Truyện ngắn: Ấm chè sen

Truyện ngắn của Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Đã lâu, ông Hoàng mới bỏ bộ đồ trà độc ẩm ra dùng. Bộ ấm ông mua trong dịp về thăm làng gốm cổ Phước Tích, cùng chiếc bình cắm sen, cũng một loại gốm màu gan gà mộc mạc.

Tưới nước sôi tráng kĩ ấm với chén, ông cẩn trọng dùng chiếc kéo nhỏ, cắt lớp giấy bóng kính màu điều bao ngoài cùng, rồi đến lớp giấy bạc, để lộ ra những cánh chè màu đen mờ. Một mùi hương nhè nhẹ thoảng lên. Khum lòng bàn tay, ông Hoàng dốc nhẹ bao chè, ước chừng vừa đủ rồi mới cho vào lòng chiếc ấm nhỏ còn vương khói nước nóng, chế nước sôi, đậy nắp ấm. Đặt lại ấm trà vào chiếc đĩa sâu lòng đầy nước nóng, ông nâng chiếc chén nhỏ lên ngắm nghía một cách thích thú. Chiếc chén, chắc chỉ hơn một hớp trà, bên ngoài tiệp màu gan gà cùng bộ ấm, đĩa, bên trong được tráng nhẹ một lớp men màu lá trà. Cái khéo của nghệ nhân là ở chỗ lớp men được quét tinh tế đến độ như là quét rối. Vương lẫn màu lục già là những vệt nâu màu da lươn rất mảnh, tất cả hài hòa với màu gan gà của bộ ấm. Chừng chè đã ngấm, gạt đáy ấm lên miệng đĩa, ông Hoàng khẽ khàng chuyên nước ra chiếc chén nhỏ. Qua làn hơi trắng quẩn nơi miệng chén, màu nước chè quyện với màu men sóng sánh, cùng lúc, hương sen nhẹ dâng, tạo một cảm giác huyền ảo. Câu chuyện cũ gắn với ấm chè ướp sen lại trở về trong kí ức…

Dễ chừng đã đến bốn chục năm có lẻ. Dạo ấy ông Hoàng đang là cán bộ đoàn thể của một huyện ngoại thành. Vợ ông cũng là cán bộ phụ nữ xã. Lấy nhau mới dăm năm, ông bà đã có liền 4 đứa con, 3 trai 1 gái. Cuộc sống tạm ổn với đồng lương ít ỏi thời bao cấp nhờ tài đảm đang vun vén của bà Xuân, vợ ông và nết lam làm của ông. Xuất thân học trò, nhưng ngoài giờ làm việc, anh cán bộ Mặt trận vẫn xoay trần ra trồng rau, nuôi lợn. Nhờ sự quan tâm của xã, vợ chồng ông có được ít thước đất “ruộng rau” - một tiêu chuẩn của nông dân là xã viên HTX nông nghiệp ngày ấy. Mùa nào thức ấy, ông trồng rau đủ cho cả nhà ăn, còn dư để chăn nuôi. Vì là dân ngụ cư, nên mảnh “ruộng rau” của ông bà cũng ở xa làng, tuy mất công đi lại nhưng lại dễ tưới tắm bởi ngay sát một đầm sen. Cũng nhờ đầm sen ấy mà ông còn đặt cái lờ, cái đó, vài ba hôm lại kiếm được mớ tép, con cá thêm vào bữa ăn của cả nhà.

Là cán bộ Mặt trận, ông Hoàng được phân công theo dõi khối tôn giáo. Tiếng là khối tôn giáo, nhưng công việc không mấy phức tạp vì trên địa bàn huyện chỉ có mấy ngôi chùa, không có nhà thờ Công giáo hay Tin lành như một số địa bàn khác. Sẵn nết sởi lởi, lại nằm lòng từ tuổi ấu thơ những câu chuyện về nhà Phật qua bà và mẹ nên ông Hoàng dễ dàng tiếp cận với các vị sư. Với nhiều ngôi chùa, ông như người nhà. Có công việc gì, các vị trụ trì thường mời ông đến trao đổi, xin ý kiến. Nếu muốn ăn oản thì năng lên chùa. Các cụ nói cấm có sai. Thường lúc ở chùa về, ông Hoàng hay có phẩm oản, quả chuối, quả hồng… cho lũ con lúc nào cũng háu ăn của mình. Chẳng cao sang gì, nhưng ông nghĩ đó là lộc Phật, lộc Thánh. Có lẽ vì thế mà lũ con ông đứa nào cũng trùng trục, chẳng đau ốm sài đẹn gì.

Cuộc sống cứ yên ổn trôi đi, nếu không có một sự việc xảy đến. Trong vùng có ngôi chùa cổ, tương truyền như đã có đến hơn 300 năm, dân gian gọi là chùa Cói, tên chữ là Hoằng Ân tự. Từ dạo ông Hoàng qua lại, suốt mấy năm, chùa chỉ có một sư, một tiểu. Sư trụ trì cũng đã ngoại 60, người gầy yếu, chỉ có cặp mắt vẫn tinh anh. Đúng đận Mậu Thân, chú tiểu xung phong lên đường nhập ngũ, nghe đâu đã hy sinh ở Huế. Chú tiểu đi rồi, ông Hoàng năng đến chùa hơn, lúc biếu sư cụ mấy lạng đường cát, khi thăm hỏi ông lúc đau yếu trái gió trở trời. Ông cũng nhắc các bà vãi siêng lên chùa phụ giúp sư cụ việc đèn nhang hương khói.

Rồi sư cụ cũng có người đỡ đần, gần gụi. Chùa có tiểu mới, nghe nói tiểu này do sư trụ trì một ngôi chùa mạn Hồ Tây gửi gắm cho sư cụ chùa Cói. Chùa có sư, có tiểu là chuyện bình thường. Điều không bình thường ở chỗ tiểu mới là một cô gái, lại khá đẹp. Tấm áo nâu sồng không giấu nổi những đường cong của người thiếu nữ. Dưới vành khăn nâu che mái đầu đã xuống tóc là cặp mắt đen, vương nét buồn thăm thẳm cuốn hút lòng người. Thấy bảo vì chót yêu phải người đã có gia đình, quá thất vọng mà cô tìm đến nương nhờ cửa Phật. Vậy nhưng vẫn không yên. Cái người gây khổ đau cho cô vẫn tìm đến quấy quả nên nhà chùa trên đó gửi về chùa Cói, những mong dứt hẳn được duyên tình… Từ lúc tiểu Tâm - tên cô gái, xuất hiện, chùa Cói đâm ra đông khách. Ngoài mấy bà vãi vẫn hay lên chùa, còn có thêm các ông xã đội, thư ký ủy ban qua lại. Có hôm, trời đã khuya, mấy chú dân quân đi tuần còn ghé qua xin hớp nước. Cùng với những cuộc viếng thăm đó là những lời xì xầm về tiểu mới chùa Cói. Có anh còn nói mạnh, đã trộm ngắm tiểu Tâm lúc bỏ tấm áo chùng cùng mảnh khăn nâu trùm đầu và quả quyết dù đã xuống tóc nhưng cô vẫn rất xinh và đầy nữ tính. Các bà các cô thì chia làm hai phe. Phía xót thương ái ngại, bên cảnh giác đề phòng.

“Ngữ ấy làm sao chót đường tu!”, một bà chết chồng, ở vậy từ năm 18 đay nghiến! Câu nói ác khẩu ấy không ngờ lại vận vào cuộc đời tiểu Tâm. Đúng là cô không thể theo trọn đường tu. Sự việc động trời xảy ra chỉ vài tháng sau khi tiểu Tâm về chùa. Cô có mang! Suốt cả tháng trời, câu chuyện cửa miệng của dân làng hầu như chủ yếu là đoán già đoán non xem ai là tác giả của cái thai đang nằm trong bụng tiểu Tâm. Đầu bảng của mối hoài nghi là mấy ông tự dưng chăm lên chùa một cách đột xuất, xong sự nghi ngờ cũng chẳng loại trừ bất cứ một người đàn ông nào thường hay có mặt ở chùa, kể cả sư cụ trụ trì đã thều thào móm mém. Tất nhiên, ông Hoàng cũng không là ngoại lệ. Dư luận quan tâm nhiều là cái việc tày đình này sẽ được xử lý ra sao. Cánh phụ nữ đương nhiên là lắm ý kiến nhất. Nhiều hình phạt được đưa ra, kể cả “gọt đầu bôi vôi” vì tội làm ô uế cửa thiền. Là người chịu trách nhiệm quản lý ngôi chùa, ông Hoàng biết đơn giản nhất là trục xuất Tâm ra khỏi chùa, gửi trả về địa phương. Đó là cách làm đúng quy định, không gây phiền phức. Làm vậy không ai trách gì ông được, mà cũng đỡ điều tiếng, nhất là khi ông cũng đang chịu sự nghi ngờ, không chỉ từ phía bên ngoài. Tuy nhiên, bàn bạc với sư cụ trụ trì, hai người thấy cách làm ấy có chút gì bất nhẫn. Vì Tâm cố giấu nên khi sự việc vỡ lở thì khả năng bỏ cái thai là không thể. Sau tất cả những gì đã trải qua, Tâm không thể về nhà với cái bụng lùm lùm và mái đầu trọc lởm chởm tóc mọc dở. Không khéo Tâm quẫn trí lại tìm đến con đường dại dột, hóa ra hại một lúc hai mạng người. Trong khi Phật dậy, cứu một người phúc đẳng hà sa. Bàn đi tính lại, sau khi xin ý kiến cấp trên, ông Hoàng đề xuất một phương án. Đó là cho tiểu Tâm hoàn tục, xin xã đồng ý cho dựng một túp lều ngay trên khoảnh đất “ruộng rau” kề đầm sen của gia đình ông để tá túc, chờ ngày sinh nở. Khỏi phải nói, đề xuất của ông Hoàng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ đến thế nào. Ngay cả bà Xuân, vốn tin và yêu chồng cũng quay ra gằn hắt, nghi ngờ. Không khéo ông lại lằng nhằng với Tâm? Bởi cho đến lúc đó, tiểu Tâm vẫn nhất quyết không chịu nói bố đứa trẻ trong bụng mình là ai… Riêng ông Hoàng vẫn tự nhủ cây ngay không sợ chết đứng và vững tin vào cách giải quyết đầy tính nhân văn của mình.

Đến tháng đến ngày, cô Tâm sinh một bé gái, sinh xắn hệt mẹ. Những ngày Tâm nằm ổ, căn lều ven đầm sen tấp nập khách vào ra, nhiều nhất là các bà, các cô. Ai cũng có quà cho gái đẻ, dăm quả trứng, nải chuối, bơ gạo nếp… Không ai nói ra, nhưng mọi người ngầm hiểu thăm bà đẻ chỉ là cái cớ, họ đến để xem mặt đứa bé, để nhìn xem “quai” ấy giống “giỏ” nào?

Và tất cả các bà, các cô, trong đó có bà Xuân, khi bước ra khỏi căn lều của mẹ con Tâm đều thở phào nhẹ nhõm. Bà Xuân ngắm rất kĩ, con bé mới lọt lòng không hề có cái khoáy bò liếm trước trán, thứ “của gia truyền” mà 4 đứa con bà sinh với ông Hoàng, cả trai lẫn gái không đứa nào thiếu. Dần dà thì người ta cũng truyền tai nhau, cha của đứa bé chính là người tình cũ của Tâm. Gã lần mò được về đây và ngon ngọt khiến cô yếu lòng và rồi một đi không trở lại.

Chuyện ồn ã đến đâu rồi cũng có lúc lắng dịu. Tưởng là chỉ tá túc ít ngày qua cơn hoạn nạn, vậy mà mẹ con cô Tâm lại gắn bó dài lâu với mảnh đất này. Thấm thoắt con bé Ân đã lon xon theo mẹ. Đận khó khăn tưởng như không biết bấu víu vào đâu, may nhờ tấm lòng của sư cụ cùng ông Hoàng mà vượt qua được nên Tâm đặt tên con là Ân với ý định ghi nhớ mãi ơn sâu của mọi người, nhất là ông Hoàng. Trong thâm tâm, cô đã coi ông bà như anh chị, coi gia đình ông như những người ruột thịt. Hoạn nạn vừa qua, nỗi lo cơm áo lại ập đến. Vốn là gái thành phố, việc ruộng đồng Tâm không thạo, lại một nách con mọn. Nếu không có cách gì, cái đói là nhỡn tiền. Sự cưu mang của ông bà Hoàng và sư cụ cũng có giới hạn. Và không chỉ khổ vì cái đói, Tâm còn bị quấy rầy bởi những gã háo sắc trong làng. Căn lều ở nơi vắng vẻ bên đầm sen với người đàn bà một con thường đêm là nơi rình mò của chúng. Cũng có gã mặt dày, vác cả bịch thóc đến gạ gẫm. Của đáng tội, cũng có đám góa vợ, người đứng đắn đặt vấn đề nghiêm túc, nhưng phần vì dường như đã quá sợ đàn ông, phần lo cho bé Ân phải chịu cảnh con anh, con tôi nên Tâm không nhận lời mà chỉ lo làm ăn nuôi con.

