Truyện ngắn: Nút thắt

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc lòng Huy vừa bề bộn, vừa tràn ngập nỗi mất mát thì Hạ vẫn thản nhiên ngồi gác chân lên bàn đủng đỉnh sơn móng tay.

Hạ bật một bản nhạc vui nhộn, vai đung đưa theo nhạc như tỏ rõ cho Huy thấy chị thờ ơ với việc ma chay nhà chồng. Mà có riêng gì chuyện của người chết, đến người sống, Hạ cũng đã bao giờ đối tốt đâu. Nên Huy không nói câu nào, vơ vội ít quần áo nhét vào ba lô rồi gọi điện vay bạn ít tiền để kịp về quê.
 

Dì mất, Huy nghe tin đã buồn vô hạn, vậy mà Hạ còn xát muối vào lòng chồng bằng mấy câu xúc xỉa vô tâm. Huy còn lạ gì Hạ, bao nhiêu năm làm dâu có bao giờ vun vén, quan tâm chuyện nhà chồng. Với ai Hạ cũng có cớ để ghét bỏ. Hạ nói “em làm vợ anh chứ không thích làm dâu trăm họ”. Một quy tắc bất di bất dịch mà bao nhiêu năm nay chị luôn áp dụng là “chuyện nhà ai người ấy lo”. Huy thì chẳng thể sống vô tâm như thế với bên nhà vợ, vì đã là con cái trong nhà thì chuyện lớn, chuyện bé cũng nên chung tay giải quyết. Nhưng chuyện nhà chồng thì Hạ mặc kệ thật. Từ giỗ Tết, cưới hỏi đến ma chay hay đau ốm Hạ không cần biết. Có nói thì Hạ bảo “ở quê đông anh em họ hàng như thế có quan tâm cũng chẳng xuể. Người nhà quê lại lắm chuyện, hay để ý từng tí một. Quan tâm không tới nơi tới chốn có khi còn bị chê trách, gièm pha. Chi bằng mặc kệ”. Mối quan hệ nào Hạ cũng mang thắt nút rồi vứt chỏng chơ ở đó, mặc Huy muốn tháo gỡ thế nào thì tùy. Người ta thì “sang vì vợ”, còn Huy thì muối mặt vì chị không biết bao lần. Tính Huy lại hay chạnh lòng, giả dụ đang vui vẻ mà thấy Hạ dè bỉu một bà cụ nghèo bán hàng rong ngoài phố là Huy lại buồn khi nghĩ người mình đầu ấp tay gối mỗi ngày chưa bao giờ thương cái gốc gác quê mùa từng nuôi anh lớn…

Biết tính Hạ, nên mỗi lần ở quê có chuyện gì Huy thường lẳng lặng lo toan. Nhưng hôm nay là dì mất, nhẽ ra Hạ phải hiểu dì quan trọng với Huy đến thế nào. Người ta bảo “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Mẹ Huy mất sớm, dì thay mẹ nuôi anh khôn lớn. Suốt bao nhiêu năm qua, Huy chưa báo đáp được dì nhiều. Giờ dì về với đất, phận dâu con nhẽ ra Hạ phải có mặt ở quê để lo hậu sự. Nhưng Hạ bảo công ty có cuộc họp quan trọng nên không thể nghỉ. Hạ thì lúc nào chả bận, có khi nào thấy chị rảnh rang để lo chuyện nhà chồng. Hạ bận đến mức quên mất cả câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Đến cả chút tiền lo hậu sự, Hạ cũng tính thiệt hơn. “Dì có con cái thì các con dì phải lo, mắc mớ gì mà anh phải ôm rơm nặng bụng. Nhà mình cũng đâu phải dư dả gì”. Tiền trong nhà này phần lớn do Huy kiếm về. Vậy mà Hạ chỉ biết chi tiêu cho bản thân, cho gia đình nhà mình. Việc lớn, việc nhỏ Hạ đều tự ý quyết. Nay biếu bố mẹ tiền mua đồ, mai cho đứa em tiền học phí, Huy cũng chẳng hẹp hòi gì. Tiền Huy vất vả làm ra có khi Hạ cho họ hàng vay rồi mất hút, anh có trách cũng chỉ vài lời nhẹ nhàng. Vậy mà Hạ nỡ nào tính toán chi li với ngay cả đám tang dì. Ừ thôi, nếu Hạ coi nặng đồng tiền hơn ơn nghĩa thì dì ở nơi chín suối chắc cũng chẳng thanh thản được. Nên lúc Hạ đưa mấy trăm tiền xe cộ Huy cũng chẳng buồn cầm.

Suốt chặng đường hơn trăm cây số ngồi trên xe khách Huy cứ mải nghĩ về lần đầu tiên anh đưa Hạ về ra mắt họ hàng. Dì cũng vì thương Huy, lo Huy lấy vợ thành phố đỏng đảnh sẽ không biết đối nhân xử thế nên có gọi cháu dâu dặn dò một đôi câu. Người quê chân chất nghĩ sao nói vậy, nhưng khổ nỗi Hạ chẳng cho đó là thân tình. Suốt bao nhiêu năm, Hạ vẫn ghét dì vì “lần đầu tiên đã bắt bẻ đủ điều”. Bao nhiêu năm làm dâu, Hạ chưa bao giờ chủ động mua biếu dì đồng quà tấm bánh. Huy có nhắc nhở thì Hạ cũng miễn cưỡng vậy thôi, có vui vẻ gì đâu mà thơm thảo. Họa hoằn lắm Hạ mới cùng Huy về quê, lần nào dì cũng níu lại ăn bữa cơm để hỏi han trò chuyện. Nhưng lần nào Hạ cũng thẳng thừng từ chối. Trước mặt dì thì Hạ kêu bận công bận việc, nhưng sau lưng thì chê dì già rồi nấu nướng củi đuốc nhem nhuốc nuốt làm sao nổi. Dì mời uống nước Hạ cũng không dám chạm môi vào cốc chén cáu cạnh màu chè. Ghế dì mời ngồi Hạ phải kiếm bằng được cái khăn lau chùi kỳ cọ mới dám đặt người. Nhà dì có gọn gàng đến mấy Hạ cũng chê bụi bặm, lôi thôi. Dì tủi nhiều, nhưng vì thương Huy nên dì không nói. Nhiều khi ngồi nắm bàn tay nhăn nheo, đen sì nhựa của dì Huy chạnh lòng buồn. Cơm canh đạm bạc từ bàn tay gầy guộc này từng nuôi Huy lớn. Bếp lửa nhập nhèm từng sưởi ấm đời anh.

Ngay cả những đứa con dì mà Hạ thường chê nghèo nàn, cục mịch, chúng cũng đã từng nhường Huy những nắm cơm độn sắn. Mùa Đông nhường Huy manh áo ấm, nhường Huy cả suất thuốc tiêm phòng. Nhường Huy vòng tay của dì mỗi khi thấy anh tủi buồn thương nhớ mẹ. Ngay cả khi Huy lên thành phố học, chúng đi làm công nhân vẫn thỉnh thoảng lên thăm dúi cho Huy ít tiền trang trải. Huy lấy vợ, ít có thời gian về thăm dì và các em hơn. Thỉnh thoảng có công chuyện trên phố chúng đều ghé thăm nhà. Khi mang đôi gà, khi cân chè, cũng có khi xách cả yến khoai lang làm quà. Tấm lòng thơm thảo ấy dễ gì có được trong đời sống phố xá nhộn nhịp này. Ấy vậy mà Hạ không biết quý trọng. Lại cứ nghĩ các em lên cầu cạnh, xin xỏ, nhờ vả việc này việc kia. Bao nhiêu năm làm dâu thử hỏi Hạ đã cho ai, giúp ai được cái gì mà cứ lo chuyện thiệt hơn. Các em lên chơi mặt Hạ lúc nào cũng quàu quạu đề phòng như sợ mất miếng cơm, bát gạo. Có mấy trăm tiền tàu xe mà Hạ cũng đưa cho các em kiểu ban phát, bố thí thì ai muốn nhận. Mà không nhận thì vừa quay lưng đi Hạ đã bĩu môi bảo “đã nghèo còn sĩ”. Dần dà chẳng đứa em nào còn muốn đến thăm nhà, có hôm chúng ghé qua chỉ để treo trước cổng túi quà quê rồi vội vã ra về. Đến gọi điện hỏi thăm nhau cũng là chuyện họa hoằn, có gọi cũng chẳng biết nói chuyện gì. Sợ hỏi thăm nhau vài câu có khi chị dâu lại bảo “người đâu hay soi mói”. Anh em thân thiết quý trọng nhau là thế mà cứ dần tạo thành khoảng cách. Nên lần này dì ốm đã lâu mà không ai báo Huy một tiếng. Mãi đến lúc dì nhắm mắt xuôi tay Huy mới nhận được tin. Không được chăm sóc dì lúc đau yếu Huy thấy mình như đứa con bất hiếu. Nghĩ đến Hạ lòng Huy càng thêm rầu rĩ, buồn phiền.

Lo xong tang lễ của dì, Huy lầm lũi trở về thành phố. Câu đầu tiên Hạ hỏi chồng là chi tiêu đóng góp hết bao nhiêu? Thấy Huy im lặng thở dài, Hạ tặc lưỡi bảo “dì mất rồi từ giờ đỡ phải về quê”. Huy mồ côi lần thứ hai trong đời mà ngay cả chút cảm thông rất con người cũng không nhận được từ phía Hạ. Có những chiếc nút Hạ thắt lại Huy đã không có cơ hội gỡ ra. Như là nút thắt trong lòng dì vậy. Có lẽ cũng tại Huy hiền lành, nhu nhược quá. Hoặc là Huy đã không biết chọn người làm bạn đời nên cứ phải đơn độc bước đi. Huy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Khi chẳng thể tìm được tiếng nói chung với vợ. Mà những mối quan hệ thân thiết xung quanh cũng vì Hạ mà mất dần đi. Chiếc nút lớn nhất Hạ thắt lại trong chính lòng Huy rồi bỏ mặc tháng năm chồng vợ. Giờ Huy ngồi đây lòng ngập tràn nỗi hoang mang về chặng đường hôn nhân phía trước. Bởi hôn nhân của Huy cũng giống như đoạn dây thừng với quá nhiều nút thắt chồng chéo lên nhau. Đôi khi người ta chẳng còn cách nào hơn là cầm dao cắt bỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần