Wednesday, 08:26 08/07/2015
Truy nguyên nhân, tìm giải pháp cho các vấn đề bức xúc
Kinhtedothi - Ngày 7/7, kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội, Khóa XIV bước vào nội dung chất vấn, tái chất vấn và trả lời chất vấn, các thành viên UBND TP đã “đăng đàn” trả lời các câu hỏi xoay quanh vấn đề nước sạch nông thôn, thiếu khu vui chơi, thiết chế văn hóa, đầu tư cho nông nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục…
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Thanh Hải
|
Tại kỳ họp này, phần tái chất vấn tình hình thực hiện các kết luận tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11 HĐND TP cũng chiếm một thời lượng không nhỏ, trong đó vấn đề quản lý nhà chung cư, xử lý ô nhiễm môi trường… vẫn khiến các ĐB băn khoăn.
Khu vui chơi, thiếu và yếu
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc:
Các đại biểu thể hiện trách nhiệm cao
Phiên chất vấn có hai phần rất rõ là tái chất vấn và chất vấn. Trong đó, TP đã có báo cáo rất chi tiết về việc triển khai kết luận chất vấn tại kỳ họp trước, các ĐB cũng tái chất vấn nhiều vấn đề. Qua đó nổi lên một điều các ĐB đều quan tâm là nguyên nhân tại sao các công việc còn chưa hoàn thành và quan trọng hơn là phương hướng sắp tới. Tôi cho rằng, với việc tái chất vấn như thế sẽ là một điểm nhấn và giải pháp quan trọng cho UBND có căn cứ để sau này nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp hơn. Tôi cho rằng với cách hỏi của các ĐB đã thể hiện trách nhiệm rất cao, theo vấn đề đến cùng và hỏi đến cùng, đó là một điều rất tốt và tôi nghĩ cử tri cũng sẽ đánh giá cao.
Tôi mong muốn cử tri tiếp tục ủng hộ, cộng đồng trách nhiệm cùng TP, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, để cùng TP khắc phục những khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt. |
Trẻ em tại các khu dân cư không có khu vui chơi, đô thị mới chỉ quan tâm đến xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa tư nhân thu giá dịch vụ cao… là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra. Đưa ra những con số thống kê rất cụ thể, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết: Hiện nay sân chơi cho trẻ em trên địa bàn Thủ đô thiếu ở cả hai nội dung là theo nhu cầu và theo tiêu chuẩn xây dựng. Qua rà soát, hiện có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng, trong đó 4 quận nội đô có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng, nhưng nhiều nơi lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Ông Hùng cho rằng, thực trạng này có thể thấy do công tác quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng vào các mục đích khác đã dẫn đến các không gian bị lấn chiếm, thu hẹp... Để khắc phục thực trạng này, UBND TP đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các ngành rà soát, tham mưu để có giải pháp tổng thể, phấn đấu mỗi phường bố trí tổ chức sân chơi riêng cho trẻ em, nơi nào thiếu quỹ đất thì kết hợp với các loại hình sinh hoạt văn hóa để tạo điều kiện cho trẻ em có nơi vui chơi.
Trả lời câu hỏi ĐB Phạm Văn Tài (tổ Thường Tín) về thực trạng công viên vườn hoa cho trẻ em thiếu như thế nào so với nhu cầu của khu dân cư và tiêu chuẩn xây dựng, Giám đốc Sở QH&KT cho biết, so với quy hoạch phát triển về văn hóa, đến 2015 có 45% khu đô thị mới, quận huyện, thị xã có sân chơi vườn hoa, đến nay chưa đạt được. Trước mắt, Sở tham mưu cho UBND TP tiếp tục có văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương kiểm tra, giải tỏa và thu hồi phần diện tích lấn chiếm đất công, diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch; sắp xếp lại các diện tích kể cả đất xen kẹt để giành không gian sinh hoạt công cộng và sân chơi cho trẻ em cho người dân tại các khu nhà…
Chưa hài lòng với những câu trả lời này, ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng) cho rằng: Diện tích sân chơi đã thiếu, lại bị lấn chiếm, một phần nào đó TP cũng có trách nhiệm vì quan tâm chưa đúng mức. Vậy, khi phê duyệt khu quy hoạch khu đô thị mới, TP có yêu cầu dành diện tích cho khu sinh hoạt cộng đồng, khoảng không cho vui chơi. ĐB cũng gợi ý, hiện có nhiều quận như Cầu Giấy, Long Biên có những mô hình rất tốt trong việc huy động XHH các công viên, điểm vui chơi, TP nên nhân rộng. Giám đốc Sở QH&KT cho biết: Tất cả các dự án mới đều đảm bảo dành đất cho xây dựng các hạng mục này, các dự án cũ không có hạng mục này trong thiết kế, TP đã có quyết định thu hồi một số diện tích để dành cho xây dựng nhà cộng đồng, sân chơi. Ông Hùng cũng chia sẻ: Hiện các chủ đầu tư cũng đã thay đổi tư duy, thường quan tâm đến các thiết chế văn hóa, hạ tầng xã hội trước khi đầu tư nhà ở, để thu hút được người dân. Đó là cơ sở để tạo ra những khu vui chơi tại các khu đô thị.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Thanh Hải
|
Quanh vấn đề này, Giám đốc Sở VHTT&DL Tô Văn Động cũng thừa nhận, hiện đang có tình trạng thiết chế văn hóa thiếu nhưng sử dụng hiệu quả chưa cao. Trước tiên, thiếu sót này thuộc về Sở VHTT&DL, bởi Sở chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều thiết chế văn hóa do xây dựng từ khi chưa có quy định về tiêu chuẩn nên đến nay không còn phù hợp với nhu cầu thực tế; kinh phí duy trì thiếu; người quản lý chưa năng động... Tới đây, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP xây dựng cơ chế để phát huy được hiệu quả của các thiết chế văn hóa ở mức cao nhất.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét: Đối với sự phát triển đô thị hiện nay, yêu cầu các địa điểm này ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng nhưng hiện nay vẫn còn rất thiếu. Nguyên nhân của việc này một phần là do sự vào cuộc chưa quyết liệt của các Sở, ngành. Do đó, đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành triển khai nhanh và quyết liệt các giải pháp nhằm xây dựng hệ thống sân chơi, vườn hoa, công viên, các thiết chế văn hóa.
Trong phiên chất vấn, HĐND đã nghe Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin rất nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học, kỳ thi quốc gia và tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội. Đây đều là những vấn đề mới và ông Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Hà Nội đã làm tốt và được Bộ GD&ĐT đánh giá cao, nhưng điểm còn băn khoăn, Sở sẽ tăng cường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh trong thời gian tới.
Thành lập Ban quản lý nhà chung cư không đơn giản
Trả lời tái chất vấn của ĐB về vấn đề quản lý nhà chung cư và thành lập Ban quản lý nhà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Đến tháng 9/2014, trên địa bàn TP có 514 tòa chung cư và 136 tòa thành lập Ban quản trị, đạt 22%; cuối năm 2014 có 259 tòa nhà có Ban quản trị, đạt 36%; đến thời điểm hết tháng 6/2015 tiếp tục giảm được 272 nhà chung cư, đạt 38%. Việc thành lập Ban quản trị có gặp một số khó khăn như: Do một số chủ đầu tư chưa quyết liệt và tập trung thành lập Ban quản trị; các hộ dân thì cho rằng việc thành lập Ban quản trị thêm phức tạp; các quận, huyện, thị xã của TP cũng chưa vào cuộc quyết liệt. Ngoài ra, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2015, trong đó quy định Ban quản trị phải có tư cách pháp nhân để quản lý, vận hành và duy trì tòa nhà.
Liên quan đến Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn thông tin: Hiện Thanh tra TP đang thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty này. Về đề xuất mô hình hoạt động đảm bảo phù hợp, hiệu quả và đúng quy định của pháp luật, tại Đề án tăng cường công tác quản lý quỹ nhà chuyên dùng trên địa bàn TP, trong đó có giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với liên ngành xem xét, đề xuất mô hình hoạt động của Công ty đảm bảo hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
13 huyện, thị xã còn nợ xây dựng cơ bản
Trả lời câu hỏi tái chất vấn của ĐB Nguyễn Nguyên Quân (Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP) và một số ĐB đặt ra về việc liệu có xử lý được dứt điểm nợ xây dựng cơ bản thuộc ngân sách cấp xã trong năm 2015, Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý khẳng định: UBND TP đã yêu cầu từ nay đến ngày 30/7, các huyện, thị xã phải có phương án và báo cáo kết quả xử lý cụ thể và đôn đốc, xử lý triệt để nợ xây dựng cơ bản từ nay đến cuối năm. Về biện pháp xử lý, đối với các quận, huyện, thị xã đã bố trí 100% vốn phân cấp để xử lý nợ nhưng chưa hết nợ, TP khuyến khích quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá đất trên địa bàn và ưu tiên dành 100% tiền thu đấu giá đất vượt kế hoạch để trả nợ.
Để không phát sinh nợ mới, Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị HĐND các quận, huyện, thị xã giám sát chặt việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản mới từ nay đến cuối năm 2015. Đồng thời, cho biết trong số 13 huyện, thị xã nợ xây cơ bản, với 269,7 tỷ đồng, nhiều nhất là Phúc Thọ 67,1 tỷ đồng, Chương Mỹ 65 tỷ đồng…
Nước sạch bao giờ đạt “mục tiêu”
Nước sạch, đặc biệt nước sạch nông thôn là vấn đề “nóng” cả phần tái chất vấn và chất vấn lãnh đạo UBND TP, Giám đốc Sở NN&PTNT. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt: Hiện tại, TP đang có 106 trạm cấp nước sạch nông thôn, trong đó có 81 trạm đang hoạt động đủ khả năng cung cấp nước ổn định cho khoảng 300.000 người. Trong đó có 15 trạm đang giao cho DN tiếp cận, còn 25 trạm còn lại có 10 trạm xuống cấp không thể cung cấp được nữa, 11 trạm, đầu trạm đầu tư từ lâu mặc dù đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng các trạm này đã đấu nối được với khu vực nước sạch đô thị, còn 4 trạm còn lại đang trong quá trình xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt chia sẻ: Ngân hàng Thế giới đã cho Việt Nam vay 100 triệu USD để thực hiện dự án tại 8 tỉnh, TP, trong đó Hà Nội được bố trí 31 triệu USD. Số tiền này sẽ được đầu tư vào 7 dự án, trong đó có 3 dự án tại Mỹ Đức, Thạch Thất và Phúc Thọ đã khởi công, dự kiến đến hết 2015 sẽ cấp nước cho 3 khu vực này. Và TP cũng đã có kế hoạch phân bổ vốn đối ứng để thực hiện các dự án còn lại.
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa vụ Xuân - Hè 2015 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
|
Đặt vấn đề về tiến độ thực hiện dự án cung cấp 40.000 thiết bị xử lý nước cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo tại các khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ĐB Nguyễn Thị Thùy (Gia Lâm) cho rằng: Hiện mới chỉ đến tay người dân có 10.000 thiết bị, TP nên có sự lý giải vì sao 30.000 thiết bị chưa thể triển khai. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết: 30.000 bộ lọc còn lại vẫn chưa tới tay đối tượng cần cung cấp là do không bố trí được vốn, mà theo tính toán sơ bộ là khoảng 100 tỷ đồng. Nhiều khả năng dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2016 nếu TP bố trí được vốn. “UBND TP đã có chỉ đạo đầu tư xây dựng 6 trạm nước sạch liên xã cho 6 khu vực được xác định là ô nhiễm nặng và dự kiến đầu tư từ nguồn ngân sách TP. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua mới chỉ đầu tư được 45 tỷ đồng để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, còn nguồn vốn thì 2 năm vừa qua đều chưa bố trí được” - Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho biết.
Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hà Đông) về việc liệu có thực hiện được mục tiêu đã đặt ra là đến hết năm 2015, TP phải hoàn thành 40% tỷ lệ dân cư nông thôn được thụ hưởng nước sạch. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết: “Tính tới hết năm 2014, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch là 36,68%, chính vì vậy mục tiêu 40% là hoàn toàn có thể thực hiện được”. Đồng thời chia sẻ, sau khi TP có chính sách khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nước sạch để giảm tải ngân sách TP, có nhiều DN quan tâm, hiện đã có khoảng 3 - 4 DN đăng ký với TP để trực tiếp đầu tư vào các trạm nước sạch bằng nguồn vốn của DN. TP hiện cũng đang đôn đốc các sở, ngành để hỗ trợ tốt nhất cho các DN có thể tham gia lĩnh vực này. Tuy nhiên, với mỗi công trình nước sạch liên xã sẽ tiêu tốn khoảng 70 - 120 tỷ đồng, nên DN vẫn còn những băn khoăn, bởi khả năng thu hồi vốn là rất khó khăn khi tỷ lệ dùng nước sạch ở nông thôn còn thấp, người dân vẫn phụ thuộc vào nước từ tự nhiên như giếng khoan, nước mưa... TP sẽ nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ ứng trước một phần về vốn đầu tư để thu hút DN tham gia lĩnh vực này.
Trong phần chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT, nhiều ĐB khác tiếp tục “truy” về vấn đề nước sạch nông thôn này. Và mong muốn có câu trả lời cho việc tại sao nhiều trạm cung cấp nước sạch khu vực nông thôn chưa hoạt động; việc bàn giao cụ thể cho các DN về tài sản và mặt bằng đầu tư tại các trạm thực hiện chậm, gặp nhiều khó khăn...
Hiệu quả đầu tư chưa xứng tầm
Đặt vấn đề tình trạng nông dân một số nơi bỏ ruộng hoang hóa vẫn đang diễn ra, gây lãng phí đất đai, nhiều ĐB đề nghị TP cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ: Đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích đất lúa toàn TP là 99.956ha, qua tổng hợp báo cáo của các huyện, thị xã, đến nay có 4 xã, thuộc 2 huyện Quốc Oai và Thường Tín và một số ruộng nhỏ lẻ, xen kẹt ven đô thuộc một số quận, huyện không cấy vụ Xuân 2015. Theo lý giải của Sở là do vướng mắc trong công tác dồn điền đổi thửa. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng các huyện kiểm tra, rà soát lại…
Chưa tán thành với nội dung này, ĐB Phạm Văn Tài (tổ Thường Tín) cho rằng: Có cả những nguyên nhân như cử tri phản ánh là trồng lúa không mang lại hiệu quả kinh tế, người dân muốn chuyển đổi sang mô hình trang trại, nhưng còn bất cập về thủ tục. Sở nên lưu ý đến vấn đề này.
Nhiều ĐB cho rằng, TP đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhưng chậm được thực hiện. Trình bày trước HĐND, Giám đốc Sở NN&PTNT cũng liệt kê rất nhiều chính sách đang được thực hiện như chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; chính sách khuyến khích thực hiện dồn điền đổi thửa; chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản... Nhưng các ĐB cho rằng, các chính sách dù nhiều, nhưng thực sự chưa phát huy hiệu quả trong thực tế. ĐB của tổ Phúc Thọ thẳng thắn: Thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, Sở thống kê toàn TP hiện có 842 máy làm đất, 210 máy cấy, 461 máy phun thuốc bảo vệ thực, 193 máy gặt đập liên hợp. Nhưng tính trên bình quân số xã, và diện tích sản xuất không đáng gì, có thể nói thẳng là vẫn chưa có cơ giới hóa trong nông nghiệp, chính sách có, nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Việc liên kết 4 nhà được các ĐB nhận xét là phải tăng cường hơn, đặc biệt với những sản phẩm nông nghiệp, bởi sự hỗ trợ của Nhà nước trong tiêu thụ nông sản rất mờ nhạt. ĐB Nguyễn Hữu Thắng (tổ Nam Từ Liêm) cho rằng: Năng lực sản xuất nông nghiệp tại TP chỉ là một tổng cầu nhỏ so với nông sản cần có trên địa bàn. Vậy Sở đã tham mưu gì để kết nối vùng trong sản xuất nông nghiệp cho trúng và hiệu quả, tạo ra nguồn hàng về Hà Nội chuẩn hơn; phối hợp với ngành công thương để đẩy mạnh việc tiêu thụ như rau sạch. Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận: Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đáp ứng 60% rau thịt, 20% nhu cầu thủy sản… của người dân trên địa bàn. Do đó, việc liên kết với các tỉnh là cần thiết và Sở đã tham mưu ký hợp tác với các tỉnh, phối hợp trong công tác kiểm dịch. TP đã thành lập trung tâm xúc tiến thương mại hàng nông sản Hà Nội, là đầu mối kết nối và trung tâm này đã thực hiện vai trò khá tốt. Việc phối kết hợp giữa Sở và Sở Công thương về tiêu thụ rau an toàn tương đối tốt.
Nhưng ĐB Nguyễn Hoài Nam (tổ Hai Bà Trưng) lại cho rằng: “TP đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến nông nghiệp, nhưng cử tri băn khoăn, tại sao chúng ta đầu tư nhiều nhưng người dân ra chợ mua rau vẫn không an tâm. Nhiều siêu thị nói rằng, thịt vẫn phải lấy của các vùng khác. Vậy việc đầu tư ra sao mà người dân vẫn không được dùng rau sạch, thịt sạch”. Trả lời cho câu hỏi này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt thừa nhận: Có thể có một số điểm, một số cơ sở áp dụng không đúng quy trình, dẫn đến mất an toàn. Đây chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng cũng là vấn đề nóng bỏng, TP sẽ quan tâm và tiếp tục có sự chỉ đạo.
Xử lý môi trường làng nghề, khó nhưng không bỏ
Tái chất vấn về việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề chậm và không hiệu quả, ĐB Đỗ Trung Hai (tổ Mỹ Đức) cho rằng, ô nhiễm môi trường làng nghề đang rất phức tạp, nếu chậm thì không biết đến bao giờ mới dứt điểm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết: Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề. Việc ô nhiễm môi trường là có thật, thậm chí có nơi rất bức xúc. Nhưng nguồn lực đầu tư cho môi trường làng nghề đang khó khăn. Nguồn ngân sách chỉ tập trung được những nơi quá bức xúc như khu vực Dương Liễu, Sơn Đồng, để đầu tư làm các nhà máy xử lý nước thải làng nghề, sẽ hoàn thành theo tiến độ. Còn lại, vốn XHH là rất khó khăn. TP đã giới thiệu nhiều nhà đầu tư, nhưng hiện mới chỉ có nhà đầu Phú Điền tham gia, còn lại các nhà đầu tư không mặn mà, do vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi khó khăn. “Nói như vậy không có nghĩa là TP chỉ biết trình bày khó khăn, mà thực tế hiện nay TP đã có lộ trình và có đề án giải quyết vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn và có những mô hình làm điểm, đang tiếp tục được hoàn thiện để nhân ra diện rộng. Đây là vấn đề khó, nhưng TP không bỏ, mà rất trăn trở để làm cho có hiệu quả” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh.
ĐB Phạm Thị Thanh Mai (tổ Hai Bà Trưng):
Cần tiếp tục giám sát, tái giám sát
Quanh vấn đề nước sạch nông thôn, tôi rất chia sẻ với UBND TP, bởi có những pháp phải làm ngay, nhưng cũng có giải pháp không thể làm ngày một ngày hai được. Đây cũng là nhóm nội dung đã tái chất vấn, thể hiện không chỉ là việc quan tâm của ĐB mà còn là gửi gắm của cử tri. Các nội dung các Phó Chủ tịch UBND, các thành viên UBND đã trả lời sẽ tiếp tục được HĐND, các Ban tiếp tục giám sát, tái giám sát. |
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng:
Phiên trả lời chất vấn thẳng thắn, nghiêm túc
Theo dõi phiên trả lời chất vấn kỳ họp thứ 13 của UBND TP Hà Nội chiều ngày 7/7, tôi nhận thấy các cử tri đã chất vấn tập trung vào những nội dung mà người dân quan tâm trong thời gian gần đây như giáo dục, xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, vấn đề sản xuất và xuất khẩu nông sản... Các nội dung đã được trả lời nghiêm túc, tập trung vào trọng tâm với tinh thần trách nhiệm cao. Đây là điểm nổi bật mà người dân ghi nhận qua phiên chất vấn. Tuy nhiên, tôi cho rằng HĐND TP cũng cần tăng cường giám sát và tái giám sát quá trình giải quyết các vấn đề mà các Sở, ngành đã cam kết để thúc đẩy hơn nữa tính hiệu quả của việc thực thi lời hứa với người dân. |