Các cụ vẫn bảo, ông Giời chẳng làm tuyệt đường của một ai. Việc được tá túc bên bờ đầm sen khiến Tâm tình cờ tìm ra cách kiếm sống. Dịp đó đang độ tháng Sáu, sen trong đầm nở rộ. Thời chiến, chẳng mấy ai quan tâm đến sen với súng. Sen cứ việc nở rộ, cuối mùa xã giao cho các cụ phụ lão, chủ yếu là thu bát sen để bán cho trẻ nhỏ làm quà vặt. Thấy sen cứ nở rồi rụng, Tâm chợt nhớ lại hồi còn ở ngôi chùa bên Hồ Tây, từng giúp sư trụ trì ướp chè sen, trước là cúng Phật, sau là đãi khách. Đem chuyện thưa với sư cụ trụ trì, được người khuyến khích, Tâm bắt tay làm thử. Mẻ chè đầu tiên mà Tâm dùng gạo sen nhỏ li ti để ướp, sư cụ và ông Hoàng dùng thử thấy tạm được. Hai người khuyến khích Tâm về lại chùa cũ xin sư cụ ở đấy chỉ dạy cho thật cặn kẽ, từ việc tách gạo sen, ướp rồi sao chè. Mùa sen năm ấy, chùa Cói có chè sen dâng cúng Phật và tiếp khách. Đến mùa sen sau, chè ướp sen của Tâm làm ra đã có người hỏi mua. Tuy không được như chè ướp sen của các nhà chuyên nghiệp mạn Hàng Điếu, nhưng chè sen chùa Cói cũng làm thỏa mãn thú thanh tao trà sớm, rượu trưa của mấy cụ bô lão trong vùng.

Cuộc sống thời mở cửa cứ khấm khá dần. Dần dà, chè ướp sen Bà Tâm đã thành một thương hiệu được biết tới. Túp lều xưa mẹ con tá túc, nay đã thành ngôi quán khang trang, bán thuần một loại chè ướp sen, nằm giữa một vùng dân cư đông đúc. Khách đến uống thử, mua chè dần đông. Có người còn đặt hàng để gửi đi nước ngoài. Tiểu Tâm ngày nào còn chịu lời ong tiếng ve, nay đã thành bà Tâm, một phụ nữ đôn hậu, vẫn giữ được vẻ đẹp thời trẻ. Nghề ướp chè sen đã giúp bà nuôi được bé Ân khôn lớn, tốt nghiệp đại học và có một gia đình hạnh phúc. Cái dớp mà bao lâu bà Tâm lo lắng, khiến cho bà dằn lòng, nén xuống cái khát vọng bản năng của người đàn bà những năm đầy xuân sắc, vượt qua những cám dỗ mà đám đàn ông tốt có, xấu có giăng mắc suốt bao năm, ấy là sợ con lại đi theo vết xe đổ của mình đã không vận vào con bà. Dư dả, nhớ ngày cơ hàn, bà sẵn lòng tham gia các hoạt động từ thiện trong vùng, cưu mang kẻ khó. Cơ sở chè ướp sen của bà cũng tạo công ăn vệc làm cho trên chục chị em vào mùa sen rộ, khi khai thác đầm sen mà bà nhận thầu của xã.

Sư cụ chùa Cói viên tịch, bà Tâm cùng nhà chùa lo tang ma chu tất, lại xin phép nhà chùa lo vệc xây tháp, lưu giữ xá lị của người ngay trong vườn. Ông Hoàng, theo đà công tác, lên làm cán bộ tỉnh, cán bộ trung ương rồi về hưu. Suốt bao nhiêu năm, mẹ con bà Tâm vẫn đi lại như người nhà. Ngày Ân lấy chồng, cả hai ông bà cùng về dự, làm đại diện họ nhà gái đi đưa dâu. Cũng đã thành lệ, sau mỗi mùa sen, bà Tâm lại sai Ân mang biếu ông Hoàng ít lạng chè ướp sen lấy thảo…

Tuần nước cuối cùng đã ngấm, ông Hoàng nâng chén, thưởng thức vị chè chan chát, thoảng vị hắc nhẹ của tâm sen cùng hương sen thoang thoảng. Thoáng trong lòng ông một cảm giác bằng lòng. Nhớ lại chuyện cũ mấy chục năm, ông Hoàng cảm ơn Trời, Phật đã chỉ cho ông con đường đúng cùng sự dũng cảm mà giải quyết có lý, có tình vụ việc tiểu Tâm năm ấy để có sự thanh thản hôm nay. Là người có tâm, ở tuổi ngoài thất thập, trải qua mấy chục năm lăn lộn trường đời, ông ngẫm ra rằng, đôi khi chỉ một việc làm không đúng cũng đủ để người ta băn khoăn, canh cánh suốt cuộc đời…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần