượt giá cho NLĐ, chưa nói đến tiền lương tối thiểu tiệm cận mức sống tối thiểu. Cho nên, tôi nghĩ mức 2% VCCI đưa ra chưa có sức thuyết phục.
 Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long rút tiền lương qua thẻ ATM. Ảnh: Công Hùng

VCCI nhích lên, Tổng Liên đoàn giảm xuống

Nhưng, vấn đề đang khúc mắc ở chỗ có những quan điểm khác nhau về cách tính rổ hàng hóa đảm bảo đời sống tối thiểu cho NLĐ trước đây được xác định 724.000 đồng nay giảm còn 660.000 đồng?

- Tuy rằng, những năm gần đây, mặt bằng giá của chúng ta tương đối ổn định, nhưng không có nghĩa là giảm. Có nhiều lĩnh vực như dịch vụ y tế, giáo dục, tiền điện, nước... tăng. Vì thế, rất cần có hội đồng độc lập để nghiên cứu và có đánh giá đúng về gói hàng hóa mức sống tối thiểu cho NLĐ. Cũng cần xem lại cách tính tỷ lệ lương thực thực phẩm (LTTP) và phi LTTP. Quy luật tất yếu khi xã hội càng phát triển thì chi phí cho phi LTTP càng tăng. Nhưng, phiên họp của Hội đồng tiền lương quốc gia ngày 26/7 vừa qua, VCCI đưa ra tỷ lệ phi LTTP và LTTP tương ứng là 54 % - 46%; Tổng Liên đoàn tính 45% - 55%.

Khi xã hội phát triển sẽ có hàng loạt nhu cầu khác tăng lên. Tôi cho rằng, Việt Nam đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình nên không có lý gì chi phí phi LTTP chiếm tỷ lệ thấp hơn LTTP. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cũng phải dần dần, tương ứng như cơ cấu kinh tế chủ yếu từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp và dịch vụ. Việc xác định 45% và 55% của Tổng Liên đoàn là chưa thỏa đáng, nên ở mức 47% - 53%.

Theo ông, phiên họp thương lượng điều chỉnh LTTV 2019 sẽ diễn ra hôm nay 13/8 tại Hải Phòng, khi VCCI đề xuất 2%, Tổng Liên đoàn 8%, tỷ lệ quá chênh lệch, liệu có chốt được?

- Tôi nghĩ trong quá trình thương lượng này, đại diện NLĐ cũng phải chia sẻ với giới chủ sử dụng lao động những khó khăn trong kinh tế thị trường. Đặc biệt ở Việt Nam trình độ phát triển kinh tế còn hạn chế, sức cạnh tranh của các DN chưa lớn. Nhưng, người sử dụng lao động cũng phải thấy hiện nay đời sống của công nhân lao động vẫn còn nhiều khó khăn. DN muốn phát triển phải quan tâm cải thiện đời sống cho NLĐ. Hai bên phải chia sẻ và thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn của nhau, để rồi, VCCI cũng phải nhích đề nghị tỷ lệ % LTTV lên; đại diện của NLĐ có thể giảm tỷ lệ đề xuất xuống.
Theo tôi, mức tăng LTTV 2019 khoảng 7% hoặc ít nhất phải ngang bằng năm ngoái 6,5% là hợp lý. Có như thế, mới cải thiện được đời sống của NLĐ cũng như thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 tiền lương tối thiểu đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần