PGS.TS Nguyễn Phong Điền: “Tôi chưa quan tâm đến thứ hạng của Bách khoa Hà Nội”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến giờ phút này tôi không thực sự quan tâm lắm đến thứ hạng của Bách khoa Hà Nội vì đang có những băn khoăn về độ tin cậy và sự chính xác trong nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu xếp hạng các trường đại học (ĐH) Việt Nam.

Chiều ngày 7/9, PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị như vậy, một ngày sau khi nhóm nghiên cứu độc lập công bố nhà trường đứng vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng 49 cơ sở giáo dục ĐH.
Ông có ý kiến gì khi ĐH Bách khoa Hà Nội được nhiều người mặc định trường top đầu nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng ĐH của nhóm nghiên cứu độc lập chỉ đứng thứ 7?
Là nhà khoa học có nhiều năm làm chuyên môn ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trước hết, tôi khuyến khích có một tổ chức nghiên cứu độc lập tiến hành xếp hạng các trường ĐH Việt Nam theo bộ tiêu chí nào đó. Nếu kết quả nghiên cứu này tốt, khi công bố, các trường sẽ xem chất lượng đào tạo cũng như khả năng đáp ứng được kỳ vọng của thi trường lao động là rất tốt. Ngoài ra là vấn đề cơ sở vật chất, quản trị sẽ tham gia vào việc nâng cao chất lượng đào tạo.
 PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (ảnh: Thủy Trúc).
Tuy nhiên, có hai vấn đề tôi băn khoăn, đó là tính chính xác và tính hợp pháp khi công bố kết quả. Thứ nhất, về tính chính xác, khi thực hiện nghiên cứu này trước hết phải xuất phát từ bộ tiêu chí để xác định thực sự khách quan hay chưa. Bây giờ ngay cả thế giới cũng có những bộ tiêu chí khác nhau để đánh giá một trường ĐH. Chẳng hạn như SCImago sử dụng bộ tiêu chí khác với các tổ chức khác. Họ nhấn mạnh ở điểm này, xem nhẹ ở điểm khác. Việc áp dụng bộ tiêu chí nào giống như thước đo, chuẩn mực để đánh giá một trường, tôi không biết nhóm nghiên cứu đã thực sự đối thoại, tìm hiểu các trường và giới chuyên môn rộng rãi hay chưa.
Thứ hai là nguồn dữ liệu. Nhóm nghiên cứu thừa nhận sử dụng nguồn dữ liệu đã có ở các cơ quan quản lý nhà nước và một số báo cáo. Trong trường hợp này, với quan điểm của nhà khoa học, tôi đặt ra dấu hỏi thực sự nguồn dữ liệu đã đáng tin cậy và phản ánh đầy đủ các hoạt động của nhà trường để đánh giá một trường ĐH?
Nếu theo cách tiếp cận của tôi, nhóm nghiên cứu này chắc chắn phải tiếp xúc với các trường. Nhưng đến bây giờ, Trường Bách khoa Hà Nội chưa nhận được bất cứ đề nghị nào để cung cấp hay kiểm chứng thông tin từ nhóm nghiên cứu. Bản thân trường cũng ủng hộ việc nhóm nghiên cứu đánh giá trường ĐH với mục tiêu chúng ta nhìn nhận lại để làm tốt hơn công tác đào tạo và quản lý.
Như vậy, Bách khoa Hà Nội đứng vị trí thứ 7 trên tổng số 49 trường là hoàn toàn không chính xác?
Đến giờ phút này tôi không thực sự quan tâm lắm đến thứ hạng của Bách khoa Hà Nội vì mình đang có những băn khoăn về độ tin cậy và sự chính xác trong nghiên cứu khoa học (NCKH). Nhóm nghiên cứu cũng nói rõ nguồn dữ liệu chỉ mang tính tham khảo thì nói đến vấn đề thứ hai là tính hợp pháp trong công bố. Ngay cả một công trình NCKH công bố quốc tế hay ngay cả ở Việt Nam phải qua quá trình phản biện độc lập rất khắt khe.
Tôi thấy xếp hạng ĐH là chủ đề thực sự rất nhạy cảm không chỉ đối với các trường mà đối với cả người học. Do đó, việc công bố kết quả thế này phải hết sức thận trọng.
 Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được học trong thư viện hiện đại với rất nhiều thông tin, tư liệu.
Nhóm nghiên cứu đặt trọng số tỉ lệ 40% NCKH, theo ông liệu có phù hợp với ĐH Việt Nam?
Hàm lượng ấy đang được thế giới thực hiện. Một cơ sở giáo dục ĐH phải là một trung tâm nghiên cứu và công bố quốc tế mạnh. Theo xếp hạng của SCImago, Bách khoa Hà Nội đứng trong nhóm hàng đầu về công bố quốc tế. Tôi đồng ý NCKH là tiêu chí mạnh trong đó, tuy nhiên chưa đủ.
Tôi vẫn nhấn mạnh việc xác định tiêu chí hết sức thận trọng. Đây là chủ đề nhạy cảm và theo cách tiếp cận của những người làm khoa học, nó tiệm cận với các bên tham gia và có sự bàn bạc, đánh giá. Chứ không thuần tuý nghiên cứu bản tài liệu và đưa ra đánh giá như vậy. Nếu nó thực sự hợp tình, hợp lý, được xã hội chấp nhận thì chắc là sẽ không có nhiều thảo luận và trao đổi ý kiến trên mạng như thế này.
Theo ông, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là tiêu chí quan trọng nhất nên đưa vào trong bảng xếp hạng ĐH?
Thực ra đây là tiêu chí quan trọng. Bởi vì sứ mạng của một trường ĐH là phục vụ cho xã hội. Đặc biệt, đối với cơ sở giáo dục ĐH đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thì việc hoàn thành sứ mạng để đáp ứng yêu cầu của xã hội là rất quan trọng, cần phải lưu tâm đầu tiên. Tất nhiên, không thể bỏ qua những yếu tố khác liên quan đến chất lượng đào tạo, trong đó có NCKH. Bởi vì việc NCKH có tác động rất lớn đến nâng cao chất lượng đào tạo và trình độ của giảng viên, cũng như cơ sở vật chất và quản trị ĐH.
Với kết quả nghiên cứu xếp hạng của nhóm chuyên gia này, nhà trường có tham khảo được gì?
Thực sự là đến giờ, tôi chưa quan tâm đến thứ hạng này.
Xin cảm ơn ông!