Truyện ngắn: Gió bãi Phong

Hoàng My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khách đến cái chợ nhỏ xíu ven biển mang tên bãi Phong quanh năm lộng gió kia sẽ gặp ngay Khôi. Vạm vỡ và đen giòn rắn rỏi như đa số các chàng ngư phủ khác, Khôi dễ nhận ra bởi đôi mắt rất hiền và ấm áp.

Nhận xét này tất nhiên không phải do mấy tay buôn bán kế bên dành cho Khôi, mà là vài vị du khách nữ bạo gan trêu chọc:

- Đẹp trai vậy sao đi bán sò ốc?

- Xứ này mà cũng có giai đẹp long lanh dữ ta ơi!
 Minh họa: Quỳnh Hoa.
Tất nhiên, cái đẹp khỏe khoắn lạ mắt lâu lâu mới gặp, theo chuẩn mực của phụ nữ chốn thành thị, quanh năm tiếp xúc với các anh đóng thùng thắt “khô mực” trên cổ, chán ngấy những quy tắc lịch lãm thông thường kia cũng khác so với những cô gái sinh ra và lớn lên ở cái xứ biển này. Người ta luôn có khuynh hướng đứng núi này trông núi nọ là vậy. Cho nên, Thùy dường như chẳng thấy Khôi có chút gì đẹp đẽ cuốn hút, chứ đừng mơ đến hai chữ “đáng yêu”.

Thùy mở cái quán nho nhỏ ở con lộ dẫn vào khu chợ. Gọi là “quán” cho oai, chứ thật ra đấy là mặt bằng có sẵn của nhà, với khoảnh sân rộng đủ để đậu ô tô, kê một cái xe nước mía, quầy bánh tráng trộn cùng với các thứ nước giải khát đóng chai, dăm ba bộ bàn ghế con con bằng nhựa. Đơn giản vậy thôi!

Những ngày đó, anh thường dừng xe hơi trước quán của Thùy. Áo sơ mi dài tay cài lại, dáng điệu lịch sự và giọng nói có phần nhẹ nhàng của người từng trải, khiến Thùy chú ý ngay từ lần đầu gặp mặt:

- Bán quán thôi mà, có cần phải xinh dữ vậy không em?!

Câu trêu chọc buồn cười ấy không khiến Thùy khó chịu, mà ngược lại, có một niềm tự hào be bé chạy ngang qua lòng Thùy, khiến trái tim đa cảm của cô như bừng nở trước người khách lạ. Anh đến từ cái resort nằm khuất phía bên kia của bãi Phong, nơi gió đêm ngày mơn man không dứt, dập dờn đuổi nhau từng lớp, từng lớp trên những bãi rau muống biển nở bông tím ngắt. Gần chứ xa xôi gì đâu. Chỉ tiếc là đến giờ Thùy và cư dân bãi Phong vẫn chưa có nhiều người được dịp đặt chân vào xem thử nó đẹp cỡ nào. Thùy thoáng đỏ mặt mỗi khi anh buông thêm câu đùa vô tư rằng, anh siêng đến vùng biển này chỉ là vì em thôi đấy, biên cương lá rơi Thu Thùy em ơi!

Thùy tự biết là mình dễ thương. Cứ nhìn đám thanh niên xứ biển lảng vảng trước xe nước mía của cô mỗi chiều tàn là đủ biết. Họ diễn nhiều trò lố để mong lọt vào đôi mắt của cô chủ quán khó tính. Nhưng Thùy chán nhìn những ngư dân quê mùa, cục mịch, đôi khi tự nhiên đến sỗ sàng thô lỗ, khoác trên người bộ áo quần xấu xí xộc xệch. Thùy cũng không ưa nổi làn da đen nhẻm khét nắng và đượm mùi gió biển đặc trưng của mấy người đó. Thùy ngán ngẩm những đôi chân được xỏ vào đôi dép tổ ong lam nham. Cho dù ông Obama có cầm chiếc dép ấy trên tay và hài hước rằng “Tôi trăn trở hằng đêm, hằng đêm. Bao giờ thì chúng ta mới có được những sản phẩm như thế này” như tấm hình Thùy thấy trên mạng, thì vẫn khiến cô không sao cảm tình nổi với nó!

Khôi không là ngoại lệ. Thùy thừa biết Khôi có tình cảm với mình. Khách mua hải sản của anh xong, luôn được khuyến cáo theo kiểu năn nỉ là “Ra quán người nhà của tui ngồi ủng hộ nha. Cứ đi thẳng vòng ra phía ngoài kia, thấy cái xe nước mía và cô chủ nhỏ xinh xinh, là đúng rồi. Ngồi ăn thoải mái, uống gì mới tính tiền, giá bình dân lắm”.

- Quán của bồ hả, sao nhiệt tình quá vậy?!

Có người quá rành trước tâm tư nguyện vọng lồ lộ của chàng trai trẻ, hỏi một câu thẳng tưng. Khôi gãi đầu gãi tai, cười trừ. Giá mà được như vậy thì hay quá! Biết đến chừng nào, Thùy mới hiểu rằng, Khôi có thể dành hết mọi thứ anh có cho người con gái mình yêu mến…

Mà thật ra thì anh nào sở hữu được cái gì đáng giá cơ chứ! Không ít lần Khôi chua chát nghĩ ngợi. Sáng đi biển với ghe bạn, tức là làm thuê. Đằm mình trong sóng nước và những ngọn gió quất. Xế chiều mua gom mớ ốc hương, ốc giấy, ốc cà na, ghẹ, mực và mấy thứ cá sòng, cá khoai ra bán, kiếm thêm chút tiền chênh lệch. Luộc hấp và cả nướng dùm không tính công, bịch xốp, chanh ớt miễn phí. Mùa nào hải sản nấy, vậy mà vẫn nghèo xơ xác, là sao? Khách du lịch bây giờ khôn và đanh đá lắm, trả giá rất rát, họ đủ thông minh để biết rằng, nếu chẳng hết hàng trước khi hoàng hôn tắt hẳn trên bãi biển, thì Khôi cũng như những người buôn bán lặt vặt ở đó chỉ có nước ăn đồ biển trừ bữa. Nghe thì thấy hấp dẫn đấy, lòng có thể mường tượng đến rau răm, muối ớt xanh, chanh và các thứ đồ chấm ngon lành khác, nhưng cứ thử ngày nào cũng xơi của “nhà trồng được” mà xem, không ứ hự tới cổ vì ngán ngẩm và buồn đau vì cụt vốn mới lạ…

Việc chiếc xe bốn chỗ bóng lộn hay đậu trước quán của Thùy, đương nhiên là Khôi cũng biết. Nhiều người thì thầm bảo, con Thùy bán nước sắp cải số rồi, đang gặp được đại gia để ý. Khôi nghe thấy hết. Anh cũng chẳng dám làm gì để can thiệp vào cái chuyện chướng tai gai mắt đối với mình ấy. Chiều muộn trước khi dọn hàng về nghỉ, Khôi tản bộ chầm chậm ngang qua quán Thùy, cô giả vờ như chẳng thấy. Khôi đứng chôn chân ngoài đường, mặc cho gió cuối ngày thổi tung mớ tóc ngắn xơ của anh một cách tàn nhẫn. Khôi vẫn cần mẫn chỉ khách mang hải sản ghé vào cái quán có xe nước mía và cô bán hàng xinh xinh mà ngồi. Khách lạ cắc cớ hỏi thêm một câu vô tình rằng, phải cái chỗ có con xe tiền tỉ kia đang đậu hay không?

Khôi chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu.

Thùy cuối cùng thì cũng đã có những lúc len lén dọn quán, thay bộ áo quần đẹp đẽ, bước lên ngồi ở ghế ngang tài của chiếc xế hộp mát rượi đó. Anh ấy không tốn quá nhiều thời gian và công sức để chinh phục Thùy. Một số lời tán tỉnh vui vui ngồ ngộ, ít đồng nước nôi bo luôn, không nhận tiền thối lại. Những câu chuyện về một cuộc sống khác, lạ lẫm và đầy cám dỗ so với Thùy, cô gái cả thời thiếu nữ chưa từng bước chân đi đâu ra khỏi xứ làm Thùy thèm một lần mơ mộng. Biết đâu đấy… Đôi khi, người ta cảm mến nhau chỉ sau ấn tượng ban đầu, và hào nhoáng có lẽ là một trong những thứ đơn giản mà có sức mạnh đánh bại con tim phái đẹp nhiều nhất.

Thùy trở thành đàn bà ở băng ghế sau của chiếc xe hơi cáu cạnh ấy, khi bản thân còn chưa kịp biết, đấy chỉ là chiếc xe vay mượn. Chủ nhân thật sự của chúng chẳng hề hay rằng, anh tài xế bảnh trai dẻo miệng của mình đã biến ngôi nhà sang trọng di động ấy thành một chốn phòng the qua đường.

- Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…

Giọng máy vô cảm kia trả lại cho Thùy vẻ thẫn thờ tuyệt vọng, y như lúc người bảo vệ lâu năm của cái resort dạng biệt thự đẹp đẽ gần bên bãi Phong lạnh lùng thông tin cho Thùy rõ, anh tài xế vui tính kia đã trở lại thành phố rồi. Không biết chừng nào mới quay lại xứ này vì chủ nhân của anh ấy đã xong việc ở đây luôn rồi. Mà cô là gì của cậu kia? Thấy hôm trước cũng có người đến tìm cậu ấy, hay thật!

Thùy đi bộ trở về quán. Gió chiều chập choạng trải từng bước mỏi mệt. Thùy nhớ ra, mình còn rất trẻ và đoạn đường từ chỗ anh thường lướt xe ra vào tới quán của Thùy không phải là quá dài. Can cớ gì, cô bỗng thấy cả cơ thể bủn rủn buồn nôn chới với thế này…

***

- Anh thương Thùy phải không?

Khôi thảng thốt trước câu hỏi chẳng buồn rào đón ấy. Hóa ra là Thùy biết. Thì ra Thùy vẫn hiểu tấm lòng âm thầm của Khôi. Anh lặng người.

- Anh cưới Thùy đi nghen!

Câu nói nhỏ xíu ấy còn uy quyền hơn cả một mệnh lệnh. Đương nhiên là Thùy tin thế. Nhưng cái đoạn lãng mạn và dứt dạt tựa tiểu thuyết ngôn tình kia, Thùy chỉ dám nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, chứ chưa dám biến thành hiện thực. Khi mà kì nguyệt san Thùy chờ mãi vẫn không thấy trở lại, vài triệu chứng ai - cũng - biết - nghĩa – là - gì ấy đang ngày một rành rành hơn. Thùy không muốn lừa dối Khôi, như người ta đã nhẫn tâm xí gạt Thùy. Ai ngờ đâu giữa thời buổi này, trên đời vẫn có những người lừa tình, gạ gẫm rồi bỏ đi y hệt như trong phim hay cải lương như vậy cơ chứ! Thùy đã ngây thơ cả tin quá. Thùy không đáng để được thông cảm. Thùy chẳng nên được ai đó thương mến nhiều đến vậy. Nhưng bây giờ, Thùy biết phải làm sao đây?

Làm sao đây!

Xóm biển xì xầm rằng thằng Khôi cuối cùng mang kiếp đổ vỏ. Đàn ông chuyên bán ốc nên cuối cùng nghiệp nó vận vào thân. Thương người ta đến mụ mẫm cả người, nên chắc bị con Thùy lợi dụng. Tội nghiệp, cái thằng khỏe mạnh hiền lành, xem ra cũng sáng sủa đẹp trai, sao lại đi lấy cái con nhỏ tham phú phụ bần, lại còn lầm lỗi thế kia cơ chứ? Hay là khờ quá, không biết gì nên bị nó lừa vô tròng?!

Có những thứ, chỉ có người trong cuộc mới hiểu, mới đủ trình để mà nhận biết, mình làm theo lý lẽ của trái tim hay ánh sáng của lý trí. Khôi cũng vậy. Anh vẫn cần mẫn sáng sáng đi biển, gồng mình trước sóng gió của bãi Phong chưa bao giờ ngưng mải miết thổi. Giờ cái quán be bé của Thùy đã được Khôi kê thêm bàn ghế, để khách mua hải sản và Khôi chế biến miễn phí xong thì được chu đáo dẫn đến tận nơi mà ngồi phủ phê ăn uống. Thùy mặc cái quần lưng thun và chiếc áo có sợi dây nhỏ cột phía sau như thể ngụy trang, nhẹ nhõm bưng nước ra cho khách. Dù có du lịch thì cái xứ biển đìu hiu này vẫn nghèo, Khôi cũng chưa khá hơn và Thùy thì sắp sinh con đầu lòng. Nhưng có sao đâu. Mặc cho gió biển vẫn thổi quắt quay mặn đắng, thì Khôi vẫn luôn bền lòng…

Mọi thứ bình yên như bãi Phong một ngày gió nhẹ. Cái resort nghỉ dưỡng đẹp đẽ kia không còn làm Thùy mảy may bận tâm một chút nào nữa. Dù có hay không có xe hơi đậu trước sân, thì Khôi vẫn giới thiệu khách ra ngồi trước quán của Thùy như thường kia mà. Chỉ cần thế thôi, là giờ Thùy đã hiểu, điều ấy quan trọng hơn mọi thứ khác, có thể dễ dàng đến rồi đi trong đời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần