Trước thông tin “thịt thối” từ Brazil: Cân nhắc biện pháp tạm ngừng nhập khẩu

Nguyên Dương - Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Thương vụ Việt Nam tại Brazil đưa ra cảnh báo nguy cơ mất ATTP đối với thịt gia súc, gia cầm tại nước này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra từ khâu nhập khẩu (NK), tiếp tục theo dõi, thậm chí không loại trừ khả năng tạm ngừng NK.

Kiểm soát chặt từ đầu vào
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị chiều 22/3, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, sau khi xảy ra sự việc, với chức năng nhiệm vụ của mình, Vụ và các đơn vị liên quan của Bộ đã theo dõi sát sao, cũng như đưa ra cảnh báo với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Và các ngành chức năng hiện đã có những giải pháp tăng cường kiểm soát việc NK tất cả các lô hàng thịt, trong đó có thịt bò từ Brazil. Đặc biệt, Cục Thú y và Cục Kiểm định động vật (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản đề nghị chi cục thú y các cửa khẩu kết hợp với hải quan kiểm soát chặt mặt hàng thực phẩm NK…
 Khách hàng chọn mua thịt bò tại siêu thị. Ảnh: Internet
Ông Đông cũng thông tin, hiện có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ: Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Nhật Bản, Chi Lê, Thụy Sỹ, Mexico đưa ra biện pháp hạn chế NK mặt hàng này. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, ngoài kiểm soát chặt từ khâu NK, bước tiếp theo là theo dõi động thái vì kim ngạch NK của Việt Nam không lớn so với kim ngạch xuất khẩu (XK) của Brazil. “Việt Nam đứng hơn 30, không phải nước NK thịt lớn, nếu áp dụng ngay sẽ liên quan đến nhiều vấn đề nên phải cân nhắc thận trọng khi đưa ra quyết định hạn chế NK” - ông Đông cho biết. Đồng thời nhấn mạnh, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phải theo dõi, kiểm soát chặt rồi mới tính biện pháp tiếp theo.

Đối với lực lượng quản lý thị trường (QLTT), ông Đông cho rằng, hàng đã lưu thông vào trong nước sẽ vẫn tiếp tục kiểm tra bình thường. Tuy nhiên, trước mắt phải kiểm soát chặt ở điểm NK: “Thực ra lượng thịt NK từ Brazil được xác định chủ yếu vào các nhà hàng với chu kỳ quay vòng nhanh. Song, lực lượng QLTT vẫn phải công bố, báo cáo để tăng cường giám sát, theo dõi chặt theo chu trình quản lý hàng hóa trong nước”.

Xem xét đến khả năng xấu nhất

Liên quan đến sự việc, ngày 22/3, thông tin từ Cục Thú y, đơn vị này đang đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng NK thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất ATTP.

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã NK khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Như vậy, lượng thịt NK từ Brazil của Việt Nam là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil XK hàng năm tới các nước trên thế giới. Tất cả các lô hàng thịt NK từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm ATTP mới được phép NK.

Đại diện Cục Thú y cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất ATTP, Cục đã tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm NK từ Brazil. Cụ thể, ngày 20/3, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 485/TY-KD chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm NK từ Brazil vào Việt Nam. Trong đó, giao các cơ quan thú y, chi cục kiểm dịch động vật vùng tăng cường kiểm soát thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm NK từ Brazil. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS SA và BRF SA thì tạm dừng kiểm dịch NK.

Trước thông tin một số nước đã hạn chế hoặc tạm dừng NK thịt từ một số nhà máy giết mổ, chế biến thịt từ Brazil, Cục Thú y đang đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng NK thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất ATTP.

Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil được báo chí đưa tin từ sau khi cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt ôi thiu, không đạt chất lượng để tuồn ra thị trường tiêu thụ.

Brazil là quốc gia được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đánh giá và công nhận kiểm soát tốt về dịch bệnh động vật. Do vậy, Brazil đã XK thịt gia súc, gia cầm tới 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2016, Brazil là nước dẫn đầu thế giới về XK thịt bò với sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn, đồng thời cũng là nước dẫn đầu thế giới về XK thịt gà với sản lượng trên 4 triệu tấn. Thị trường XK thịt từ Brazil chủ yếu là các nước châu Âu, Nga, Nhật Bản, Hongkong (Trung Quốc), Trung Quốc, Singapore…

Theo số liệu của Brazil, Việt Nam NK thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch XK của Brazil sang Việt Nam.

Về kiểm soát ATTP NK, đối với thịt và sản phẩm thịt từ Brazil để XK vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Theo đó, các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép XK vào Việt Nam.