Truyện ngắn: Con mèo nhỏ

Đinh Thùy Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học thứ nhất em cắt tóc tém, đôi khi lại để bù xù, khuôn mặt rất câng. Nhìn bề ngoài có vẻ khó ai bắt nạt được, nhưng bên trong, lòng rất mềm.

Cũng năm thứ nhất, em bị tình phụ. Mùa Đông, em gầy rộc, ho như con mèo hen. Bạn bè vẫn bảo em là con mèo hen, nay hình ảnh đó càng giống. Em chỉ cười, nhưng thấy chán đời, hận gã người yêu giăng bẫy “ngọt ngào”. Em “dính” bầu, phải nạo. Cự cay cú lên tột đỉnh khi hắn hèn hạ giũ áo ra đi. Thành phố thì đông, đường thì tấp nập mà chân em yếu. Biết tìm tình yêu ở đâu bây giờ?
 Minh họa: Mỹ Văn
Độ đó em cũng hay hát “giã từ, giã từ dĩ vãng qua đi trong mơ...”. Hay nổi hứng lại hát “Tóc em đuôi gà”. Nghe mà như mếu, như đau.

Gặp em khi tôi năm cuối, em năm thứ ba. Vết thương tình cũ chưa lành, ánh mắt và trái tim em như lạc lõng cô đơn trước biển người. Rồi hình như có tín hiệu cần một bờ vai. Tôi đủ nhạy cảm để nhận ra điều đó. Em để tóc buông vai, không cắt ngắn nữa. Cái cười cũng bớt tinh nghịch hơn. Hai đứa đến với nhau như một sự lắp ghép của mùa Xuân. Mà đúng, đó là một trong những mùa Xuân nguyên lành của tuổi trẻ. Chúng tôi đi chợ hoa Quảng Bá, Hàng Lược... và sắm sang đủ thứ lặt vặt. Tình yêu nảy nở khi cánh én vắt ngang bầu trời. Lời tỏ tình của tôi được thốt ra trong quán cà phê Quyên Nhớ. Nghe lạ và bùi tai đấy chứ! Lúc đó em cười bằng ánh mắt:

- Anh chân thành với em chứ?!

Đó có thể là một câu hỏi nghi hoặc, cũng có thể bắt tôi phải khẳng định tình yêu của mình. Không thể khóa em bằng nụ hôn lúc này, nhưng tim tôi thổn thức, muốn chứng tỏ.

- Ừ, Như ạ, tình yêu của anh là chân thành. Có mùa Xuân làm chứng, em yên tâm.

Nụ môi hồng xinh của em lúc đó như mọng hơn, nhìn tôi rồi bẽn lẽn quay đi. Tay nâng cốc Lipton. Chúng tôi ngồi sát nhau hơn, cảm thấy hơi ấm từ lòng nhau phả ra.

- Em tin anh chứ, con mèo hen? - Tôi hỏi.

Như gật đầu, một nụ cười thật tươi nở ra. Lâu lắm tôi mới thấy một nụ cười thoải mái đến thế.

***

Tình yêu sưởi ấm trái tim xa nhà. Mùa Xuân làm chúng tôi đẹp hơn trong mắt nhau và những buổi chơi Xuân cũng đã nuôi nấng cho tình yêu lớn từng ngày. Một hôm em mang về phòng tôi một con mèo nhỏ. Nó là món quà của năm mới em tặng tôi.

- Tặng anh đấy, để nuôi cho vui. Khi em đến, coi như có ba người, thêm vui.

- Có anh còn chưa đủ vui hay sao? - Tôi hỏi.

- Em vẫn muốn có nó. Anh chăm sóc nó tử tế nhé, không là em xử lý đấy!

Hai đứa nấu mì tôm cùng ăn. Vị cay xoắn lưỡi. Nhìn điệu bộ em cuộn tròn ở một góc, sau khi đánh chén hết bát mỳ, tôi phì cười:

- Em giống như chú mèo con ấy. Bạn em gọi em là mèo con cũng đúng thôi. Nay em mua mèo về, anh so sánh thì thấy chẳng khác chút nào.

Em đấm vào người tôi thùm thụp.

“Con mèo nhỏ” của tôi ở một vùng quê nghèo, tuy thế em là con một, nên cũng được cưng chiều. Hai đứa đưa nhau về quê chơi. Quê em vào quê tôi cách nhau chục cây số nhưng khá tiện đường. Khi về nhà tôi, mẹ tôi thấy rất ưng em. Điệu bộ nhí nhảnh, chân thật ấy làm bà mến. Em yêu gốc khế và những cây bưởi trong vườn nhà tôi. Con gái mà, chúa thích ăn vặt.

Tôi ra trường, em năm cuối. Tôi xin được việc làm một cách thuận lợi. Tình cảm đôi bên khăng khít. Chúng tôi cùng chăm cho con mèo nhỏ và nó đã lớn lên nhiều, rất ngoan và rất khôn. Em vẫn vuốt ve, hôn lên bộ lông đáng yêu của nó, rồi nói chuyện như chị nói với em. Những lúc đó, tôi phát phì cười. Sao lại có người thích mèo đến thế! Tôi đùa:

- Sẽ có lúc em quên anh và chỉ nhớ đến con mèo này mất thôi.

- Anh nói sao đúng thế! - Em nhí nhảnh. Bao giờ em cũng có cách nhí nhảnh châng lâng của một cô gái thích tỏ ra kiêu kỳ.

***

Một mùa Đông nữa đi qua, rồi em ra trường. Con mèo nhỏ của tôi vẫn thi thoảng ho như thế. Còn con mèo bé nhỏ có sự chăm chút của cả hai giờ đã có bước đi oai phong, bệ vệ. Tôi đề nghị em mang mèo về quê, để mèo giúp gia đình bắt chuột. Em nói muốn để nó sống bên mình cho vui. Và em đã mua rất nhiều đồ ăn cho chú ta, mùa Đông vừa rồi, em tự tay thêu một chiếc áo rất ấm cho chú mèo. Nó mặc vào xinh xắn, không thể nào chê.

Em ra trường, ước mơ khó thành hiện thực. Thi vào được đại học, sau mấy năm học, có xin được việc không là điều cực khó với sinh viên tỉnh lẻ. Em ước mơ nhiều và hy vọng sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được việc tử tế. Nhưng chuyện không đơn giản như vậy. Bố mẹ em ở quê, sẽ chẳng giúp được gì trong chuyện này. Chúng tôi đôn đáo đi tìm việc, rồi phải mấy lần nộp “tiền ngu” cho Trung tâm giới thiệu việc làm. Sau chúng tôi liên hệ được với một công ty đăng tin tuyển người qua mạng. Em được nhận, công việc khá vất vả, lương khởi điểm bằng nửa tháng thuê nhà của tôi.

Được hai tháng thử sức, em chán, xin nghỉ. Lại đôn đáo, nôn nao tìm việc. Một tuần sau, em đi phỏng vấn ở một công ty kinh doanh băng vệ sinh. Lương khá nhưng phải đi xa. Đường dẫn đến công ty lại tắc, khói bụi mù mịt. Làm được hai hôm thì hôm sau em bị ngã xe, trầy xước chân tay.

Tôi bảo “con mèo nhỏ” hãy tìm công việc khác tiện đường hơn, đi lại dễ dàng hơn. Khỏi bị thương, lại đôn đáo đi tìm. Công ty tôi làm không tuyển nữa, các mối quan hệ cũng khó giúp bản thân, làm sao giúp được bạn gái tôi. Em tìm được công việc là làm ở một Trung tâm giới thiệu việc làm. Cũng đi liên hệ, đăng báo, đưa tin lên mạng rồi uốn lưỡi để những người khát việc móc ví nộp tiền. Công việc này chủ dễ kiếm tiền, nhưng bạn tôi thấy nó bạc. Chỉ là một hình thức bóc lột. Em lại bàn với tôi, nghỉ kiếm việc khác. Tôi gật đầu.

Sang tháng thứ hai, em đã đôn đáo và đi xin vào làm ở gần chục công ty, doanh nghiệp, cơ sở. Tất cả đều không hợp với em, đều làm em thấy bức bí, khó chịu. Đều làm em cảm thấy kiếm được miếng ăn của thiên hạ thật là nhục nhã. Trước đây chỉ chìa tay xin tiền bố mẹ, bố mẹ chiều, cho luôn, không thắc mắc. Em chẳng phải nghĩ đến chuyện đói khát bao giờ. Nhưng lúc này, em thấy bế tắc, áp lực, thấy đời mình lận đận, truân chuyên, thấy sự mưu sinh ở phố khó khăn đến ngộp thở.

Em than với tôi, em khóc với con mèo. Nước mắt thấm ướt bộ lông trắng tơi bồng của nó. Tôi động viên, em thôi khóc, mím môi quyết tâm:

- Em sẽ lại đi tìm việc.

Tôi gọi điện đi nhiều cửa, nhiều mối quan hệ mới, nhưng chẳng đâu giúp được bạn gái tôi. Chúng tôi không thể cưới nhau nếu em không có việc làm. Điều đó sẽ là một áp lực, gây ức chế và có thể dẫn đến stress.

- Em đi học gội đầu anh nhá? - Em hỏi tôi.

Tôi lắc đầu:

- Nghề đó có vẻ không trong sạch.

Em thấy rùng mình. Đúng rồi, em từng nghĩ thế và từng nói thế.

Một hôm khác em lại hỏi:

- Bạn em nó rủ đi nhậu thuê. Một nghề mới phát triển ở thành phố này, em đi được không? Đi được thì em tập uống rượu, bia?

Tôi la oai oái. Trời ơi, cái nghề quái quỷ gì thế. Tôi tìm đọc báo, thấy nhậu thuê là một nghề thật. Vừa đọc tôi vừa toát mồ hôi kinh hãi. Tôi đưa em đọc. Xong, em khóc thét lên:

- Ôi, nhục quá. Sao con gái lại đi làm cái nghề này, để rồi sa ngã cơ chứ??

Tôi ôm em vào lòng. Em bé bỏng khóc trong lòng tôi.

- Vậy em hết cách sao anh? Em tuyệt vọng rồi. ở đây không có chỗ nào cho em dung thân sao anh?

Tôi khuyên:

- Em bình tĩnh, đừng tuyệt vọng như thế. Vẫn còn có anh cơ mà. Chúng ta sẽ kiên trì tìm kiếm, chờ đợi cơ hội.

***

Em vắng nhà thường xuyên và không đến với tôi và con mèo nữa. Em không còn thời gian dành cho việc ôm ấp con mèo. Em đã đi đâu?

Rồi một ngày, em trở về với tôi trong hình dáng của một con thú bị thương, tơi tả. Tóc xõa tung, rối bù, mắt đỏ au và miệng mếu máo không thành tiếng.

Gặp tôi, em đổ vào tôi mà ôm siết, rồi khóc một cách đã đời. Chuyện gì đã xảy ra với em vậy, chuyện gì thế, em nói cho anh biết đi.

- Anh ơi, khổ thân em quá.

- Được rồi, sao nào, em kể cho anh đi?

- Em nhục nhã, không dám nhìn mặt anh nữa. Nhưng em chẳng biết bấu víu vào đâu. Em không muốn sống nữa.

Tôi cố trấn tĩnh:

- Bình tĩnh đi, em làm sao nào? Nói cho anh biết.

- Em đã nghe lời kẻ đó. Anh biết không, em đăng tin trên mạng tìm việc. Rồi kẻ đó đã gọi điện cho em. Hắn nói là sẽ giúp em tìm việc. Em đã tin và đi theo hắn, để rồi, hắn đã cưỡng hiếp em. Em xấu hổ quá.

Em đã khóc đã đời trong thời thanh xuân của mình và phải rất lâu sau tôi mới khiến em bình tâm lại. Tội nghiệp em và những ước vọng nhỏ nhoi khó thành. Thương em mà không thể làm gì khác, cũng bởi vì tôi thân cô thế cô ở cái thành phố năm triệu dân này. Rồi bỗng một ngày, chính em lại là người quay ra an ủi tôi khi tôi mất việc. Ông Giám đốc làm ăn phi pháp đã bị bắt, công ty phải giải thể. Tôi và em lại hì hụi từ đầu, làm hồ sơ, phô tô thêm ra gửi đi khắp nơi. Hai đứa mân mê tấm bằng đại học mà thấy tủi thân. Con mèo ngoao ngoao bên cạnh.

Cũng không ít công ty nhận hồ sơ, nói là sẽ xem xét. Và đúng như dự tính, họ đã chẳng thèm đoái hoài đến chúng tôi. Còn những nơi mời chúng tôi phỏng vấn, thì hoặc thử việc rất dài, hoặc lương ít ỏi, chẳng tương lai.

Những ngày đôn đáo tìm kiếm việc làm, mưu sinh đó, một tai họa đã xảy đến với tôi. Vào một ngày mưa gió, tôi bị xe tải cán nát một bên chân. Tôi vĩnh viễn thành người tàn phế, không thể nào cứu vãn được. Đó thực sự là chuỗi ngày kinh hoàng và nhiều nước mắt nhất, đắng cay nhất trong đời tôi. Tôi không nghĩ được điều gì khác, ngoài một nỗi tuyệt vọng xâm lấn tâm trí. Đã có lúc, tôi không muốn sống nữa. Bù lại, em đã ở bên tôi, động viên, săn sóc. Cha mẹ em ở quê thư lên, viết: Không tìm được việc, về quê lấy chồng thôi con gái... Em đọc thư trước mặt tôi, khóc sướt mướt. Tôi nghĩ, em sẽ làm theo lời cha mẹ. Tôi cũng mong em sẽ dứt bỏ được kẻ tàn phế này, để tìm lấy một hạnh phúc khác cho mình. Tôi bắt đầu những chuỗi ngày tiêu cực, miệng luôn nói: “Em hãy làm theo lời cha mẹ”. Nhưng trong lòng tôi lại chất chứa đầy mâu thuẫn.

Cha mẹ em lên tận nơi đón em về. Họ nói ở thị trấn dưới quê nhà, đã có một công việc phù hợp với em. Đứng trước tôi và cha mẹ, em đã khóc. Rồi bất ngờ em lao đến tôi.

- Không, cha mẹ. Cha mẹ hãy tha lỗi cho con. Con không thể bỏ anh ấy, dẫu anh ấy chỉ còn có một chân. Chúng con đã trải qua quá nhiều khổ cực rồi, chúng con sẽ đến với nhau. Xin bố mẹ hãy hiểu cho, hãy cho phép con được tự quyết định đời mình. Con gái của cha mẹ đã lớn rồi, không còn nông nổi như trước nữa.

Tôi nói:

- Em hãy theo cha mẹ đi.

- Không - em hét lên - Em không đi đâu hết. Em và anh sẽ tìm kiếm cơ hội ở thành phố này, dẫu phải khó khăn bao nhiêu. Khổ bao nhiêu em cũng chịu được, chỉ cần chúng ta yêu thương nhau.

Tôi thực sự hạnh phúc và thấy ấm lòng. Nhìn sang bên kia, thấy cha mẹ em đã khóc. Có lẽ, họ khóc vì nay em đã chín chắn hơn. Tôi ôm em vào lòng, như ôm một con mèo đang thút thít.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần