Truyện ngắn: Bệnh lạ

Nguyễn Xuân Hòa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lần trước, mấy thằng bạn từ thời trẻ trâu rủ nhau về thăm thằng Sự. Bạn bè thời cấp I thường ít dịp gặp nhau, có khi quên hẳn.

Sự lấy vợ sớm, hình như lúc tôi học chuyên nghiệp năm thứ hai. Thằng Soi lấy xe chở anh em. Nó bảo, về thăm thằng Sự không mấy tháng nữa mà nó chết, tao đang ở nước ngoài rồi. Cũng chả rõ bệnh gì, chỉ thấy cái bụng căng như cái thúng lại vừa rắn. Gõ vào như gõ trống da, có lúc không gõ vẫn có tiếng bùng bục, da vừa vàng vừa xanh, chỗ lại đen sạm. Ở làng, người ta cứ thì thào: “Bệnh viện trả về rồi! Bệnh gì bệnh ma bệnh quỷ”. Nghe ghê quá. Thời bé thì còi cọc suy dinh dưỡng. Bây giờ ăn nhiều vào thì bụng to. Trông chẳng khác “chân tăm cắm dái mít”. Đi khám mãi không ra bệnh, người bảo u gan, người bảo tại lá lách, nơi bảo vừa thận vừa dạ dày. Kinh thật, mới gần bốn mươi tuổi, kinh tế gọi là hơi ổn ổn, vừa làm được cái nhà thì đổ bệnh. Hay là tại hạn làm nhà. Nhiều người cũng thế, lao tâm lao lực, vay mượn nợ nần, không hạn cũng phát ốm. Bà ngoại thì bảo phải cúng, nghe đâu động thổ và đổ mái không xem ngày giờ cẩn thận. Rõ là chưa phú quý đã sinh lắm lễ nghĩa.
 
Người nay cứ bảo, ngày xưa đói khổ thì ít bệnh. Giờ sao mà lắm ung thư đến thế. Người nhà quê vào viện khác gì mang tiền đốt nấu cháo. Tấn thóc đi tong nhẹ như lông hồng. Dắt díu nhau cơm đùm cơm nắm vật vạ trên thành phố, cầm một đống phim ảnh, thuốc, giấy tờ… về chả biết ăn thua gì không. Chụp cái xi ti với cộng hưởng từ đã đống tiền rồi lại còn vạn thứ xét nghiệm nghiệm. Dân mình thích nhất là chóng khỏi nên có những người kê cho toàn thuốc giảm đau với ít vitamin. Cái anh giảm đau như con dao hai lưỡi. Uống vào cứ như khỏi ngay, thế mới sợ. Lại làm hùng hục, lại tiết kiệm tiền, lại đi khám bệnh. Toàn để nước đến cổ mới nhảy, sao kịp. Thế nên, lúc phát hiện bệnh rồi thì bị “trả về” cũng không kêu ai được. Người nhà còn được dặn về “thích ăn gì thì cho ăn”. Ấy thế nhưng thỉnh thoảng có người được viện “trả về” lại vớ được ông bà lang dân tộc có vài bài thuốc lá gia truyền lại khỏi như có phép tiên vậy. Hư hư thực thực, một đồn mười, mười đồn trăm, thế là ối người lại hy vọng, lại đổ đi tìm một vị “bồ tát” cứu độ nào đó để mong cơ hội sống. Hòa Bình, Yên Bái, Cao Bằng cũng đi, thuốc có trộn mật cá mè cũng phải uống. Đến ăn giun sống hay uống nước giải mà khỏi bệnh thì cũng phải theo chứ biết thế nào…

Sự mấy năm vừa rồi xoay ra bán quán ăn ở quê. Thời này làm hàng ăn thuận hơn. Dân có đồng ra đồng vào, ít chịu. Ngày trước nhiều quán cháo lòng tiết canh phải bán xới sớm. Ở đời, khó đòi nhất là cái nợ mồm. Thực phẩm bây giờ nhiều nơi ê hề. Cỗ bàn bày ra lại bưng đi già nửa. Chả bù cho ngày trẻ con, thằng Sự háu đói khủng khiếp…
*****

Hồi đó, chúng tôi đứa nào cũng thiếu cơm, thèm ăn vô cùng. Cái bụng rỗng sôi rào rào, cái mồm chóp chép chọp chẹp, mắt thì láo liên soi mói. Ngày giáp hạt, nhiều nhà vắng mùi cơm trong khói bếp. Có lần mẹ tôi dặn đổ nước vào nồi chờ mẹ đi vay gạo. Tôi rút rơm mang vào bếp đun đến gần cạn nước mà chưa thấy mẹ đâu. Mắt mờ vì khói, tôi ngã cả vào đống tro than đen nhẻm. Mãi mới thấy mẹ mang về một rá khoai lang. Mà khoai lang nhiều khi cũng hiếm. Có hôm đi học về, đói quá, vác cuốc chạy khắp vườn, mắt dán vào những mầm xanh mới nhú. Dưới mặt đất ẩm và xốp kia, biết đâu bên dưới cái mầm nào đó là một mẩu khoai còn sót lại của vụ trước đang trồi lên dưới ánh mặt trời. Cuốc lên, tóm được, rửa vội và cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Ôi! Cái vị tuyệt ngon ngọt của khoai sống mọc mầm chẳng bao giờ quên được, ngon hơn bao đặc sản nhà hàng sau này được nếm qua. Các bạn tôi cùng chia cho nhau đủ thứ trần đời: lá nhãn non, lá cúc tần, lá dứa dại non chấm muối, đài hoa gạo, quả ô rô, quả bàng,… bao nhiêu thứ đã qua những cái bụng lép kẹp để chờ những chiêm mùa dài đằng đẵng. Cảm ơn những bờ rào bờ giậu, vườn ruộng đồng quê góp phần cho trẻ con quà vặt. Thằn lằn, cào cào, châu chấu nướng là đại tiệc.

Sáng sớm, nhịn đói, chân trần bấm trên đường trơn như đổ mỡ, có đứa mang được mấy nắm ngô rang bèn chia nhau từng hạt. Có lần đi qua ruộng lúa, đòng đòng đang lên lấp ló, bọn học trò ngó quanh rồi đưa tay rút phụt. Bỏ vào miệng, nhấm nháp cái vị lúa non đầy thú vị nhưng cũng có lần chưa kịp nuốt thì bị ăn những cái tát như trời giáng đến chảy máu mồm.

Chẳng ai khác, chính là thằng Sự từng bị một trận đòn như đòn thù. Sự đi học về, đói quá, đi qua ruộng cà, nó lao vù xuống vặt vội vàng được vài quả. Quả nhét vào mồm, quả cầm tay thì chủ ruộng đang phun thuốc sâu ở cạnh đó nhìn thấy. Ông ta bỏ bình xuống, vừa chửi vừa đuổi theo. Người này tôi quen mặt, có một nốt ruồi to ở mép, đã từng hành hạ con gái mình rất ghê. Đi học qua thấy ông bố đánh con, hồi ấy trẻ con bị đánh nhiều lắm nhưng lão đánh kiểu rất lạ. Thằng Soi gần nhà ông ta giải thích. Con bé thương tình cho một người ăn mày củ sắn của nhà. Bố nó về đếm thấy thiếu, nó khóc mếu thú nhận. Lão ta bắt đứa con gái tám tuổi xuống ao gánh nước. Con bé nước mắt lưng tròng, liêu xiêu xách cái thùng đổ lên đổ xuống dưới trận mưa roi dâu của bố. Roi dâu thì buốt vô cùng…

Sự cũng kiên cường, chạy được một đoạn rất xa mới bị tóm. Ông ta thụi những quả đấm chí tử vào bụng Sự. Bộ mặt dữ tợn và méo mó, vừa đấm vừa văng tục và rủa những câu độc địa. Chúng tôi quá nhỏ và khiếp nhược, chẳng biết làm gì để bênh vực Sự. Mỗi lần cánh tay như thiên lôi vung lên, Sự hự một tiếng, lảo đảo, mặt tái dại. Nước dãi lẫn hạt cà trào ra nơi khóe miệng. Đến trẻ con cũng biết đấm vào bụng là đòn quá thâm, chẳng để lại dấu vết ngoài da nhưng có thể “chảy máu trong” rất nguy hiểm. Sau hôm đó, Sự nghỉ học một tuần, chẳng ai để ý. Sau hắn lại xuất hiện, ăn trộm quả dâu chín, bị bảo vệ đuổi ba vòng xung quanh trường, lúc đó tôi tin là Sự đã hồi phục. Cuối năm, có chương trình gì của trạm xá vào cho học sinh uống thuốc tẩy giun. Hôm sau, Sự khoe được hơn trăm con.
*****

Sự thành chủ quán cũng chẳng có gì lạ, đời hắn cứ gắn với miếng ăn. Suốt ngày lọ mọ thui nướng, băm chặt, xào xáo. Đứng gần khen khét mùi mỡ bám lâu ngày, tắm gội làm sao cũng không hết. Tối hắn đi đâu chó sủa theo từ đầu đến cuối làng. Đôi khi quán nhà để vợ trông, hắn đi làm cỗ thuê. Chả học ai mà chế biến cũng tài, làm con lợn, con chó nhoay nhoáy. Vật con thú chọc tiết gọn lỏn, hứng ra chậu. Một tay vừa dội nước sôi vừa cạo lông. Pha thịt ra thịt, xương ra xương, lòng ra lòng, chia đầu việc cho các tốp làm. Đi thiên hạ còn bị kích. Có lần, sau khi thịt con lợn một tạ, hắn đánh trăm hai mươi bát tiết canh cho cỗ hôm “bắc rạp” không bát nào hỏng làm gia chủ và họ hàng phải bái phục. Lúc nhắm hắn cũng nhiệt tình chẳng kém. Quán ở quê, vừa bán vừa phải giao lưu với khách. Đang bưng bê khách cũng gọi “làm tí”. Hắn lại hề hề đi ra mặc cho vợ lườm nguýt. Bình quân mỗi tối Sự cũng “làm” hết nửa lít trong số rượu của khách, chưa kể đêm hắn lại làm thêm vài chén rượu ngâm các thứ hầm bà lằng. Cũng thành quen. Khách đông nhất lúc ăn sáng và ăn đêm. Sáng ra đắt hàng nhất là cháo lòng với bún chả, tối thì các món lai rai nào đuôi, nào sách, nầm, tim cật và các món hắn sưu tầm của bọn đi kiếm, như rắn, ếch, ba ba. Sau một ngày làm việc, thực khách cũng muốn tích thêm chất bổ rồi khật khưỡng ra về. Những hôm “hàng” còn đọng, hắn đem nhắm nốt. Sau này, nghe bác sĩ bảo: “Sáng ăn cho mình, trưa ăn cho bạn, tối ăn cho kẻ thù”. Sự mới giật mình…
*****

Hôm nay, có việc về quê, tôi tạt qua nhà Sự xem thế nào. Nghe đâu hắn gặp thầy gặp thuốc nên có đơ đỡ. Nửa năm rồi không gặp, gia cảnh hắn cũng đổi thay. Quán đã đóng cửa vì ốm chứ không phải mất khách, nhiều dân nhậu nuối tiếc Sự làm ngon mà đầy đặn, không chặt chém ai bao giờ, tính tình lại xởi lởi. Cái nhà hắn làm xong vẫn chưa kịp sơn. Thật bất ngờ, tôi gọi thì thấy tiếng Sự thưa ngoài vườn. Hắn đã có thể ra vườn trồng rau, trồng chuối, trông gầy nhưng nhanh nhẹn.

Hắn kể, chả thầy bà gì ông ạ. Tôi đi gần chục viện, mất toi năm mươi triệu. Về nhà lại nằm mấy tháng ròng, uống thuốc Đông Tây Nam Bắc đủ cả. Sau đó vợ còn giấu tôi đi cúng lễ mấy khóa, đúng là "Đông Tây y kết hợp với cúng”, thế mà không ăn thua, tưởng đi tong rồi. Tôi dặn vợ, anh chết thì em cho đi “hóa thân hoàn vũ - dịch vụ không mong muốn” chứ uống nhiều thuốc thế này mà chôn chắc ba năm chẳng tiêu được đâu. Đào lên lại phải róc xương thì mệt lắm. Thiêu người ta đang khuyến khích đấy, em cũng đỡ được dăm triệu. Vợ ôm tôi khóc, bảo em không muốn anh chết. Tôi bảo, khóc gì mà khóc, ai chả một lần chết. Nướng lên cho nó “hoành”. Đỡ “thay áo” thay iếc gì cho mệt. Vợ cứ mang trứng gà, cá quả, tim gan bầu dục về bắt ăn. Tôi ăn được một vài bữa ngán tận cổ. Nạp vào chẳng tiêu được, bụng ngày càng to và rắn. Nằm một mình, buồn quá, muốn chết đi cho rảnh nợ. Chợt nhớ con chó ốm mấy hôm. Từ ngày không làm hàng ăn mới nuôi được nó chứ trước nuôi con nào cũng bỏ đi mất cả. Con chó ốm không ăn gì vậy mà nó tươi tỉnh dần rồi khỏe. Tôi bụng bảo dạ, từ hôm nay quyết không ăn, chỉ uống nước lã, chẳng uống viên thuốc nào nữa. Đằng nào cũng chết rồi, đếch sợ! Vợ tôi cứ vật vã ép ăn, tôi cũng một mực không. Ai ngờ sau một ngày thì mệt mỏi, ngứa ngáy, bứt rứt, ba ngày thì ngủ ngon hơn. Sau năm ngày thì đi đại tiểu tiện như tháo cống, nói vô phép, mùi kinh khủng. Tống ra được bao nhiêu là chất độc. Cứ như thế càng nhịn thì bụng càng nhỏ lại và mềm dần, người nhẹ nhàng như đi vào thế giới khác. Đêm ngủ toàn mơ về thời nhỏ chạy trên đồng chăn trâu thổi sáo, đuổi châu chấu, cào cào, đi mót lúa, rồi đốt rơm nướng khoai ngon lành vui vẻ vô cùng. Rồi mơ thấy lớn dần lên, biết thích con gái, biết đi hỏi vợ... Sau ba tuần gầy mất hơn chục cân, tôi thấy lại yếu đi. À thì ra cái kho dự trữ đã cạn, mình đã “ăn” vào những cái dư thừa của cơ thể rồi nên giờ là đến lúc phải nạp lại.

Chợt hơi hoảng, lỡ bây giờ ăn no vào thì có thể bội thực mà chết. Vậy là bảo vợ cho bát nước cơm với vài hạt muối uống thử. Trời ơi! Ngon vô cùng, vào đến đâu biết đến đấy. Xong, thấy cái bụng êm êm rồi lại sôi sôi, nó đã được đánh thức trở lại, thế là ăn cháo loãng mấy bữa rồi chuyển sang cháo đặc. Nửa tháng sau thì mới dám ăn bát cơm tẻ nóng. Thế đấy ông ạ. Cuộc đời có kỳ lạ không. Đói khát thì không chết mà ăn uống vô độ thì lại đẩy mình vào cửa tử. Ông có nhớ ngày xưa chúng mình chia nhau từng hạt ngô, củ khoai, tôi lại ước ao thời gian quay trở lại…

Vợ Sự tủm tỉm:

- Anh thấy nhà em bây giờ có khác không. Từ hồi ốm đâm ra lãng mạn, vào viện còn làm thơ. Cái gì nhỉ: “Em/gầy xanh dịu dàng/loét bờ cong nhỏ/anh/mắt đỏ, da vàng nằm thở/mơ ngày hết khối u…” Hi hi. Đời thủa nhà ai, vào viện còn muốn tìm tòi xem căng tin bệnh viện họ nấu kiểu gì. Rồi đề xuất phương án hạ giá thành suất cơm bệnh viện.

Tôi cũng bật cười:

- Đúng là bệnh nghề nghiệp, ông vẫn không thoát khỏi nghiệp ăn uống nó ám ảnh. Nhưng được thế này là quá ngon rồi. Ông là một nhân chứng của “phương pháp nhịn ăn bất đắc dĩ” để chữa bệnh. Chân thành chúc mừng! Phải làm một bữa ăn mừng khỏi bệnh, ông ạ!

Sự xua tay:

- Chưa nói trước được gì. Ngày mai tôi phải đi kiểm tra lại sức khỏe trên viện. Với lại, bây giờ tôi muốn yên tĩnh, tránh xa rượu thịt một thời gian đã...

Tôi cười:

- Ha ha! Đùa ông chút thôi. Chưa "rửa tay âu vàng" được đâu. À này, nếu mai đi khám, tiện đường tôi chở đi cho…

Sự chưa kịp trả lời thì vợ te tái báo:

- Anh ơi! Ông ngoại đến thăm, mang cho bao nhiêu hoa quả vườn nhà đây này, "con dê của cụ" sướng nhá!

Có tiếng người sang sảng vọng vào:

- Bác Sự mai định đi ô tô hay xe máy, hả? Có ai đưa đi chửa?

Sự lập cập:

- Con... con chào ông! Con mời ông vào uống nước ạ!

Tôi nhìn ra. Ôi! Đã gần ba mươi năm, ông ấy già đi rất nhiều nhưng tôi không thể nào quên cái nốt ruồi to trên mép phải. Rồi tôi lại trân trân nhìn vợ Sự. Cô bé năm nào cho người ăn mày củ sắn đây ư?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần