Trường THPT tự chủ: Làm sao bảo đảm công bằng cho người học?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trường THPT chất lượng cao được tự chủ đang trở thành xu hướng và thêm cơ hội lựa chọn cho người học. Nhưng, dư luận xã hội băn khoăn là làm sao để hiệu trưởng không lạm quyền, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học khi mức học phí rất cao?

Nhà trường chủ động nâng cao chất lượng đào tạo
UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020 – 2023 cho trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa). Như vậy, sau 12 năm thực hiện tự chủ tài chính, giờ đây, trường THPT Phan Huy Chú được phép thành lập hội đồng trường, chủ động lên kế hoạch tuyển dụng lao động làm việc tại trường. Khi biết thông tin này, các chuyên gia giáo dục và nhiều phụ huynh đồng tình bởi đây là xu hướng được các nước thực hiện nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT.
Trao đổi về câu chuyện tự chủ ở trường phổ thông, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ rất ủng hộ, nên theo hướng 2/3 cơ sở giáo dục là của tư nhân, 1/3 còn lại do Nhà nước đầu tư. Tự chủ bằng con đường xã hội hóa là tốt nhất, TP Hà Nội nên khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường công lập để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.
 Giờ học của cô và trò trường THPT Phan Huy Chú. Ảnh: Công Hùng
Nhiều năm làm công tác quản lý, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Kim Hoãn nêu rõ quan điểm: Đối với những trường THPT công lập có tín nhiệm cao, TP Hà Nội nên cho phép tự chủ. Khi được tự chủ mặc dù có thể được thu mức học phí cao hơn trường công lập nhưng như thế mới có cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục và giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước.
“Hiện nay, rất nhiều học sinh sau khi học ở trường lại tất tả đến các chỗ học thêm bên ngoài. Nếu trường tự chủ cân đối được thời gian, tổ chức cho học sinh được học những môn tự chọn phù hợp với khối thi là rất tốt. Như thế đỡ tốn kém hơn cho gia đình và học sinh không phải mất công đi học thêm chỗ này chỗ khác. Tôi cũng ủng hộ Sở GD&ĐT Hà Nội có chủ trương chuyển 3 trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa), THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) trở thành trường chất lượng cao, thực hiện tự chủ; rồi sau đó mở rộng ra”- ông Nguyễn Kim Hoãn nói.

Học sinh giỏi, hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội

Theo quyết định của HĐND TP Hà Nội, từ năm học 2020 – 2021, mức trần học phí của trường THPT công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô không quá 5,7 triệu đồng/tháng. Biết rằng mức học phí được tính theo nguyên tắc bảo đảm thu đủ chi nhưng không ít người băn khoăn về những trường hợp học sinh nghèo khó có cơ hội được vào học trường chất lượng cao. Về vấn đề này, nhiều ý kiến đề nghị, trường công lập tự chủ vẫn phải thực hiện các chính sách trong giáo dục như trường công được Nhà nước đầu tư.
Theo nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Kim Hoãn: Nên khuyến khích trường công lập tự chủ có chính sách giảm 1/3, 1/2 hoặc miễn học phí, thậm chí tặng học bổng cho những học sinh giỏi thi vào trường có điểm cao nhưng hoàn cảnh khó khăn. Như thế, sẽ thực hiện được công bằng xã hội và học sinh nghèo có cơ hội được vào học ở ngôi trường tốt.

Phản hồi về mức học phí của trường chất lượng cao được tự chủ, ông Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú thông tin: Mức học phí của trường THPT Phan Huy Chú từ 45 – 48 triệu đồng/năm (tùy theo từng khối lớp). Hiện nay, chính sách miễn giảm học phí được thực hiện theo quy định trường công được Nhà nước cấp ngân sách. Như thế, nếu miễn 100% học phí, tương ứng với 217.000 đồng/tháng thì số tiền không nhiều. Vì thế, hàng năm, trường THPT Phan Huy Chú đều thực hiện cấp học bổng cho học sinh xuất sắc, mức cao nhất lên tới 40 triệu đồng, gần đủ để đóng học phí. Điều này không chỉ động viên được học sinh học tốt mà những em có hoàn cảnh khó khăn không bị mất cơ hội vào trường Phan Huy Chú.

Một vấn đề mà không ít người băn khoăn khi trường công lập chất lượng cao được tự chủ, đó là hiệu trưởng có nhiều quyền có thể dẫn đến “lạm quyền”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia giáo dục khi thực hiện tự chủ, nhà trường phải có hội đồng trường gồm nhiều thành viên ở bên trong và ngoài. Hiệu trưởng chỉ là một thành viên của hội đồng trường, được thuê làm. Nếu hiệu trưởng làm tốt vai trò thì hội đồng trường để, trường hợp làm không tốt thì bị phế truất. Để giữ được chức vụ này, hiệu trưởng phải thực hiện theo đúng quy định mà hội đồng trường đã đề ra và phải công khai, minh bạch trong mọi việc.

Trường phổ thông tự chủ là xu thế trong tương lai. Tuy nhiên mô hình này cần được thực hiện ở nơi có điều kiện và có đánh giá trước khi nhân rộng. Khi tự chủ, học sinh phải đóng mức học phí cao đồng nghĩa với chất lượng giáo dục phải tương xứng với mức đóng góp. Điều quan trọng, trường tự chủ là tạo thêm lựa chọn cho người học nhưng vẫn phải có những chính sách để mọi học sinh có cơ hội tạo sự công bằng trong giáo dục nhưng không cào bằng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần