Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Trần Thị Bắc

Trương Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/7, huyện Sóc Sơn tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Trần Thị Bắc theo Quyết định số 626/QĐ-CTN ngày 26/4/2018 của Chủ tịch nước.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh trao bằng công nhận danh hiệu cao quý cho thân nhân liệt sĩ Trần Thị Bắc
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh đã trao bằng công nhận danh hiệu cao quý cho thân nhân liệt sĩ Trần Thị Bắc - người con quê hương xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn. Đây là sự ghi nhận và tri ân của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của liệt sĩ Trần Thị Bắc đối với sự nghiệp cách mạng.
Liệt sĩ Trần Thị Bắc sinh năm 1932 tại thôn Xuân Đoài, xã Lạc Long, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng (cha là xã đội phó thời kỳ đầu kháng chiến, 2 lần bị địch bắt tù đày tại nhà tù Sơn La, Hỏa Lò; bác ruột là cơ sở cách mạng, bảo vệ Huyện uỷ Đa Phúc những năm 1945 - 1946; chú ruột là liệt sỹ; cậu ruột Nguyễn Văn Vấn, chiến sĩ thi đua toàn quân, toàn quốc…), Trần Thị Bắc đã sớm hình thành tinh thần yêu nước.

17 tuổi chị tham gia chấp hành phụ nữ xã, rồi du kích xã. Gan dạ, tích cực, chị Bắc được phân công là tổ trưởng du kích. Năm 1950, chị được cử đi học lớp y tá rồi trở về kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ cứu thương. Nhanh nhẹn, hoạt bát, nắm vững địa hình, khéo ăn nói, từ năm 1951, chị Bắc được giao cả 3 nhiệm vụ: Quân báo, cứu thương và binh vận.

Ngày 16/3/1954, để chuẩn bị cho một trận đánh lớn, Trần Thị Bắc nhận nhiệm vụ đưa đoàn cán bộ và bà con Nhân dân với khoảng 30 người, từ vùng địch hậu Lương Châu ra vùng vành đai trắng Phù Linh sơ tán ra vùng tự do, đề phòng khi ta đánh, địch sẽ càn quét cơ sở. Mặc dù lúc đó đã được đồng đội cảnh báo có lính Commăngđô từ bốt Phù Lỗ lên đi càn, song chị Bắc không ngần ngại thực hiện nhiệm vụ được giao phó.

Chị đi trước thăm dò, thì bị rơi vào ổ phục kích của địch. Chúng bắt chị, bịt miệng với ý định sẽ phục chờ và bắt nốt số người đi sau. Biết được âm mưu của địch, chị Bắc chống cự quyết liệt, hét toáng lên đánh động. Bọn địch điên cuồng bắn một băng đạn vào người chị, và cũng nhờ vậy, đoàn cán bộ, dân cùng đi kịp thời phát hiện và rút lui an toàn. Nữ du kích Trần Thị Bắc đã không quản ngại hiểm nguy, liều mình anh dũng hy sinh để dành lấy sự an toàn cho đồng đội, đồng bào.

Chị hy sinh sau 3 ngày quân ta nổ súng mở màn cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1956, chị Trần Thị Bắc được công nhận là liệt sĩ. Gương hy sinh của chị đã viết tiếp những trang sử hào hùng về truyền thống cách mạng quật cường của cán bộ, Nhân dân xã Phù Linh và huyện Sóc Sơn anh hùng.

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ, huyện Sóc Sơn vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 1.650 triệu đồng, đạt 275% kế hoạch năm (riêng cấp huyện thu được 430 triệu, đạt 215%); từ các nguồn vận động tặng 34 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng số tiền 68 triệu đồng; tu sửa nâng cấp nhà 4 nhà ở cho người có công với cách mạng 160 triệu đồng; phối hợp với các bệnh viện khám bệnh phát thuốc cho người có công và thân nhân liệt sĩ 1.150 lượt người có công, kinh phí 345 triệu đồng. Tổ chức thăm tặng quà các đối tượng chính sách cho 5.332 lượt người có công, kinh phí 1.599 triệu đồng, trong đó kinh phí ngân sách 533 triệu đồng, nguồn vận động 1.066 triệu đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần