Trường đại học vẫn loay hoay tự chủ

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) bắt đầu bộc lộ những bất cập, gây trở ngại cho các trường và cơ quan quản lý Nhà nước.

Đây là nhận định của  lãnh đạo Bộ GD&ĐT tại hội nghị tổng kết thực hiện Luật GDĐH năm 2012, diễn ra ngày 25/9.
Luật quy định chưa đầy đủ, rõ ràng
Đề cập đến những vấn đề bất cập trong Luật GDĐH 2012, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn nhận định: Trong luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, mô hình ĐH, trường ĐH, học viện chưa được định nghĩa đầy đủ, phân biệt rõ ràng. Thực tế này dẫn đến sự vận dụng đa dạng, tùy tiện, thiếu nhất quán và kiểm soát, thậm chí có những nhận thức sai lệch, ví dụ phân biệt đẳng cấp qua tên gọi.

Giờ thực hành của sinh viên ngành cơ khí, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Ông Sơn cũng chỉ rõ cơ chế quản trị ĐH, vai trò của Bộ chủ quản và Hội đồng trường cũng như quyền và trách nhiệm của các cơ sở GDĐH chưa được làm rõ. Tự chủ ĐH phải là một nội dung quan trọng và được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các luật. Thế nhưng, ngay cả Luật GDĐH năm 2012 cũng còn thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng, thể hiện ở việc phân định vai trò và trách nhiệm của Bộ chủ quản, Hội đồng trường và các thiết chế Nhà nước khác. Đặc biệt, quyền lực gắn với trách nhiệm của Hội đồng trường chưa được thể hiện rõ. Thực tế, Hiệu trưởng vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của nhà trường. Ngoài ra, vẫn còn khá nhiều quy định trong Luật GDĐH chưa hợp lý hoặc quá cụ thể, gây ra những rào cản trong quá trình thực hiện tự chủ của các trường.
Không chỉ thế, cơ chế tài chính cho GDĐH chưa được quy định rõ, gây ra nhiều khó khăn cho các trường, đặc biệt khi được giao cơ chế tự chủ. Luật cũng không đưa ra những nguyên tắc căn bản trong cấp phát, phân bổ ngân sách Nhà nước nên ngân sách dành cho GDĐH vốn đã rất hạn hẹp nhưng lại được phân bổ dàn trải, không hợp lý. Hơn nữa, kinh phí lại phân bổ qua nhiều cơ quan chủ quản khác nhau dẫn tới sự thiếu bình đẳng giữa các trường.
Phân bổ ngân sách theo đặt hàng “đầu ra”
Từ những bất cập trong thực hiện Luật GDĐH, nhiều chuyên gia đề nghị mở rộng phạm vi tự chủ ĐH. Bởi đây là chính sách quan trọng, ảnh hưởng phần lớn đến các điều trong Luật GDĐH. Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội Vũ Thị Lan Anh kiến nghị quy định cụ thể hơn về quyền tự chủ của cơ sở GDĐH phải gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc công khai, minh bạch, có sự giám sát của Nhà nước và xã hội. Kiểm định chất lượng đào tạo – một trong những điều kiện tiên quyết để trao quyền tự chủ hoàn toàn của cơ sở GDĐH. Cơ chế đầu tư cho GDĐH từ nguồn ngân sách Nhà nước cũng phải đổi mới, bằng đặt hàng theo sản phẩm “đầu ra”, thay vì cấp phát đồng đều.
Ông Hoàng Minh Sơn đề nghị Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất và đại diện quyền lợi của các bên liên quan của cơ sở GDĐH. Luật chỉ nên quy định thành phần đương nhiên của Hội đồng trường bao gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, và Bí thư Đoàn Thanh niên; các thành phần khác được bầu. Theo ông Sơn, quy định nguyên tắc căn bản trong tài chính GDĐH là theo lợi ích và hiệu quả. Nhà nước hỗ trợ ngân sách đào tạo và nghiên cứu cho các lĩnh vực nằm trong lợi ích quốc gia. Đồng thời, thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ người học, không phân biệt công tư. “Cơ chế Nhà nước đặt hàng theo “gói cam kết đầu ra” đối với cơ sở GDĐH có tiềm lực mạnh về khoa học và công nghệ sẽ tạo đột phá thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao” – ông Sơn khẳng định.
Từ thực tế thí điểm cơ chế tự chủ toàn diện từ năm 2014 tại trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Hoài đề xuất bổ sung chính sách tự chủ tài chính cho cơ sở GDĐH tương tự như quyền tài chính của DN. Đặc biệt, việc phân bổ ngân sách Nhà nước gắn với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Khi thiết kế Luật GDĐH trước đây, Ban soạn thảo có quan điểm tự chủ là thuộc tính của trường ĐH. Lúc ấy nhiều người nghi ngại giao tự chủ đồng loạt sẽ gây sự cố, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Tuy nhiên, tự chủ diễn ra tốt đẹp và đã đi vào cuộc sống. Bằng chứng là 23 cơ sở GDĐH được thực hiện thí điểm tự chủ, trong đó có trường nhiều tuổi, mới thành lập. Hiện vẫn còn nhiều trường chưa có Hội đồng trường. Vì thế, trong sửa đổi Luật GDĐH tới đây, Hội đồng trường phải là tổ chức quyền lực để đảm bảo cơ chế tự chủ cho các trường”.                                                           
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga