Truyện ngắn: Bằng lăng vẫn nở

Lê Ngọc Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã mấy chục năm. Từ cậu học trò mới lớn lần đầu biết đến những vần thơ của Sếch- xpia trong sự khốc liệt của cuộc chiến trở thành một người đàn ông từng trải, Quốc vẫn đau đáu nhớ về cái ngày hè Quảng Trị ấy, khi hai anh em ngồi tâm tình trên chiếc võng mắc trong hầm thùng của tiểu đội công binh cầu phà bên dòng Cam Lộ...

Ảnh minh họa
- Vậy là anh chàng này sẽ trở thành một nhà Sếch-xpia học…

Ông phụ trách trang văn nghệ của tờ báo địa phương nheo nheo mắt, nâng li rượu, buông một câu khi nghe giới thiệu về Quốc. Đó là lúc anh được phép ngồi hầu rượu ông chú ruột, một họa sĩ già cùng mấy người bạn của ông. Có một chút gì đó hài hước trong cách nói của ông nhà báo. Cũng dễ hiểu. Chẳng cứ ông nhà báo, bạn bè cùng lớp, cùng khoa, thầy giáo… cũng thấy lạ khi Quốc chọn đề tài này cho luận văn tốt nghiệp của mình. Hay dở gì chưa biết, đây là một đề tài khó, và cái chính là với đề tài này khi tốt nghiệp rất khó xin việc. Thông thường, dễ ăn nhất là những luận văn có đề tài kiểu như Tính chiến đấu trong thơ Tố Hữu…, hay Thử bàn về phương pháp lãng mạn cách mạng trong thơ ca kháng chiến…Vừa nhiều tài liệu, vừa dễ được điểm cao.

Nghe các bạn bàn tán, góp ý, Quốc chỉ im lặng. Anh biết rằng mình chọn đề tài này đã là khác người, nếu còn nói thêm chọn nó vì một kỉ niệm, chắc sẽ bị gán cho cái “tội” dở hơi.

Vậy mà sự thật là bên cạnh tình yêu với nhà viết kịch vĩ đại của nước Anh thời đại Phục Hưng, anh chọn đề tài này còn vì một kỉ niệm riêng.

*****
Quảng Trị, những ngày giữa tháng Bảy năm 1972. Những trận đánh ngăn đối phương tái chiếm Thành Cổ đang diễn ra khốc liệt. Lăn lộn hằng đêm trên bến phà trọng điểm, Quốc cùng đồng đội biết về sự khốc liệt đó qua những đoàn quân đi vào và những đoàn tải thương từ phía trong ra. Đêm nào cũng có những đoàn tân binh bổ sung cho mặt trận đi qua bến phà dã chiến của đơn vị anh nối hai bờ sông Cam Lộ. Thường thì đám bộ binh vừa qua phà là trời cũng tang tảng sáng. Họ dừng chân ở hậu cứ của các đơn vị đóng tại vùng này, trong đó có đại đội công binh của Quốc để chập tối hôm sau đi tiếp vào Thành Cổ. Cứ mỗi hầm chữ A kiên cố của cánh công binh đón một người lính bộ binh trú tạm. Đám lính bộ binh từ ngoài vào mang theo những tin tức từ miền Bắc hậu phương. Họ hay chia cho cánh lính chủ nhà đã từ lâu phải hút thứ “thuốc bọ” nặng nghét dăm điếu Điện Biên, Tam Đảo, gói thuốc lào Vĩnh Bảo… tiêu chuẩn bồi dưỡng trước khi vào chiến trường. Đó là những phút vui vẻ hiếm hoi đời lính chiến trận. Vui nhất là anh nào gặp được đồng hương. Nhất hạng là đồng hương xã, huyện, không thì đồng hương tỉnh cũng quý. Nhất định là phải kéo bằng được về hầm mình để hỏi chuyện quê nhà.

Hôm ấy Quốc gặp may. Khi vừa thắt nút chão cuối cùng để dấu phao thuyền dưới tán lá xanh mướt một gốc sung già, che mắt bọn OV 10 suốt ngày lượn vè vè như những con nhặng to xác, anh nghe tiếng A trưởng gọi:

- Quốc đâu, lên đón đồng hương này!

Có một chút ngỡ ngàng khi thấy người lính bộ binh cùng quê Hà Nội. Đứng trên bậc cửa căn hầm thùng là một người cứng tuổi, vóc nhỏ thó như càng nhỏ hơn dưới sức nặng của chiếc ba lô con cóc, cùng chiếc nồi quân dụng to kềnh. Anh có gương mặt thật hiền, với cặp kính cận lấp lóa trong những tia nắng đầu tiên của một ngày hè Quảng Trị. So với đám lính hầu hết mới trong ngoài hai mươi, anh có phần lạc lõng. Nhìn bộ quân phục Tô Châu còn khá mới, Quốc bật hỏi:

- Anh mới nhập ngũ ạ?

