Trường chất lượng cao được tự chủ tài chính: Bước đột phá của giáo dục Thủ đô

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường chất lượng cao (CLC) được tự chủ tài chính là chủ trương rất mới của TP Hà Nội.

 Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Viết Cẩn thông tin: Sau 5 năm thực hiện, mô hình này đã có bước đột phá về chất lượng giáo dục và góp phần giảm ngân sách của Nhà nước đầu tư chi cho các dịch vụ giáo dục CLC.

Chất lượng đầu ra được nâng cao

Ông có thể nói rõ mô hình trường CLC tự chủ tài chính đã mang lại kết quả giáo dục như thế nào?

- Năm 2013, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập CLC trên địa bàn Thủ đô. Đến nay, toàn TP có 17 trường CLC, gồm 12 trường công lập và 5 trường ngoài công lập. Trong số 12 trường CLC công lập có 7 trường thực hiện tự chủ tài chính, 5 trường trong giai đoạn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Theo nghị quyết Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội, phấn đấu đến hết năm 2020, Hà Nội có 20 trường công lập CLC. Như vậy, trong 2 năm nữa, Hà Nội phấn đấu có thêm 8 trường, hiện trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) đang trong thời gian làm quy trình để được công nhận đạt chuẩn CLC.
 Giờ Tin học của học sinh trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Trong quá trình trường CLC thực hiện tự chủ, các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT, việc thực hiện tự chủ chi thường xuyên từ nguồn thu là mức trần học phí được HĐND TP quy định. Qua đó đã tạo thuận lợi và giúp các trường CLC chủ động thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng giáo dục và tạo sự uy tín cho nhà trường đối với cha mẹ học sinh. Không chỉ thế, chất lượng đầu ra của học sinh đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cha mẹ học sinh. Thể hiện rõ nhất qua những kỳ thi tuyển sinh vào các cấp cao hơn, đặc biệt là năng lực ngoại ngữ của học sinh trong hội nhập quốc tế khi học cấp học cao hơn và trường đại học rất thuận lợi.

Khó khăn đối với các trường CLC tự chủ tài chính là gì, thưa ông?

- Trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, trường mầm non CLC đã gặp khó khăn nguồn thu không đảm bảo chi do số lượng học sinh và quy mô không đông như các trường phổ thông. Hơn nữa, trường mầm non chủ yếu thực hiện các dịch vụ CLC là chăm sóc trẻ nên không thể hiện được rõ nét chất lượng giáo dục bằng các trường tiểu học, THCS, THPT.

Còn khó khăn chung đối với các trường CLC tự chủ tài chính đó là Nghị quyết 14 quy định khi trường CLC được tự chủ chi thường xuyên sẽ được tự chủ về nhân sự nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn đối với nhà trường. Tự chủ nhân sự là Nhà nước giao cho trường bộ khung về công tác quản lý. Có như thế, tự chủ chi thường xuyên gắn với tự chủ nhân sự mới thực sự hiệu quả.

Ngành giáo dục Thủ đô có giải pháp gì để giải bài toán khó khăn này, thưa ông?

- Để giải bài toán khó khăn trong trường mầm non, công việc đầu tiên là giải quyết vấn đề nhân sự, theo đó phải tổ chức lại bộ máy cho gọn hơn. Thứ nữa, giảm những phần chi khác không trực tiếp phục vụ cho dịch vụ CLC và nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục cho trẻ để thu hút tuyển sinh cho nhà trường.

Về vấn đề tự chủ nhân sự, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với TP về cơ chế tự chủ nhân sự. Đồng thời, sẽ tổ chức những hội thảo để thảo luận về tự chủ ở mức độ nào, được hợp đồng đối với giáo viên ra sao. Ở trường CLC, Hiệu trưởng có quyền tuyển nhân sự nhưng vì đây là trường công có sự quản lý của Nhà nước nên cần phải có bộ khung từ Ban Giám hiệu đến tổ các bộ môn. Hiệu trưởng nhà trường được quyền ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên để đáp ứng được các yêu cầu dịch vụ của trường. Và theo Nghị quyết 14, trường công lập CLC tự chủ có thể trả lương giáo viên cao hơn gấp 2 lần so với trường khác.

Học phí cao nhưng trong mức trần quy định

Có ý kiến cho rằng, trường CLC là của con nhà giàu vì mức học phí cao. Ông có phản biện gì về việc này?

- Mức học phí cao quá hay không phụ thuộc vào cam kết thực hiện dịch vụ CLC với cha mẹ học sinh. Nếu nhà trường thực hiện nhiều chương trình, dịch vụ CLC thì phải có nguồn kinh phí để thực hiện, do đó nguồn thu cao hơn. Tuy nhiên, thu học phí cao cũng phải trong mức trần đã quy định tại Nghị quyết 14 của HĐND TP Hà Nội. Chúng tôi ghi nhận và trân trọng ý kiến của các phụ huynh. Nhưng điều quan trọng là cam kết thực hiện dịch vụ CLC ấy với đồng tiền thu được có hiệu quả hay không.

Tôi cho rằng, việc đa dạng hóa các loại hình trường, mô hình học là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Hiện nay, phụ huynh có nhu cầu cho con đi du học ngay từ phổ thông thì mình có mô hình trường ở trong nước đáp ứng được các chương trình hội nhập quốc tế. Trường CLC công lập phải hướng tới việc đó để có định hướng nâng cao chất lượng giáo dục của Thủ đô và đất nước, đồng thời khuyến khích khối trường ngoài công lập thực hiện những dịch vụ CLC.

Những học sinh con nhà nghèo, gia đình chính sách học giỏi có cơ hội được học trường CLC không, thưa ông?

- Trường CLC chỉ được xây dựng trên địa bàn khi đã đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả các đối tượng phổ cập giáo dục. Học sinh nào muốn tiếp cận dịch vụ cao hơn thì đăng ký vào trường CLC theo tinh thần tự nguyện. Tất cả mọi đối tượng đều được vào trường CLC nếu như đảm bảo các điều kiện của nhà trường.

Tới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có những đề xuất để các trường CLC được tự chủ cả về nhân sự?

- Tất nhiên rồi. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với TP Hà Nội giao quyền chủ động về nhân sự cho các trường CLC đã được tự chủ về tài chính. Hiện, Sở GD&ĐT đang trình TP có điều chỉnh Quyết định số 20, 21 về các tiêu chí công nhận trường CLC. Vì những tiêu chí đang áp dụng hiện nay đã được ban hành 5 năm trước không còn phù hợp. Khi bộ tiêu chí mới có hiệu lực, nếu trường CLC rồi mà không đạt sẽ không được công nhận.

Khi mô hình trường CLC được tự chủ thực hiện thành công, TP sẽ mở rộng cơ chế tự chủ sang trường đại trà?

- Nghị quyết 14 của HĐND TP Hà Nội mới cho phép các trường CLC được tự chủ. Nếu cơ chế loại hình trường CLC được tự chủ thực hiện thành công thì có thể lan tỏa đến các trường khác nhưng phải có quy định khung của Chính phủ. Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị với Chính phủ nên có khung học phí đối với những trường công lập tự chủ được chi thường xuyên, với mức thu học phí cao để đủ trang trải cho những hoạt động của nhà trường. Với mô hình này, Nhà nước đầu tư ban đầu, còn lại chi thường xuyên, chi lương cho giáo viên, giảng dạy giáo dục sẽ do người học đóng góp.

Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết 14/2016/NQ-HĐND sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết 15/2013/NQ-HĐND về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập CLC trên địa bàn Thủ đô, quy định: Cơ sở giáo dục công lập CLC tự chủ tài chính được cấp kinh phí trong 3 năm đầu (36 tháng). Kết thúc 3 năm, cơ sở giáo dục công lập CLC được tự chủ bảo đảm chi thường xuyên.

Nghị quyết 14 cũng quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập CLC trên địa bàn Thủ đô từ năm học 2016 – 2017 đến năm học 2019 – 2020. Theo đó, năm học 2018 – 2019, học phí trường mầm non và tiểu học 4,7 triệu đồng/học sinh/tháng, trường THCS 4,9 triệu đồng, THPT 4,9 triệu đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần