Trường chuẩn quốc gia: Không phải là danh hiệu vĩnh viễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khó khăn trong việc đảm bảo chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia là vấn đề của không ít trường học tại Hà Nội mà lãnh đạo các quận, huyện đặc biệt quan tâm trong những ngày đầu năm 2011.

KTĐT - Khó khăn trong việc đảm bảo chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia là vấn đề của không ít trường học tại Hà Nội mà lãnh đạo các quận, huyện đặc biệt quan tâm trong những ngày đầu năm 2011.

 

Cùng với đó, một vấn đề lớn khác cũng đang phát sinh là các trường đã đạt chuẩn rồi, nhưng việc duy trì sau chuẩn cũng không đơn giản. Thậm chí, nhiều trường ở khu vực ngoại thành được công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng đến nay vẫn không có thư viện, không có phòng học chức năng, tường rào…

 

Hà Nội có 2.511 cơ sở giáo dục và 284 trung tâm học tập cộng đồng với hơn 1,5 triệu học sinh được trải trên địa bàn rất rộng, từ thành phố cho đến tận vùng sơn cước. Đó là thách thức cho ngành giáo dục Thủ đô, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Tính đến hết năm 2010, thành phố mới có 580 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 25,7%). Điều đáng nói là các trường mầm non và THPT chỉ đạt chuẩn thấp nhất. Hà Nội còn 4 huyện, thị xã chưa có trường mầm non nào đạt chuẩn quốc gia (thị xã Sơn Tây, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức). Còn với cấp tiểu học thì tỉ lệ đạt chuẩn thấp nhất chính là các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình…

 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng nhận thấy rằng, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia vớinhiều trường ở HàNội là không dễ. Những trường trong khu vực nội thành còn thiếu diện tích, dẫn đến thiếu phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện... Với các trường ngoại thành, nếu diện tích đất khá thoải mái, thì lại thiếu trang thiết bị theo yêu cầu. Hà Nội cũng chỉ công nhận được 70 trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng trong số đó, tổng số trường chưa hoàn thành đồng bộ các tiêu chí lên tới 37 trường.

 

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch huyện Mỹ Đức thẳng thắn thừa nhận, toàn huyện có 52 trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia, nhưng đều thiếu các phòng học bộ môn, thư viện. Thậm chí, trước đây Sở GD&ĐT Hà Tây (cũ) đã công nhận một số trường đạt chuẩn quốc gia nhưng cho "nợ" một số chỉ tiêu. Đến nay khi huyện rà soát lại, mới thấy trường thì không có nhà vệ sinh, trường có phòng thư viện nhưng không có sách… do vậy nhiều trường chuẩn quốc gia hiện nay bị "tụt" chuẩn. Huyện hết sức cố gắng để có được vài trường chuẩn nhưng cũng cần phải đầu tư 14 đến 15 tỷ đồng vì trường còn quá thiếu thốn.

 

Tại một số quận, huyện khác của Hà Nội, trong 5 tiêu chí về trường chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT thì rất ít trường chuẩn đạt đủ chuẩn. Tiêu chí về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất thiết bị bị "nợ" nhiều nhất. Các trường ở nội thành thì không đủ đất để mở rộng trường, trường ở nông thôn, nhiều đất nhưng không có kinh phí để xây dựng.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, quan điểm của Sở là trường chuẩn quốc gia thì không thể nợ chuẩn được. Đồng thời, trường chuẩn quốc gia chỉ được hạn định trong thời hạn 5 năm và sau 5 năm sẽ được kiểm tra lại chất lượng, nếu không còn đạt chuẩn nữa thì sẽ xoá chuẩn. Đây cũng không phải là chỉ tiêu thi đua, nên trường nào đủ chuẩn thì mới được công nhận. Tuy nhiên, nếu trường đó đang trong quá trình hoàn thiện một số hạng mục trong thời gian ngắn khoảng vài tuần hoặc vài tháng thì có thể "ưu tiên" cho "nợ" và vẫn công nhận chuẩn nhằm khuyến khích.

 

Trong cuộc giao ban về công tác giáo dục và đào tạo vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, Thành phố đã phân cấp quản lý, nên việc nhiều trường chuẩn quốc gia hiện nay không đạt chuẩn, "tụt" chuẩn là do địa phương quản lý. Các địa phương cần xác định không chạy theo thành tích để đạt trường chuẩn. Trường chuẩn cần phải đúng chuẩn, chuẩn cả đầu vào và đầu ra, để người dân thấy đó là nơi đủ điều kiện để đào tạo ra những học sinh chất lượng cao chứ không phải phấn đấu để được Thành phố hay Sở GD&ĐT công nhận.