- Đợt này lấy tất. Cả sinh viên các trường đại học, cán bộ các viện nghiên cứu. Ai đủ sức khỏe, nhất là gia đình chưa có người trong quân ngũ là lên đường.

Như đọc được suy nghĩ của Quốc, người lính bộ binh nói tiếp:

- Nhà anh chưa có ai đi. Anh đi cho thằng em ở nhà thi vào đại học. Nó học rất khá, mẹ anh mong nó sẽ đủ điểm đi học nước ngoài…

Phát là một Phó tiến sĩ ngành Sinh học, làm nghiên cứu sinh ở Bungari. Anh mới về nước, dự định sẽ về nhận công tác tại Viện Pa-xtơ Hà Nội. Anh mong ước sẽ nghiên cứu để sản xuất được những loại vắc xin phòng chống các căn bệnh mà khi ấy Việt Nam vẫn còn phải mua bằng ngoại tệ. Chiến dịch Quảng Trị mở màn, lệnh động viên cục bộ được ban bố, anh lên đường với mong muốn cậu em út được tiếp tục con đường đèn sách.

Đưa cho Quốc điếu Điện Biên, tự châm cho mình một điếu, Phát nói trong làn khói thuốc mỏng manh:

- Nhà anh ở cuối phố Thợ Nhuộm. Ngày anh đi, bằng lăng đã nở hoa rồi...

Câu chuyện của Phát gợi nỗi nhớ trong Quốc về con phố Trần Hưng Đạo rợp bóng hàng sấu già. Anh nói với Phát mà như nói với chính mình:

- Hết phố nhà anh là đến phố em. Lúc anh rời Hà Nội, chắc hoa sấu cũng đang nở. Hồi còn ở nhà, vào cữ ấy em thích dậy thật sớm, ra ngoài phố ngắm thảm hoa sấu rụng trắng hè đường, hít thật sâu để cảm nhận làn hương ngọt dịu, tinh khiết. Đã lắm anh ơi…

Ai đã từng gặp một người cùng quê trong cảnh chiến trường, lại có thể chia sẻ cùng nhau như Quốc và Phát mới hiểu những giây phút ấy quý giá đến mức nào. Vài ba lần, Quốc giục Phát chợp mắt lấy sức tối hành quân mà câu chuyện vẫn không dứt.

Là người làm khoa học Phát cũng lại rất mê văn chương. Khi biết Quốc là một học sinh giỏi văn của Hà Nội anh lại càng thấy quý cậu lính trẻ trạc tuổi em mình. Khi nhập ngũ, Phát mang theo khá nhiều sách. Vào đến đây chỉ còn một cuốn mà anh rất thích đó là cuốn kịch Sếch- xpia. Anh bảo, trên đường hành quân vào đây, mỗi ngày dù mệt tưởng muốn gục ngã, anh vẫn dành ít phút giở đọc một trang bất kì, như một cách để có niềm tin vượt lên những khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy của đời lính chiến trường. Cho đến lúc ấy, Quốc mới chỉ biết đến các tác phẩm của Sếch-xpia qua sách giáo khoa môn Văn, nhưng anh lờ mờ hiểu được giá trị của nó qua chia sẻ của Phát, người hơn hẳn anh về học vấn và sự từng trải cùng lòng yêu thương. Quốc cứ rưng rưng khi biết Phát xung phong đi bộ đội để em trai, người cùng trang lứa với anh, tiếp tục được đi học.

Chiều ấy, khi chia tay, Phát đưa cho Quốc cuốn tuyển tập kịch Sếch-xpia mà anh mang theo suốt con đường ra trận: Em cầm lấy mà đọc. Cầu mong em trở về, vào được Khoa Văn Đại học Tổng hợp mà em mong ước…

Không hiểu sao lúc nhìn cái dáng còng xuống vì chiếc ba lô to đùng của Phát hòa vào đội hình hành quân của những người lính bộ binh trong ráng chiều nhập nhoạng, Quốc lại tự nhủ với mình mà như một lời hứa với người đồng hương vừa gặp mà đã trở nên thân thiết: Nếu còn sống trở về, được vào học khoa Văn Tổng hợp, nhất định sẽ nghiên cứu về Sếch-xpia…

Phát đi được một lúc, Quốc mới chợt nhớ ra: Hai anh em nói với nhau bao nhiêu là chuyện, mà chẳng cho nhau địa chỉ ở Hà Nội. Chỉ biết nhà anh ở phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm…

Từ bữa đó, mỗi khi có chuyến xe trở thương binh qua phà, Quốc hay để ý xem có thấy Phát.

Hơn một tháng sau ngày tiễn Phát vào Thành Cổ, tiểu đội công binh của Quốc cũng tan đàn sẻ nghé khi hứng trọn hai quả “ dính cánh” trong một trận B52. Những ngày điều trị ở Viện quân y 301 Quốc mới có cơ hội đọc cuốn sách mà Phát để lại, may mắn thay vẫn còn nằm dưới đáy ba lô cùng cuốn sổ ghi nhật kí có bìa màu xanh mà cô bạn cùng lớp tặng trước ngày nhập ngũ. Những đoạn độc thoại của chàng hoàng tử nước Đan Mạch đọc trong ánh đèn dầu đỏ quạch, dưới căn hầm đào sâu trong lòng đất đỏ Cam Chính đã gợi lên trong anh lính trẻ suy nghĩ đầu tiên về vẻ đẹp của những hành động cao cả, về phẩm giá, lẽ sống của con người. Những lúc ấy, Quốc lại càng mong gặp lại Phát. Khi đã có thể nhúc nhắc, Quốc lân la dò hỏi xem có thương binh nào tên là Phát, người Hà Nội. Vậy mà cho đến khi được chuyển ra Bắc, anh vẫn không gặp lại người đồng hương mà anh đã thầm coi như một người anh.

*****
Cuộc đời có những cuộc gặp gỡ kì lạ, chỉ ngắn ngủi nhưng để lại vết khắc sâu đậm trong cuộc đời mỗi người. Lời cầu mong của Phát buổi hai anh em chia tay đã linh nghiệm. Quốc đã về và thi đậu vào khoa Văn mà anh mong ước. Anh cũng đã thực hiện lời hứa thầm hôm nào. Luận văn tốt nghiệp của anh viết về vẻ đẹp bi tráng đầy tính nhân văn cao cả của những nhân vật trong tác phẩm của đại văn hào nước Anh thế kỉ XVI.

Ngày Quốc bảo vệ luận văn tốt nghiệp bằng lăng cũng nở hoa tím ngát trên những con phố Hà Nội. Hôm ấy, từ khu Mễ Trì, anh rủ cô bạn gái học Cello bên trường Nhạc đạp xe về phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Đến đấy, họ dắt xe đi bộ dưới bóng mát của rặng bằng lăng đang trổ những vầng hoa tím màu kí ức. Đi và Quốc cứ thầm mong, cái dáng hơi còng cùng gương mặt hiền hậu lấp lóa đôi tròng kính cận của Phát sẽ chợt hiện ra ở một chiếc cổng nào đó…

Có lần Quốc đã tưởng gặp được Phát. Đó là dịp vở Vua Lia được công diễn ở Nhà hát Lớn. Khi cùng vợ, cô sinh viên trường Nhạc ngày nào bước vào dãy ghế lô, anh chợt giật mình bởi một dáng người hơi còng cùng đôi kính trắng. Quốc bật gọi tên Phát để rồi thất vọng vì mình đã nhầm…

*****
Đã mấy chục năm. Từ cậu học trò mới lớn lần đầu biết đến những vần thơ của Sếch- xpia trong sự khốc liệt của cuộc chiến trở thành một người đàn ông từng trải, Quốc vẫn đau đáu nhớ về cái ngày hè Quảng Trị ấy, khi hai anh em ngồi tâm tình trên chiếc võng mắc trong hầm thùng của tiểu đội công binh cầu phà bên dòng Cam Lộ. Không gặp lại Phát ở Hà Nội, Quốc lại nuôi hi vọng: Biết đâu sau khi hòa bình, như nhiều người lính khác, Phát gắn bó với một mảnh đất phương Nam. Biết đâu, anh đã là một cán bộ nghiên cứu của Viện Pa-xtơ Nha Trang hay TP Hồ Chí Minh. Nghĩ vậy nhưng Quốc luôn nén cái ý định tìm đến những nơi đó như có lần tìm đến Viện Pa-xtơ Hà Nội với mong muốn gặp Phát. Anh sợ, sợ rằng sẽ mất đi cái niềm tin rằng một người như Phát không thể nào chết. Tin rằng sẽ một lúc nào đó, trên con phố phủ tán bằng lăng xanh mát, anh sẽ gặp Phát với nụ cười thật hiền cùng cặp kính cận dấu đôi mắt như biết nói.

Lại một mùa bằng lăng nở tím...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần