Trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội là một đơn vị trực thuộc Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TP Hà Nội, được thành lập theo Quyết định số 4345 của UBND TP Hà Nội ngày 18/9/1990. Xuất phát từ mong muốn có một ngôi trường để các em khuyết tật được đến trường, được học tập, rèn luyện và dần hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Đại tá, bác sĩ Quân y Nguyễn Quý Hưng - nguyên Vụ trưởng Vụ phục hồi chức năng, Bộ LĐ&TBXH đã phối hợp với Hội CTĐ TP Hà Nội xây dựng đề án thành lập trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội. Dự án đã được tổ chức ICCO Hà Lan và Ủy ban II Hà Lan tài trợ kinh phí ban đầu.
Quyền Hiệu trưởng trường PTCS Dân lập dạy trẻ câm điếc Hà Nội Mạc Chung Thủy cho biết, là một trường chuyên biệt dạy trẻ khiếm thính bán trú, trường thực hiện chương trình can thiệp sớm đầu tiên ở Hà Nội. Phục hồi chức năng nghe nói cho trẻ điếc thông qua các biện pháp can thiệp sớm tại cộng đồng và tại trường, hướng nghiệp và dạy nghề đơn giản cho học sinh nghèo đặc biệt khó khăn không có khả năng tiếp tục học lên cao. Hỗ trợ trẻ em điếc có khả năng tự lập trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em bị bệnh lý như tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, hội chứng down.
Từ những khóa đầu chỉ có hơn chục em học sinh, đến nay, sau 30 năm xây dựng và phát triển, hơn 200 em học sinh đã tốt nghiệp ra trường, có em đã trở thành giảng viên dạy đại học, nhiều em trở thành những doanh nhân thành đạt, có em trở thành thày cô giáo quay lại dạy các học sinh khóa sau tại trường, nhiều em thu nhập cao, tự lập cuộc sống.
Những năm qua, để giảm tải việc học cho học sinh và giúp học sinh có giờ học hiệu quả nhất, nhà trường đã bố trí học các môn học phù hợp với đặc điểm trẻ điếc. Giờ ra chơi có sân chơi với nội dung, hình thức đa dạng, giúp cho học sinh tăng khả năng tiếp thu bài học, tư duy ngôn từ phong phú hơn. Đặc biệt nhà trường tổ chức phòng thư viện với hàng ngàn đầu sách quyên góp được, hướng dẫn phương pháp đọc hiệu quả giúp các em có vốn từ phong phú và sử dụng ngôn ngữ trong cảm thụ văn học tốt hơn.
Về hướng nghiệp, dạy nghề, Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ trang thiết bị cho phòng học tin học và phòng học nghề may cho học sinh. Vào năm học lớp 3, học sinh của trường sẽ được tiếp xúc học định hướng nghề 3 tiết/tuần. Học sinh được học may cơ bản, thùa khuy, đính cúc sau dần sẽ được học cắt may quần áo trẻ em. Sản phẩm của các em được giáo viên dạy nghề nghiệm thu và gửi theo Đoàn thiện nguyện của câu lạc bộ Nhà báo nữ mang đến vùng sâu, vùng xa giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Nhiều học sinh của trường, sau khi tốt nghiệp đã có trình độ công nhân may bậc 2/7 có khả năng vào làm việc tại các cơ sở may mặc. Nhiều học sinh được học tin học văn phòng, được bố trí học tin học đồ họa, thiết kế bưu thiếp, danh thiếp, vật lưu niệm bán ngoài thị trường. Ngoài ra nhiều học sinh được dạy làm hoa giấy, dạy vẽ…Tranh của học sinh được gửi tham gia triển lãm tranh trong nước và quốc tế, đấu giá bán được hàng chục triệu đồng...
Với mong muốn mang đến cho các em học sinh khuyết tật một ngôi nhà thứ 2, một môi trường nuôi dưỡng những ước mơ khát vọng tri thức, các thầy cô giáo nơi đây nguyện tiếp tục là những cầu nối đưa các em đến với chân trời tri thức của nhân loại. Xây dựng nhà trường ngày càng phát triển góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục trẻ khuyết tật.
Trải qua những khó khăn cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng đội ngũ giáo viên nhà trường, 30 năm qua, nhà trường đã được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Trung ương Hội CTĐ Việt Nam (liên tục từ năm 2004 đến nay); Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ năm 2004 và 2015; Huân chương lao động Hạng Ba năm 1998 và Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2004.
Tại Lễ kỷ niệm, nhà trường vinh dự được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba.