Trước thềm cuộc họp của FED: Tỷ giá trong nước được duy trì ổn định

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 22.262 đồng/USD, giảm 1 đồng so với phiên cuối tuần trước.

Tại các ngân hàng thương mại trong nước, tỷ giá đồng USD được duy trì ổn định, bán ra phổ biến quanh 22.860 đồng/USD.
Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.770 – 22.840 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 5 đồng ở cả chiều mua và bán so với cuối tuần trước. Techcombank và Sacombank cùng tăng 10 đồng mua vào – bán ra, tương ứng ở mức 22.776 – 22.860 đồng/USD và 22.750 - 22.870 đồng/USD. Trong khi đó, VietinBank giảm 4 đồng, niêm yết ở mức 22.770 đồng/USD - 22.840 đồng/USD (chiều mua vào – bán ra).
 Ảnh minh họa
Trên thế giới, nhiều tổ chức dự báo, thị trường đã gần như chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD trong cuộc họp diễn ra vào ngày 14 - 15/3 với mức tăng thêm khoảng 0,25 điểm phần trăm (lên 0,75 - 1%).
Phòng Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu của HSBC Việt Nam cho rằng, khi FED bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu nhiều áp lực về phá giá. Và VND không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, theo đại diện HSBC, điều may mắn cho Việt Nam là khối lượng đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng VND của các nhà đầu tư nước ngoài rất ít nên sẽ không thấy tình trạng bán tháo trái phiếu và mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài như ở một số thị trường trong khu vực.
"Nếu FED tăng lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá VND, nhưng ảnh hưởng không nhiều và tỷ giá sẽ chỉ tăng khoảng 2% trong năm 2017" - TS Lê Anh Tuấn - Kinh tế gia trưởng, Giám đốc khối nghiên cứu Kinh tế thuộc Dragon Capital nhận xét. Theo ông Tuấn, cùng với việc theo sát những diễn biến của thị trường và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, việc điều hành tỷ giá theo cơ chế “tỷ giá trung tâm” của Ngân hàng Nhà nước thực hiện từ đầu năm 2016 đã đảm bảo rằng việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước luôn bám sát diễn biến của thị trường. Ở khía cạnh nguồn cung, hiện cung ngoại tệ vẫn rất dồi dào, cán cân thương mại thặng dư khá lớn trong năm 2016, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ODA, hoạt động thoái vốn của Chính phủ khỏi các tổng công ty Nhà nước cũng tạo được nguồn cung USD/VND tương đối lớn tạo và giúp cân đối cung - cầu trên thị trường. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục (41 tỷ USD). Dự trữ ngoại hối tăng sẽ giúp cho Việt Nam tăng cường khả năng chống đỡ trước các cú sốc từ bên ngoài.
Kỳ vọng FED tăng lãi suất trong tháng 3 tăng cao khiến phần đông các nhà đầu tư tỏ ra bi quan về xu hướng giá vàng tuần này. Sau khi tăng nhẹ, giá vàng thế giới mở cửa ngày 13/3 lại đảo chiều giảm 0,40 USD/ounce (0,03%) về 1.204,1 - 1.205,1 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng đi ngang đứng ở mức 36,65 triệu đồng/lượng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần