Truyện ngắn: Số phận

Trần Đức Hiển
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất ngờ lão khóc giữa đám đông. Cả đám người đang ngồi chắp tay nghiêm chỉnh đều nhìn theo như một phản xạ tự nhiên. Những người mới đến thấy lạ, ai đã gặp lão đều hiểu rõ vì sao.

Lão đứng dậy, ngửa cổ lên như để kìm chế tiếng khóc, vừa đi ra góc sân để tránh ảnh hưởng mọi người đang khấn vái. Cô đồng ngồi trên bảo: “Kệ ông ấy, ông ấy còn phải khóc nhiều, người ta còn bắt ông ấy ngủ đất cơ”. Lão ngồi đó, cứ sụt sịt, thỉnh thoảng đưa tay quệt mắt giống như trẻ con, nhưng trông cái mặt nhăn nhó đến khổ. Hai má lão hóp lại, da nhăn nhúm, trên người lão là cái áo cũ sờn, cái quần thùng thình thẳng đuột từ mông xuống. Khuôn mặt ấy và cái dáng gầy guộc vốn trông đã khắc khổ, giờ lão khóc nữa thì hẳn mấy ai là không khỏi chạnh lòng thương cảm. Một lúc sau, lão quay lại chỗ mọi người ngồi, mếu máo nói: Mấy đứa con bảo: “Bố mà chết thì con khổ, sẽ không được đi học” nghĩ thế nên tủi thân. Hức. Không có tiền mua chữ. Ư hư ư...

Nói xong lão lại khóc ồ lên. Cô đồng bảo: “Chết làm sao được mà chết. Cứ ngồi xuống khấn đi! Rồi sẽ khỏi”.

Lão ngồi xuống, chắp tay làm lễ, nước mắt vẫn lăn trên gò má nhăn nheo. Một lúc sau, lão lại đứng dậy, miệng mếu máo khóc không thành tiếng, hai tay ôm mặt ra góc sân ngồi tư lự.

***

Lão có tội. Vì là con địa chủ. Người làng bảo thế. Bố lão là địa chủ thì lão cũng có tội, cái tội bóc lột nhân dân. Bị thu hết tài sản, nhà lão phải đi ở nhờ. Đi đâu lão cũng bị người làng hắt hủi, chửi bới. Ngày ấy lão chỉ là đứa trẻ, nên cái cảm giác có tội, bị xa lánh cứ ám ảnh lão đến tận lúc lớn. Mấy anh chị em lão phải đi làm con ở, không được đi học, luôn bị xăm soi, không có cơ hội để làm cái gì ra hồn. Mãi sau sửa sai, nhà lão được xét lại là địa chủ yêu nước, bởi đã giúp đỡ nhiều cho kháng chiến, nhưng dường như định kiến vẫn chưa được xóa bỏ. Lão xung phong đi bộ đội, lão muốn lập công để xóa đi những định kiến xấu của dân làng về gia đình lão. Lão hăng hái dũng cảm và lập được nhiều chiến công, đã được là đối tượng cảm tình Đảng. Nếu không vì một vài cấp trên quan liêu, vẫn lấy lý do gia đình lão là địa chủ thì nay lão đã có huy hiệu mấy mươi năm tuổi Đảng. Kệ. Lão vẫn xông pha trận mạc, chiến đấu hết mình.

May mắn không bị thương, xuất ngũ với mấy huân huy chương khen thưởng, lão rất vui. Càng vui hơn khi có người vợ hiền thảo, khi những đứa con chào đời, lão vui sướng biết bao. Đó là nguồn động viên cho vợ chồng lão chăm chỉ làm ăn nuôi con. Vợ chồng lão hạnh phúc nhìn những đứa con khôn lớn trong tiếng cười hồn nhiên. Hạnh phúc ấy bắt đầu chịu thử thách khi các con lão lần lượt lên chín, mười tuổi, lần lượt bắt đầu đau ốm, lần lượt đi viện. Vợ chồng lão lần lượt thay nhau đi chăm con, lần lượt chạy vạy, đồ đạc nhà lão cũng lần lượt đi theo. Vậy mà các con vẫn cứ lần lượt ốm oặt, thuốc gì cũng không khỏi, cứ tong teo, quặt quẹo... Vợ chồng lão cũng gầy guộc, héo hon theo. Đâu rồi những hình ảnh chạy nhảy cười đùa của bọn trẻ. Bệnh tật, khó khăn bỗng biến gia đình lão trở nên u ám. Lão vẫn động viên vợ cố gắng, hàng ngày vẫn đưa đón chúng đi học. Lão thấy mình còn hạnh phúc vì vẫn được chăm sóc vợ con, tuy có vất vả.

Nhà lão đâu còn gì quý giá. Những cái gì quý giá về vật chất, có thể đổi thành tiền đều đã được đem đi để giữ được cái quý giá nhất là các con lão đây, để chúng còn được ăn, được học. Trong nhà tuềnh toàng, trống trơn. Gian giữa là cái bàn thờ nhỏ và cái chiếu đã sờn rách để ngồi uống nước, tiếp khách, cũng là chỗ ăn cơm. Một bên là cái giường và một bên là cái chõng tre không biết có từ bao giờ. Vật trang trí duy nhất trên tường là những tấm huân huy chương kháng chiến cùng các giấy khen của các con. Lão vẫn thường nhìn lên đó ngắm nghía, suy tư. Các giấy khen của con như là nguồn động viên mỗi khi lão cảm thấy mệt mỏi. Điều đó giúp lão thêm hăng say lao động. Lão chẳng nề hà việc gì, khỏe thì đi làm thuê, bốc than, bốc gạch... ai mướn gì làm nấy, khi mệt yếu thì đi nhặt rác hay chọn những việc nhẹ để làm, tuy có ít tiền hơn. Ngày trước còn nhiều ruộng, vợ chồng lão chỉ đi làm thêm những lúc nông nhàn, còn chủ yếu vẫn chăm lo cấy cày lấy gạo ăn. Tuy làm ruộng có vất vả nhưng cũng đủ gạo đủ rau ăn hàng ngày. Từ ngày Nhà nước có dự án, ruộng nhà lão mất đi phân nửa. Vài chục triệu tiền đền bù so với làm ruộng cả năm được vài triệu là lớn đối với nhà lão, cũng như các nhà trong xóm. Số tiền đó đong gạo ăn được cả vài năm. Nhiều nhà mơ ước. Ngay như nhà lão, tuy số ruộng còn lại làm chưa chắc đã đủ ăn, nhưng bù lại, nhà lão đã có tiền trả nợ, có tiền thuốc thang cho con. Dù sao cũng đỡ được một thời gian không phải chật vật lo tiền.

Lão không biết bao giờ thì khá hơn, bao giờ thì các con khỏi. Lão cũng không hiểu vì sao các con lão lại bị như thế. Lão đâu có ăn ở thất đức mà để bị quả báo. Người làng thì cứ bảo: Tại ngày xưa lão đi phá đình phá chùa để tiêu thổ kháng chiến, nên bị thần linh trừng phạt. Lão chả tin. Đó là phong trào toàn dân, lão làm theo mệnh lệnh chứ có phải tự ý phá bừa đâu, để phục vụ Nhân dân cơ mà, thánh nào lỡ trừng phạt? Cũng lại giả thiết nữa: Tại hồi mới đây, làng xây lại chùa, cái chùa xây tạm từ sau hòa bình lập lại được phá đi, lão cũng có chân trong đội phá dỡ, làm giúp dân làng là chủ yếu. Sau người ta có cho những người đi phá dỡ lấy một số thứ không dùng đến, coi như trả chút công. Lão nhận được ít gỗ, mang về đóng được cái giường cho con. Lão vui lắm, các con lão đỡ khổ. Vậy mà khi các con lão ốm quặt ốm quại, người làng lại bảo tại thánh trừng phạt vì lấy của chùa. Lão cũng chả tin. Chả lẽ thánh lại trừng phạt cả những đứa con lão? Chúng có tội tình gì? Còn ông Bí thư, ngày đó ai chả biết ông giấu giếm lấy gạch chùa phá ra, về xây được hẳn cái chuồng lợn. Giờ nhà ông ấy chả giàu nhất làng. Có thấy thánh phạt gì đâu? Người làng lại bảo: Chưa đến lúc, không ai qua được mắt thánh đâu. Ừ thì cho là thế, nhưng sao thánh lại đi phạt người nghèo trước? Thôi! Lão cũng chả buồn nghĩ linh tinh. Lão còn phải tất bật làm việc, lo kiếm tiền thuốc thang nuôi con ăn học. Đứa lớn đã vào đại học, đứa bé cũng đang học phổ thông, bao nhiêu là thứ phải lo, tốn kém.

Kể lão cũng tài xoay xở, đúng hơn là lão luôn tận tâm tận lực làm việc, chịu khó nhặt nhạnh ki cóp từng thứ người ta vứt đi, nhưng với lão thì cái túi nilon cũng có giá trị. Nếu có ai bảo lão tỉ mẩn mất công, lão lại cười: Kiến tha lâu đầy tổ, vừa có tiền vừa có công bảo vệ môi trường. Tôi sắp lập kỷ lục rồi đấy! - Dứt lời là cả hai cùng cười hớ hớ. Bởi ai chả hiểu lão tếu táo cho vui chứ cái kỷ lục của lão thì ai thèm quan tâm. Những lúc ấy, nhìn những nếp nhăn đầy khắc khổ mà hồn hậu. Dường như khuôn mặt ấy chưa bao giờ có một cử chỉ, thái độ của một việc làm sai trái hay hiểm ác. Nhìn khuôn mặt ấy là biết ngay người ở hiền. Vậy mà lão đâu có gặp lành; con cái lão vẫn ốm đau, gia đình lão vẫn cùng cực. Ngoài việc chăm chỉ làm việc, lão và các con vẫn từng ngày, từng ngày kiên trì gấp những con hạc giấy, bởi họ vẫn được nghe người ta “tuyên truyền” về những điều tốt đẹp của ước mơ sẽ thành hiện thực nếu ai đó gấp được chín trăm chín mươi chín con hạc giấy. Nhưng đã gấp xong số hạc ấy mà vẫn không hề có một điều kỳ diệu nào xảy ra. Lão cũng không biết giải thích với con thế nào. Đành bảo chúng nó hãy coi như đó là trò chơi, như thế cũng là tạo tính kiên trì và niềm tin cho trẻ con. Lão lại bảo: Hay các con thử gấp ngôi sao với số lượng như thế, biết đâu điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Lão biết đó cũng chỉ là trò an ủi chúng, để cho chúng hy vọng. Mà bản thân lão cũng hi vọng; Chả thế mà từ lâu lắm rồi, lão chỉ ngủ đất, bất kể mùa nào. Bởi không biết nghe ai hay lão tự nghĩ ra rằng như thế là để chuộc lỗi, để chịu tội thay con và cũng hi vọng có điều kỳ diệu xảy ra, biết đâu vì thế mà con lão khỏi bệnh. Chắc có lẽ lão lại nghe ai nói về sự trừng phạt của thần linh, rằng những ai phá chùa, tham ô rồi các con phải chịu tội thay. Dù cũng chả tin nhưng dường như vô thức, lão cứ ngủ đất. Người làng biết chuyện bảo lão điên, có người bảo bị ma làm, bị giời đày... lão cũng kệ.

Lão thường ra khu đồng thuộc dự án đã bỏ hoang từ lâu. Ngày đầu khi đất mới bị thu hồi, chiều nào cũng thấy lão ra đó ngắm nghía chả biết tiếc nuối, hay vui thú vì sắp có một điều mới mẻ khác biệt với cảnh đồng ruộng yên ả nơi đây. Nhưng rồi không thấy sự khác biệt tốt đẹp “giúp dân làng văn minh hơn...” mà những người về làm dự án vẫn nói với cả làng. Chỉ thấy cỏ mọc um tùm. Khu dự án tự nhiên trở thành nơi thả trâu bò của cả mấy xóm xung quanh. Nhưng được một thời gian bỗng dưng trâu bò cũng không ăn cỏ ở đây nữa. Là người hay ra đây, lão hiểu. Thì ra vì nhiều trâu bò cứ ăn rồi lại ị luôn ra đây, lâu dần rải rác khắp bãi, tự nhiên là nguồn phân bón cho cỏ mọc càng tốt hơn. Nhưng oái oăm là lũ trâu bò lại không ăn loại cỏ do chính phân của chúng bón vào. Có lẽ vì loại cỏ này hôi. Nếu cứ thế này thì lại bỏ hoang cả bãi mênh mông. Lão bèn cặm cụi tỉ mỉ đi hót từng bãi phân nhỏ gom về bón ruộng. Nhưng ruộng nhà không dùng hết, lão lại đem cho các nhà trong xóm. Lão vẫn bảo với mọi người đó là “sản phẩm của những con bò trí tuệ. Không trí tuệ sao biết chê cỏ có phân?” Thương lão vất vả, mọi người trả ít tiền coi như động viên. Sau một thời gian bãi được sạch sẽ, đàn trâu bò lại trở lại đông đúc. Thế là lão lại có thêm một công việc có ích nhưng mọi người vẫn cho đó là bần cùng. Nhìn lão với đôi quang gánh phân mà cám cảnh. Không biết sẽ kéo dài tới bao giờ? Nhiều người lại bảo lão bị giời đày. Không biết lão có nghĩ gì không? Nhiều lần lão khóc một mình. Lão tự nhận mình có tội, có lỗi với vợ con. Lão biết vì mình mà con cái ra như thế. Bây giờ thì lão đã hiểu cái màu cam đẹp đẽ khắp cánh rừng hồi chiến tranh ấy như thế nào. Nhưng bất lực. Lão không thể thay đổi, chỉ có thể cật lực làm nụng để có tiền lo cho các con.

Những giấc mơ kinh hãi, ám ảnh, những ý nghĩ bế tắc. Lão không hiểu tại sao mình hay mơ thế; Lão thấy nhà cửa mình tan hoang giữa gió bão, hai đứa con cứ thoi thóp, thoi thóp như những con chim non bị bỏ đói trong tổ, ngặt nghẽo, yếu ớt, run rẩy. Vợ chồng lão cố gắng cố gắng che chắn, bảo vệ cho chúng khỏi bị ướt, bị rét mà không được. Dường như mọi cách đều không có tác dụng. Lão cởi cả áo ra đắp cho con mà vẫn thấy chúng co ro. Như có một khoảng cách vô hình nào đó khiến cho tất cả những gì vợ chồng lão làm để giúp con đều không được. Lão gọi nhưng không thấy chúng phản ứng, có lẽ chúng không hề biết có bố mẹ ở bên. Vợ chồng lão bật khóc vì thương con, vì bất lực, không thể làm gì để giúp chúng tránh khỏi mưa bão, đói rét... Lão lại càng khóc lớn. Tỉnh dậy với hàng nước mắt còn lăn trên đôi gò má nhăn nheo, ngồi bần thần nhớ lại giấc mơ, lão càng suy nghĩ. Rồi đây khi vợ chồng lão không còn, các con lão biết nương tựa vào đâu? Chúng bệnh tật, yếu ớt như những con chim non ấy. Lão muốn nuốt nước mắt vào trong mà không được...

Đấy! Lão đấy! Lão khóc. Đầy khổ sở. Người ta cứ bảo lão có căn số, phải đi làm lễ sám hối, trả nợ tam tứ phủ gì gì đó cũng hết khối tiền. Thôi thì lão cũng cứ nghe lời họ mà đến gặp cô đồng cho nhẹ lòng. Biết đâu giời lại thương... ít ra cũng có chỗ để hi vọng. Số phận lão vẫn như mới bắt đầu...!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần