Trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu: Kinh tế vĩ mô đối mặt nhiều thách thức

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam quý II/2018 tăng trưởng ổn định nhờ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, tuy nhiên nhiều rủi ro đang đặt ra cho nền kinh tế khi viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu đang dần hiện hữu.

Đây là nhận định của nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại buổi Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2018 diễn ra chiều 11/7
Căng thẳng thương mại

Chủ biên báo cáo, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc VEPR nói: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm xáo trộn thương mại các nước. Tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm, chưa biết chắc căng thẳng thương mại sẽ đi đến đâu nhưng chỉ cần một chính sách nước lớn thay đổi thì phương án kinh doanh của các Tập đoàn sẽ thay đổi.
 Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam trong 8 năm qua.
Ở khía cạnh khác, khi Trung Quốc không thể xuất khẩu được sang Mỹ, một mặt họ sẽ đa dạng hóa thị trường, mặt khác họ sẽ đẩy hàng hóa dư thừa đó sang Việt Nam. Hoặc là Mỹ không nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nữa mà có thể nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, khi các loại hàng hóa tương đồng.... sẽ làm rủi ro cạnh tranh thị trường. Đây là điều mà Bộ Công thương phải chuẩn bị trong thời gian tới.

Trong nước, thương mại tăng trưởng chậm lại trong quý 2/2018. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính tới hết quý II tăng về giá trị nhưng giảm về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh mặt bằng giá cả đang phục hồi trong năm 2018.

Cán cân ngân sách thâm hụt trở lại trong Quý II, cho thấy thặng dư Quý I chỉ mang tính tạm thời. Chi thường xuyên tiếp tục ở mức cao trên 70% tổng chi ngân sách, trong khi chi đầu tư phát triển chưa được cải thiện nhiều. “Tài khóa, thâm hụt ngân sách luôn tồn tại ở Việt Nam, trong khi ở các nước nếu tăng trưởng cao họ có quỹ dự phòng, thặng dư ngân sách để có thể ứng phó khi GDP giảm, nhưng ở ta luôn thâm hụt, và ở trạng thái méo chỗ nọ căng chỗ kia”- chuyên gia Phạm Chi Lan đánh giá thêm.

Rủi ro tỷ giá và "bong bóng" BĐS

"Nửa cuối năm rất rủi ro cho DN trong tỷ giá, lãi suất", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét. Tỷ giá biến động mạnh, hiện tại là 23.080 đồng/ USD. Trong 1 tháng qua, tỷ giá biến động 1,2%, trong khi 5 tháng đầu năm biến động chưa đến 1%. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến đồng NDT bị xuống giá so với đồng USD. VNĐ ổn định so với đồng USD có nghĩa đang lên giá với NDT, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào vô hình chung sẽ rẻ hơn. Vị chuyên gia này nhận định, từ nay đến cuối năm nếu chiến tranh thương mại tiếp tục và những biện pháp đáp trả từ Trung Quốc mạnh hơn thì đồng NDT tiếp tục xuống giá. Nếu neo chặt đồng USD, tiền VND mạnh lên trong khi các đồng tiền khác yếu đi nền kinh tế trong nước sẽ chịu nhiều rủi ro.

Với thị trường BĐS các chuyên gia lo ngại, nhiều dự án tăng giá lên tới 100%, và xu hướng còn tăng tiếp. Nếu tăng tới mức cung vượt cầu thì bong bóng sẽ vỡ, do đó chính sách tiền tệ cần phải hết sức thận trọng. Tỷ lệ tín dụng BĐS theo một số báo cáo là 7%, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là con số không chính xác, không thực tế, có thể lên tới 20% do các ngân hàng phân loại ẩn vào tín dụng tiêu dùng.

Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, tín dụng tiêu dùng trá hình rất nhiều, đây là lúc các ngân hàng phải thật trung thực. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực BĐS đã vươn lên đứng thứ hai sau nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo về thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đạt 5,54 tỷ USD. Ông Thành cho rằng, trong thời gian tới khi có khả năng NHNN sẽ tăng lãi suất đồng VND để ổn định tỷ giá, thị trường BĐS nhiều khả năng đối diện với nguy cơ suy giảm. Đây là rủi ro mà các DN và nhà đầu tư cần lưu ý vì nó sẽ làm thay đổi toàn bộ trạng thái thị trường hiện nay. Cụ thể hơn, khi các thị trường tài sản lớn đặc biệt với thị trường BĐS giảm sẽ ảnh hưởng dây chuyền, lan rộng ra nền kinh tế. Khi giá tài sản giảm, đa số nằm trong bảng cân đối kế toán ngân hàng sẽ làm tài sản ngân hàng giảm xuống, buộc phải giảm lượng cho vay, nguồn cung tiền thắt chặt lại tạo ra vùng xoáy rất nghiêm trọng.

"Dòng vốn ngoại có thể đảo chiều sau những diễn biến mới tại Mỹ liên quan đến cuộc chiến thương mại và khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất nhanh hơn. Trong thời gian tới, tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh. Dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 63,5 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng ngoại hối này cũng chỉ tương đương khoảng 13 tuần nhập khẩu, bằng với mức khuyến nghị của IMF về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu một quốc gia cần nắm giữ. Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập." - TS Nguyễn Trí Hiếu


"Việt Nam cần khai thác nhiều hơn tiềm năng nội tại, nuôi dưỡng nhiều hơn sự tăng trưởng của khu vực tư nhân trong nước để duy trì sự mạnh mẽ của nền kinh tế." - Chuyên gia Phạm Chi Lan


"Việt Nam nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, giảm giá đồng VND so với USD nhưng không giảm mạnh bằng NDT" - Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành