Truyện ngắn: Hàn gắn hạnh phúc

Truyện ngắn của Đinh Thùy Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sếp tôi mấy năm nay đam mê văn chương và thích tiểu thuyết diễm tình. Cấp dưới ai cũng biết sếp bận rộn cả ngày chộn rộn với công việc tay năm tay mười quan hệ khách hàng.

Ba năm nay nhân viên đông hơn bởi sếp nghĩ ra việc kinh doanh vận tải tuyến ngắn. Đúng là người giầu đầu óc kinh doanh chẳng chịu ở yên. Tôi là đệ ruột được sếp nâng đỡ nhiều năm qua, anh em nếm cùng nhau đủ mọi đắng cay ngọt bùi. Cách đây ít tháng tôi bất ngờ vì sếp hỏi ý kiến có nên mở thêm nhánh về gia đình. Tôi há hốc không hiểu ý tưởng. Sau khi nghe anh nói một hồi tôi hiểu rằng sếp muốn mở dịch vụ hàn gắn sự đổ vỡ gia đình. Thời hiện đại người ta dễ thích và dễ chán nhau dã man. Chẳng trách sếp quay ra đầu tư thời gian tâm huyết nghiên cứu tiểu thuyết. Tôi tưởng anh ấy hứng thú hưởng thụ xa xỉ và ướt át. Hôm ấy tôi ấp úng nói anh em mình chỉ biết đất cát với xe cộ, đâu có tí kiến thức nào về mối lái hay tâm lý mà hàn gắn được những người có ý định bỏ nhau. Làm sao cứu vãn nổi những gia đình nguy cơ tan vỡ do vợ chồng lệch lạc quan điểm thích ông ăn chả bà ăn nem? Sếp tự tin nói mọi chuyện có thể học được, bằng một giọng cứng đanh quyết tâm với một đôi mắt tràn trề hy vọng.
 Minh họa: Hiền Nhân
Không biết anh ấy sẽ dìu dắt câu chuyện khá nhân văn ở thời buổi dường như mọi thứ đã bão hòa thế nào. Các chuyên gia tâm lý tư vấn tình cảm xuất hiện nhan nhản báo đài đầy đặn kỹ năng còn chịu thua trào lưu run rẩy đáng báo động đó. Nhiều công ty mọc ra rủng rỉnh quảng cáo kỹ năng thám tử tuyệt vời và chuyên sâu hàn gắn rạn nứt gia đình. Vậy anh ấy lấy đâu lạc quan dấn thân để khỏi chìm trong thất bại? Thế rồi anh ấy làm thật. Hình như có tham khảo các chuyên gia kể cả nước ngoài và nghiên cứu sách vở. Tiếp đó là tuyển một nhóm cả thám tử cả những cô gái ưa nhìn nói năng lưu loát hoạt bát cười tươi cho tập huấn kỹ năng. Làm gì cũng có sự chuẩn bị chu đáo. Bất động sản đóng băng. Doanh thu của công ty đang phụ thuộc vào hoạt động vận tải. Mở thêm dịch vụ hàn gắn hạnh phúc mới mẻ quá và nếu không khéo tha hồ bù lỗ. Đã có nhân viên sốt sắng khuyên không làm. Nhưng sếp nói sợ sệt tính toán thì chẳng làm được việc lớn. Tôi thấy anh quyết tâm nên cứng rắn tự tin làm. Mình cũng phải học hỏi thêm kỹ năng chứ, tôi tự nhủ thế. Nhiều cán bộ khác cũng thấy thế. Cả công ty bước vào một việc mới là nghiên cứu tình cảm con người trong hôn nhân hiện đại và các tình huống mâu thuẫn cũng như cách giải quyết. Không khí tươi mới chảy tràn hể hả cả công ty.
*****
Chúng tôi có khách hàng đầu tiên, người đàn ông là bạn sếp. Nhìn dáng anh bao năm đĩnh đạc tự tin nay khuôn mặt thấp thoáng lúng túng. Vợ chồng khách hàng không có con, đôn đáo tứ phương chạy chữa phát hiện bệnh là do vợ. Người vợ muốn giải thoát cho chồng lấy vợ hai. Khổ nỗi anh chồng yêu vợ không muốn vậy. Người vợ sợ tai tiếng và những lời bóng gió nhà chồng rồi. Xử lý ca bệnh này thế nào đây? Sếp tôi gọi người chồng đến thỏa thuận liệu có thể động viên vợ xin con nuôi? Một phương án tốt được đưa ra để bảo vệ hạnh phúc, nhưng mắc ở đây là làm sao thuyết phục được gia đình khó tính, thích áp đặt vào anh chồng thành đạt.
Việc đầu tiên của phương án là ổn định tư tưởng cho người vợ, và người chồng phải thật sự tỉnh táo, đừng để lọt ra chi tiết nào khiến người vợ tủi thân mặc cảm. Tất nhiên, tôi được sắp xếp đi cùng một chuyên gia tâm lý tiếp xúc với người vợ. Tôi đóng vai một người đàn ông có nỗi khổ giống như người vợ kém may mắn này. Đồng thời thể hiện cho chị ấy biết mình đã cứng cỏi bảo vệ tình yêu của mình như thế nào. Xem ra chị ấy sướt mướt đồng cảm và những giọt nước mắt đầu tiên đã lăn trên gò má. Vâng, hay là thế nhỉ? Em còn yêu anh ấy. Chúng em sẽ xin con nuôi, liệu có được không vậy? Chị ấy đã bắt đầu nhận ra mình không thể mềm yếu nữa. Phải đấu tranh thôi nếu còn yêu chồng. Việc thứ hai là để người chồng động viên gia đình bố mẹ mình. Sẽ còn những phương án khác, không nhất thiết phải chia tay. Tất nhiên ban đầu mọi chuyện chẳng giản đơn, chúng tôi vận dụng hết kỹ năng thuyết phục và phân tích, người ta bảo gãi đúng chỗ ngứa hiệu quả cao. Quả nhiên, năm tháng sau vị khách đầu tiên đã đón một bé gái về làm con nuôi. Hình như không ai nghĩ đến chuyện chia tay nữa.
*****
Khi đang giúp hàn gắn cho cặp vợ chồng thứ nhất thì cũng là lúc sếp nhận lời giúp cặp vợ chồng thứ hai. Anh Nhẫn, chị Huyền. Dòng đời hối hả trôi và tôi biết sự rạn nứt đã đang diễn ra từng giờ. Những tổ ấm bị tấn công và đe dọa bởi sự lọc lõi mưu sinh, bất đồng, toan tính, ích kỷ. Xét “hồ sơ tình cảm”, lời của sếp tôi thì hai vợ chồng Nhẫn Huyền từng yêu nhau ác liệt lắm, nhưng đỏng đảnh dễ giận hờn như trẻ con. Chỉ một lời nói động chạm từ phía người kia cũng khiến người này bị động chạm tủi lòng. Rồi sinh ra oán trách nhiên tóe khói khó lý giải. Anh Nhẫn có thương vợ nhưng vẫn mải mê nhậu nhẹt với bạn bè dẫn đến thời gian vợ chờ cơm nhiều. Chị Huyền tố chồng tham ô thời gian của vợ con quá nhiều. Quan điểm của hai người cũng lệch pha từng ngày tự đẩy nhau ra xa. Từ đó Huyền bực bõ tụ tập bạn bè cũng liêng phiêng nhiều buổi nhậu nhẹt trễ nải như muốn thách thức chồng. Sao giờ đây nhiều hoàn cảnh tương tự chẳng ai chịu thua ai nhường nhịn ai vậy? Giống như mấy hôm nay tôi được giao tiếp mấy vị khách than phiền ngày càng khó nói chuyện với người đối phương. Cả nam lẫn nữ. Cả vợ lẫn chồng. Có cả những cặp sinh viên đang hồ hởi yêu nhau nhưng thiếu kỹ năng thông cảm cho nhau. Cứ như mức độ khó nói chuyện của các cặp đôi tỉ lệ thuận với việc khó kiếm tiền trong thời buổi lạm phát hiện nay ở mức báo động đỏ. Tôi ù đầu biết là dịch vụ này đòi hỏi quá nhiều thứ và phải thiên biến vạn hóa, lợi khẩu biết đồng cảm với mỗi lời trần tình của khách hàng.
Cũng may là anh Nhẫn và chị Huyền đều gọi điện cho tôi hỏi han nhờ tư vấn. Là để lắng nghe thêm. Tôi xin ý kiến sếp. Anh ấy chỉ đạo tôi tác động đến Huyền còn Nhẫn thì để anh. Chúng tôi nhuần nhuyễn phối hợp để tự mỗi người nói ra tình cảm của mình và khéo léo sắp xếp một buổi dàn hòa. Đến lúc đó đôi bên bị kích thích lên đỉnh điểm và òa khóc. Hóa ra cả hai đều cố buông thả để trả thù đối phương. Người ta vẫn bải hoải dùng nhiều cách để tự dằn vặt mình và muốn đối phương tổn thương, nhưng trong quả tim thì chất chứa nhựa sống. Chỉ cần một chất xúc tác là kết dính bền chặt. Nhẫn và Huyền có con năm tuổi. Sau cuộc hàn gắn này họ tính sinh con thứ hai. Tôi thấy sếp mình thức thời giỏi tính toán làm ăn nhiều mặt. Sếp muôn năm.
*****
Ngày lại ngày trôi đi, công ty đã giúp nhiều cặp vợ chồng dù rạn nứt dù chỉ là nguy cơ kịp thời giữ được tổ ấm. Tất nhiên có những cuộc còn dang dở và nhọc nhằn khó khăn không thành công. Tôi vui vì thấy sếp vui. Nhưng bỗng một ngày ông anh của tôi ỉu xìu như bánh đa ngâm nước. Sự tự tin bay biến đâu mất, thay vào đó nhợt nhạt đến thất thần khó hiểu. Hỏi sếp cáu. Nhẫn nại, chờ cuối giờ chiều hỏi lại thì anh bình tĩnh bảo bị vợ cắm sừng. Vì sao vậy? Vẫn là đi tìm nguyên nhân của rắc rối. Nghề của chúng tôi đấy.
- Vợ anh có bồ thì phải chú ạ. Hèn gì cả tháng qua thấy thì thụt bí mật giấu diếm.
- Nhưng anh kiểm tra kỹ chưa? - Tôi hỏi.
- Anh kiểm tra điện thoại. Hò hẹn nhau tin nhắn mùi mẫn lắm. Chẳng biết giải quyết thế nào. Đêm qua cãi nhau một trận, từ đó anh thức đến sáng.
Cãi nhau, sáng sớm sau sếp bà dọn đồ về nhà mẹ đẻ. Sếp chẳng giữ. Ngôi nhà bỗng trống hoác. Tội nghiệp sếp, sao ra nông nỗi, cứu vãn được tổ ấm người để tổ ấm mình cũng sa vào nguy cơ. Muôn kiểu rạn nứt đều có nguyên do nhưng phần nhiều do đôi bên không đủ thời gian quan tâm và kiểm soát nhau. Mớ lý thuyết đó tôi biết, sếp rõ hơn anh em trong công ty nhiều nhưng rơi vào hoàn cảnh mình anh cũng rối như thường. Dao sắc không gọt được chuôi.
- Vậy anh có cách gì chưa?
- Vẫn chưa, vợ anh bỗng trở nên khó tính khủng khiếp, bảo gì cũng không nghe dù anh đã nhận lỗi.
- Anh nên ngừng chỉ trích đi - tôi khuyên - chắc phải tìm ra lý do gì đó chứ.
- Tất nhiên, nhưng không dễ.
Cuối năm, công việc vận tải ngập đầu. Giá xăng trùng trình lên xuống theo áp lực công việc. Sếp giao cả cho phó giám đốc quản lý, còn anh xắn tay giải quyết những hợp đồng hàn gắn. Mùa đông nhiều khách hơn thì phải, hay chúng tôi đã tạo dựng được uy tín? Dù thế nào thì tôi vẫn lo lắng cho sếp.
Hôm ấy, sếp gọi tôi lên hỏi ý kiến. Tôi trình bày quan điểm và thật lòng thật bụng nói hai năm nay sếp khô khan quá. Những dự định rồi các kế hoạch nhấc hẳn sếp sang một bên còn vợ con một bên. Phụ nữ thường đỏng đảnh thích được quan tâm dù rất muốn tiêu nhiều tiền. Anh nên hài hòa mọi việc. Nếu được quan tâm đã không xảy ra chuyện. Sếp sốt ruột vò đầu đi ra đi vào bảo tìm giải pháp mau. Mấy ngày nay chị Hoàng Yến ở lì nhà mẹ đẻ không chịu về. Điện thoại tắt ngóm. Tôi được cử đến tìm, chị mở cửa nói mỗi câu: “Chú về đi” rồi đóng chặt. Tôi biết nói thế nào với sếp? À, nghĩ ra rồi, sao không nghĩ ra sớm hơn nhỉ. Anh phải đi đón chị ấy về.
Sếp nổi đóa:
- Mày nói thế nào ấy. Tao có cặp bồ đâu mà phải đi dỗ dành. Chúng mày đến đón về thì được chứ tao còn lâu.
- Kìa anh - tôi đấu dịu - cứ đón chị ấy về rồi tính sau. Anh phải nhún, đặc biệt trong lúc này. Phải tìm hiểu cho kỹ, biết đâu chị ấy…
Sếp chợt đứng sững, thay đổi cách xưng hô:
- Chú vừa định nói gì?
 Biết đâu anh nghĩ sai cho chị ấy. Mà cũng có thể chị ấy chỉ “đòn” anh. Tức là cố tình tạo ra một bi kịch và bắt anh phải quan tâm hơn đến gia đình - Tôi thao thao - Em nghĩ mãi không ra, ý nghĩ này chỉ chợt hiện lên trong đầu thôi.
Sếp tôi đứng một hồi, cau mày ngẫm ngợi rồi nắm chặt tay khó hiểu.
- Đúng thế. Vậy mà không nghĩ ra. Anh vốn tin mình. Vợ anh không thể là con người như thế. Trước đây cô ấy từng nói một ngày nào đó anh không quan tâm, em sẽ bỏ anh. Lúc đó nghèo túng nên xoay sở đủ kiểu kiếm miếng ăn. Nay đủ đầy rồi, chắc cô ấy biểu tình anh thôi.
Thế là sếp đánh xe đến, kèm bó hoa hồng dâng hương. Quất đào đã xuống phố. Khuôn mặt sếp óng ánh tự tin. Cửa mở, sếp tôi lãng mạn tiến vào tặng hoa. Hoàng Yến phụng phịu vờ vĩnh không tha thứ. Sếp cứ trân trân đứng đó với bó hoa trên tay vừa kiên trì vừa thành tâm. Bà cụ bảo cô con gái: “Thôi con, nó biết lỗi rồi, đã xin rồi. Con tha thứ rồi theo nó về đi. Về còn sắm Tết, giận dỗi nhau làm gì để mất Xuân”.
Sếp được đà tiến lại:
- Kìa em, anh bưng hoa mỏi cả tay rồi. Trước đây em bắt anh đứng đợi mãi rồi mới nhận lời yêu, giờ lại muốn thế sao?
Chị Hoàng Yến quay ra, nở một nụ cười tươi. Sếp bảo: “Em biểu tình anh đúng không?”. Hoàng Yến không nói, mắt nhấp nhính cười theo chồng ra xe.
Mùa Xuân nở trên tay chị. Cận Tết, vợ sếp đến cơ quan chúc Tết từng người, ý tứ nhắc nhở: Mọi người mở dịch vụ hàn gắn rạn nứt, mà không biết cần phải làm trước tiên là trong nhà…
Sếp tôi đứng trân trân nhìn. Anh nháy mắt với mọi người, rồi chúng tôi ra một nghị quyết: Công ty sẽ khai thác sâu dịch vụ tư vấn tình cảm, hàn gắn hạnh phúc và tích cực bảo vệ tổ ấm của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần