Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư nói về những tranh cãi quanh khái niệm “sáng kiến” khi bình xét khen thưởng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều nay (19/3), Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) Phạm Huy Giang đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về sửa đổi quy định liên quan đến "sáng kiến" khi bình xét khen thưởng.

Ông Phạm Huy Giang khẳng định, Luật Thi đua Khen thưởng được Quốc hội thông qua đưa vào cuộc sống từ năm 2003, đến nay đã 18 năm. Trên thế giới có lẽ chỉ Việt Nam có Luật này, có tác dung lớn khích lệ động viên các tầng lớp Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đã có 2 lần sửa đổi Luật này (năm 2005, 2013) nhưng với sự phát triển như hiện nay vẫn còn nhiều nội dung quy định pháp luật chưa theo kịp cuộc sống, trong đó có những nội dung liên quan công tác thi đua khen thưởng, dù đã được điều chỉnh trong Luật nhưng vẫn cần được sửa đổi bổ sung. Do đó, hiện nay Ban đang tập trung vào sửa đổi Luật, nhằm các mục đích: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH; đưa công tác khen thưởng đúng, trúng và kịp thời, tăng tác dụng khích lệ động viên; cải cách thủ tục hồ sơ hành chính…
 Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang trao đổi tại buổi họp báo
Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương cho hay, trong quá trình triển khai phát động các phong trào thi đua, đối tượng đông đảo nhất là những người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu như nông dân, công nhân, chiến sỹ, công chức làm việc trong cơ quan hành chính, doanh nghiệp… - lực lượng lao động quan trọng. Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng được khen thưởng trong các đối tượng này tương đối ít, và càng lên hình thức khen thưởng cao thì càng ít. Vì vậy, để nâng số lượng đó lên, ngoài hình thức khen thưởng thường xuyên theo quá trình công tác, sẽ tập trung hơn cho việc khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo chuyên đề, thông qua phát hiện để khen thưởng. Người đứng đầu các cơ quan hành chính trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn có thể phát hiện những cá nhân tốt thì khen thưởng động viên kịp thời.
Đặc biệt, liên quan khái niệm “sáng kiến” trong xét khen thưởng, ông Phạm Huy Giang nhấn mạnh là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Thế nào gọi là sáng kiến, Luật quy định khen thưởng mới chủ yếu theo phạm vi mức độ ảnh hưởng của sáng kiến thì còn mang tính trừu tượng… “Trong sửa đổi Luật lần này, sáng kiến tất nhiên vẫn được xem xét, nhưng chúng tôi có thêm đề nghị sẽ căn cứ vào các danh hiệu thi đua để đề nghị khen thưởng các cấp và khen thưởng nhà nước. Thực tế thời gian qua, ngay việc tranh cãi đây có phải là sáng kiến hay không đã gây mất rất nhiều thời gian. Mục tiêu sửa đổi Luật cũng là để khi bình xét thi đua, bình xét khen thưởng sẽ thực sự thông suốt, thực sự mang lại tác dụng tích cực, tránh còn băn khoăn rằng khen thưởng có đúng hay không. Luật Thi đua Khen thưởng được thông qua sẽ giúp việc thực hiện quy định về thi đua khen thưởng trở nên rõ ràng, minh bạch, cụ thể hơn”. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần