Truyện ngắn: Đi trong mùa khô

Phùng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - - Thanh!... Thanh hãy hiểu và thương tôi. Thanh làm phiền tôi như thế đủ lắm rồi! Thanh cần gì ở tôi? Mà thực ra, tôi cũng chẳng có gì để Thanh cần đến. Cái nghèo của tôi ư? Liệu có đủ để trả cho Thanh không?...

 Đã đành tôi lỡ chung đụng với Thanh vào cái đêm chia tay hôm ấy. Nhưng Thanh hãy nghĩ lại, tôi không thể… không thể tự chủ… Không, tôi không thể kiềm chế. Nhưng xin Thanh, tôi xin ở Thanh sự cảm thông và đừng kết tội tôi là kẻ lường gạt.
Dũng trở mình, nắm vào bàn tay nhỏ nhắn của cô gái. Sự van lơn ấy có nghĩa gì với đau khổ mà cô đang phải chịu. Thanh cúi xuống nước mắt trào tuôn, cô không buồn lau nữa. Bàn tay còn lại vụng về, cô đặt lên bàn tay của Dũng; bốn bàn tay vuốt ve âu yếm.
 Minh họa: An Chi
Thanh hình dung về cái đêm chia tay hôm ấy, trước khi Dũng lên nhận công tác ở Cao Nguyên. Cái đêm kết thúc một thời con gái. Cô hiểu, vì quá yêu Dũng cho nên cô đã sẵn sàng dâng tặng một cách mù quáng. Khát vọng về một mối tình thật quá ngu ngốc.
Còn Dũng, Dũng chỉ là nạn nhân của sự sai khiến. Ở Dũng không có một chút mảy may nào tình cảm hay chờn vờn trong tư tưởng sự chiếm đoạt, ngoài tình bạn trong trẻo đối với Thanh. Nhưng biết giải thích thế nào về “Lửa và Rơm”, vào cái đêm thanh tịnh ấy? Thanh bỗng rùng mình, bàn tay bóp chặt vào tay Dũng. Cố nén xúc động, cô ném lên tường một cái nhìn xa xăm vô vọng; cái nhìn không có thật, nó chập choạng lờ mờ, tàn nhẫn như một cơn ác mộng. Cô bất thần nói:
- Nhưng dẫu sao anh cũng đã bước vào đời em, giọt máu mà anh để lại, đang thai nghén trong em đây. Thì làm răng? Làm răng em có thể xa anh được?
*****
Ông hiệu trưởng vừa xem xong, tập hồ sơ được đặt xuống bàn. Ông nhìn vào ánh mắt của cô giáo trẻ ngồi đối diện, rồi ân cần hỏi:
- Xin lỗi, chồng cô vào công tác ở đây lâu chưa?
Câu hỏi vô tình ấy làm cô giật thót. Mặt biến sắc. Cô bối rối nhìn ông hiệu trưởng rồi nhìn đủ chỗ để tìm câu trả lời.
- Dạ thưa thầy… Em…
Em chưa…
Bỗng biết mình lỡ lời, cô cắn ngón tay hối hận. Bụng cô tròn lồ lộ, làm sao có thể giấu được. Cô nhìn lên ông hiệu trưởng với ánh mắt đáng thương:
- Thưa thầy…
Thanh đã kể về quãng đời của mình cho ông hiệu trưởng nghe.
Ông hiệu trưởng chăm chú, ánh mắt đầy thương cảm. Thanh quệt nước mắt, Thanh cảm thấy khó chịu ở cổ. Cô nuốt từng đợt nước bọt ứa ra. Trán vã mồ hôi, mặt tái xanh. Cô đã mệt lắm rồi.
Ông cúi xuống, bàn tay bóp vào vừng trán nhẵn bóng, hỏi:
- Anh ta có thái độ gì khi biết rằng cô đã có con với anh ta.
Thanh nhìn vào khoảng không trước mặt, vẫn cái nhìn chứa đựng sự thất vọng:
- Anh ấy đã có vợ. Có lẽ anh ấy cũng đau khổ, nhưng không còn cách nào khác.
Ông hiệu trưởng đứng dậy, hay tai khoanh trước ngực. Ông hiểu tại sao Thanh mạnh dạn nói lên sự thật cho ông nghe. Bởi thường những người đứng trước bờ vực đều phải kêu lên một tiếng, rồi sau đó ra sao thì ra. Ông đi đi lại lại cho nhẹ bớt những dòng suy nghĩ đang tụ về đặc quánh trong đầu. Ông hiểu, đối với một cô gái như thế thật đáng thương. Nhưng, có lẽ ông cũng không còn cách gì để giúp đỡ cô. Vì cô đương nhiên là một cô gái “chửa hoang”. Đạo đức trong trường hợp này nằm ngoài sự đánh giá chính đáng về một con người.
Ông dừng lại, chống hai tay vào thành ghế, giọng ông trầm hẳn:
- Trường hợp của cô thật đáng tiếc; có lẽ chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở sự cảm thông cho hoàn cảnh của cô. Còn giúp gì được cô, tôi không thể làm được.
*****
Hôm ấy là sinh nhật cu Lì lên một tuổi. Thằng bé ngồi trong chiếc cũi tròn, chung quanh đầy những màu sắc của đủ loại quần áo và đồ chơi, người ta đem đến làm quà cho nó. Thỉnh thoảng nó khóc, thình thoảng nó cười; thỉnh thoảng nó lại bập bẹ kêu “Ba… a... Ba… a”.
Liễu ngồi bên cạnh Dũng đầu tựa nghiêng vào vai anh. Cô thích thú quan sát từng động tác vụng về của đứa bé. Liễu lấy tay dũng huơ huơ trước mặt cu Lì làm trò.
Mọi người đến dự ngày vui đã về hết, còn lại là một sự ấm áp hạnh phúc tràn ngập trong căn phòng. Dũng đứng dậy ẵm thằng bé lên rồi nhìn Liễu âu yếm. Nhưng rồi ánh mắt bỗng lơ đãng nhìn vào một vị trí nào đó trong khoảng không. Liễu thoáng thấy một điều gì đó đang xảy đến.
Liễu kéo tay cu Lì lên má - cô nói thật dịu dàng:
- Anh Dũng, chúng mình hạnh phúc quá phải không?
- Hạnh phúc… sau những lần bất hạnh - Dũng bất giác nói.
Liễu ngạc nhiên.
- Anh nói thế có nghĩa gì?
Đôi mắt Dũng cụp xuống. Anh cố nén để khỏi xúc động, nhưng trong giọng nói vẫn còn rung rẩy:
Liễu ạ, có một chuyện, anh định không bao giờ nói cho ai biết. Nhưng tự dưng hôm nay anh không thể giữ nó được. Anh nghĩ để hạnh phúc chúng mình được trọn vẹn anh cần có sự chia sẻ của em.
Liễu không hiểu gì hết, cảm thấy lo. Mọi câu nói của Dũng như là sự thông báo điều gì đó không tốt đẹp về hạnh phúc. Cô sốt ruột hỏi:
- Anh Dũng, điều gì sẽ xảy đến với em?
Dũng cẩn thận đặt cu Lì lên lòng bàn tay của Liễu. Anh đến mở láp-đờ-nuy lấy ra trong tập sách một bức thư và anh ngồi xuống bên Liễu:
- Em hãy đọc bức thư này và tha thứ cho anh.
Liễu mở bức thư trong một tâm trạng hồi hộp. Những ngón tay không làm chủ được run run. Liễu nhìn lên Dũng một lần nữa với sự dò xét.
Măng Cành, ngày… tháng… năm…
Anh Dũng!
Chắc anh ngạc nhiên lắm khi nhận được bức thư từ xứ sở xa lạ này. Và anh tự hỏi: Tại răng em không trở về theo sự yêu cầu của anh? Phải, em không trở về vì một lý do rất đơn giản là em sợ mặc cảm với gia đình và bạn bè.
Em đã đem hồ sơ để xin dạy ở các trường cấp ba trong thị xã. Nhưng đi đâu em cũng bị từ chối. Người ta cho em là một cô gái hư hỏng. Tự em, em cũng thấy mình không đủ tư cách để đứng trên bục giảng, truyền kiến thức lại cho học sinh cấp ba, chứ đừng nói chi là thiên hạ. Em đến sở xin đăng ký về một huyện xa để mở lớp dạy bổ túc cho đồng bào dân tộc. Tưởng như thế là em tự mình chôn tuổi thanh xuân của mình ở núi rừng “ma thiêng nước độc” như tụi mình vẫn thường hình dung về nó khi còn ở thành phố Huế. Nhưng không phải, hoàn toàn không phải như thế. Rừng núi cho em sống lại mạnh mẽ hơn. Những ngọt nào của nước suối ban mai; những lời ru của tiếng chim ban chiều đã hồi tỉnh em.
Em đến với buôn làng và buôn làng đã đón nhận em như đón nhận đứa con trở về.
Con của anh đã ra đời giữa tình cảm thiêng liêng của núi rừng. Biết bao bàn tay âu yếm nâng đỡ nó. Nó cũng là thành viên của cộng đồng dân làng. Được làm lễ thổi tai, được ăn cơm lúa nếp; được đồng bào đốt lửa hát hơ ri; những âm thanh của núi rừng ru nó ngủ từng đêm ngon giấc.
Năm nay nó vừa lên hai tuổi. Nó khỏe mạnh, thông minh. Nó có đôi mắt cương nghị. giống anh từ hình dáng đến tính tình. Nhiều lúc nhìn nó em không thể nào không nhớ đến anh.
Anh Dũng ơi! Hãy tha thứ cho em. Em đã thêm một lần nữa lầm lỗi với anh. Một lần, em đã quên mất lời hứa sẽ không làm cho tình bạn của chúng ta vẩn đục. Còn bây giờ em đã không giữ được đứa con của anh nữa. Tháng tư vừa qua, trong một cơn lên sởi, con của anh ra đi rồi. Như sự âm thầm chia tay vào mua khô cách đây hai năm trong căn phòng của anh. Em đau xót biết dường nào khi tin này đến với anh. Anh hãy tha thứ cho em!
Như thế là hết rồi phải không anh! Ở mỗi chúng ta không còn mảy may ràng buộc nào nữa…

Liễu lặng người nhìn Dũng, một giọt nước mắt ứa ra viền mi, đôi môi mím chặt.
Dũng nhìn đứa bé đang say ngủ trên tay vợ. Đứa bé ngoan ngoãn nhoẻn một nụ cười trong mơ. Anh bồi hồi cúi xuống hôn lên môi nó trong tiếng nức nở của Liễu vừa bật ra bí ẩn, hoang mang như màn đên dày đặc bên ngoài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần