“Truyện Kiều” trở lại sân khấu kịch

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 26/10, Nhà hát Kịch Việt Nam đã giới thiệu với báo giới dự án dựng kịch “Chuyện nàng Kiều”. Dự kiến vở kịch sẽ ra mắt khán giả vào đầu tháng 11/2016.

Đạo diễn vở “Chuyện nàng Kiều” NSND Anh Tú cho biết: “Nguyễn Du không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của nàng Kiều mà mọi vật xung quanh ông đều thấy nó có linh hồn, từ cây cỏ cho tới chiếc cầu đá... Chính vì vậy, tôi khai thác tính thiện lương trong mỗi con người, ngay cả trong nhân vật xấu như Tú Bà. Tú Bà cũng có thiện lương nhưng cái đó nó bị đè lại bởi cái ác, cái xấu”.
Ngoài ra, cho dù xác định dựng một vở diễn thuần Việt nhưng chủ trương của đạo diễn là tiết giảm bớt ánh sáng màu hồng chứ không đem nón thúng, quai thao, áo tứ thân vào trang phục diễn để thuần Việt.
“Chuyện nàng Kiều” được kỳ vọng là một vở diễn chính kịch lớn, được đầu tư công phu từ trang phục cho đến âm nhạc. Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời nhạc sĩ Giáng Sol sáng tác các ca khúc mới dành riêng cho vở kịch.
Vở diễn mang tính thử nghiệm khi kết hợp những hình thức hát, múa và những động thái hình thể. Hình ảnh hoa sen – quốc hoa của người Việt được sử dụng với hàm ý như cuộc đời một con người: Lúc hét mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc cao trào, lúc tàn khô, héo úa… nhưng vượt lên trên tất cả chính là sự dâng hiến cho những cái đẹp.
Đảm nhiệm vai Thúy Kiều và Kim Trọng là những diễn viên trẻ: Diễm Hương và Tô Dũng… Họ mới bắt đầu được biết đến tại một số bộ phim truyền hình và sân khấu kịch. Cho dù mới ra mắt những trích đoạn, nhưng có thể thấy các nghệ sĩ trẻ này không làm thất vọng những nhân vật đã thành huyền thoại của văn học Việt. Từ đài từ cho đến hình thức đều diễn tả được đời sống nội tâm và vẻ đẹp mong manh của Thúy Kiều.
Những nghệ sĩ có tiếng như: Xuân Bắc, Lan Hương, Thúy Phương, Phú Đôn… cũng sẽ không làm khán giả thất vọng trong những vai phản diện như: Tú bà, Hồ Tôn Hiến…

Một vài năm trở lại đây, với sự xuất hiện trở lại của “Hamlet”, “Biệt đội báo đen”, “Chuyện nàng Kiều”… Nhà hát Kịch Việt Nam đang dần khỏa lấp sự thiếu vắng của mảng chính kịch ở nghệ thuật sân khấu. Do nhu cầu của nền kinh tế thị trường, nhiều nhà hát chạy đua dựng hài kịch để thỏa mãn nhu cầu của khán giả. Chính vì thế chính kịch bị lãng quên. Tuy nhiên, hiện nay Bộ VHTT&DL đang có chủ trương ưu tiên cho đầu tư cho các vở chính kịch hoành tráng.

Dự kiến, ngày 8/11, “Chuyện nàng Kiều” của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ chính thức góp mặt trong danh sách những vở chính kịch đáng xem của sân khấu thời hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần