[Truyện ngắn] Thị ơi, thị hỡi

Hoàng My
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Em tên Tấm. Phan Thị Tấm. Cái tên dân dã đậm đà bản chất dân gian.

Đó là sau này bạn bè hay vui miệng trêu chọc bảo vậy. Còn thuở đi nhà trẻ, khi cô giáo kể tới câu chuyện có em là nhân vật chính, các cô bé cậu bé cỡ tuổi em cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn em ngạc nhiên lạ lẫm. Rồi cậu bạn có tên là Tèo đầy băn khoăn hỏi:
- Bạn Tấm ơi bạn Tấm, bạn chui ra từ quả thị thật đó à?
Bây giờ thi thoảng nhớ lại, em vẫn không sao quên được cảm giác đầy hãnh diện tự hào của mình lúc đó. Cô Tấm trong câu chuyện kể vừa xinh đẹp giỏi giang, lại hiền lành, tốt bụng, được mọi người yêu mến. Làm sao mà không vui cho được.
Trong trí óc non nớt của em khi đó, em cứ ngỡ mình chính là cô Tấm, sẽ cưới được hoàng tử. Dù cưới được hoàng tử thì sung sướng hạnh phúc thế nào, lúc đó em cũng chưa hình dung ra được.
Khi lớn hơn, nhờ cái tên hơi đặc biệt mà em thường được thầy cô ưu ái tí chút. Đôi lúc cũng hơi thiệt thòi, ví dụ như khi đầu năm mở sổ ra gọi trả bài, hoặc khi lớp có dự giờ chẳng hạn, tên em sẽ gợi cảm giác tò mò, muốn chiếu tướng xem thử con bé mang cái tên cổ tích kia có xứng đáng hay không thì phải.
 Minh họa An Chi
Vì em tên Tấm, nên đương nhiên bạn bè cho rằng em nhu mì hồn hậu. Tính em trầm lặng ít nói, ít tham gia các hoạt động ồn ã vui nhộn. Những buổi cắm trại, đi chơi càng vắng bóng em. Một cách không cố tình, em hơi chút khó gần, không như nhiều bạn nữ khác cùng trang lứa. Đôi khi vẩn vơ em nghĩ, chẳng lẽ bởi là do cái tên ba mẹ đặt cho em?
Nghĩ cũng lạ. Sao ba mẹ lại đặt tên em là Tấm nhỉ? Giữa bao nhiêu cái tên con gái khác, tầm thường có, quý tộc có, đẹp có, xấu có, hay ho có, buồn cười có, sao lại chọn cái tên cô gái dân gian nổi tiếng kia gán ghép cho em? Em những muốn hỏi ba mẹ em câu đó lắm chứ, nhưng chẳng mấy khi có cơ hội.
Nhà em nghèo quá. Ba mẹ phải đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, lấy đâu ra thời gian mà trò chuyện hỏi han gì. Chẳng biết ngày xưa cô Tấm xuất thân có nghèo hèn tới mức như em hay không, hay cô chỉ chịu đói rách bởi vì sống chung với dì ghẻ độc ác? Bởi vì em gái Tấm, cô Cám trứ danh vẫn có quần áo đẹp mặc đi xem hội đấy thôi. Chứ em, quanh quẩn chỉ có vài ba bộ đồ thay đổi, mỗi lần trời mưa nhiều ngày là thắc thỏm lo sợ không có đồ khô mặc đi học.
Chẳng biết ngày xưa cô Tấm đói nghèo có thấy khổ sở tủi thân, chứ riêng em thì rất sợ ai đó biết mình nghèo khổ. Sao mà thiếu thốn trăm bề. Tiền học ba mẹ cứ phải đi vay mỗi khi đến đợt. Để rồi sau đó ba mẹ khó trả nổi, vì làm thuê làm mướn biết ngày nào có dư mà dành dụm. Nên thi thoảng em nghe ngoài cửa vang lên nhiều câu cay nghiệt, đại loại như, “không có tiền mà bày đặt cho con đi học”, “con gái con đứa, học cho lắm vào rồi cũng nằm ngửa…”.
Dù ngày em đi học, tiền học cũng chẳng phải là nhiều như bây giờ, chẳng có trường tư trường điểm lung tung. Em học trường làng, chung lớp với thằng Tèo. Tất nhiên đó cũng chỉ là cái tên thuở ở truồng của nó mà thôi.
Những lúc đó, em nép sau cánh cửa nhà bếp, thấp thỏm lo người ta nhìn thấy mình, như thể việc dám đi học của em chính là một cái tội tày đình. Ai đó dám mạnh miệng bảo, nghèo không phải là cái tội thì đúng là… Em sợ hãi, em run rẩy. Và em giận dữ.
Giận gì, chính em cũng không rõ. Chỉ cảm thấy sôi sục trong lòng mình ý nghĩ phải làm cái gì đó, phải thay đổi cái gì đó, phải cố gắng một cái gì đó… “Cái gì đó” là cái gì thì chính em cũng không biết. Nhưng em vẫn nhận ra lòng mình tràn ngập một thứ quyết tâm mơ hồ, tồn tại bền bỉ trong em, dai dẳng đến không ngờ.
Theo lẽ thông thường, em sẽ cố gắng học thật giỏi. Hiển nhiên phải thế, như trong các câu chuyện kể ngày xưa. Nhân vật chính nếu là người tốt sẽ bao gồm toàn những điều hay điều đẹp.
Thế nhưng, đời em không là một câu chuyện cổ tích với cái kết thúc có hậu chờ sẵn. Khi em lớn hơn, cũng đôi lần hoài nghi: Có phải một đám cưới tưng bừng của công chúa và hoàng tử, của Lọ Lem và hoàng tử, của Tấm và nhà vua có phải là cái happy end thật sự hay không? Lẽ nào sau đó họ không phải chung sống, không phải đối mặt với bao nhiêu lo lắng đời thường. Hay lấy được hoàng tử là một bảo đảm chắc chắn cho hạnh phúc?
Đã là hoàng tử thì cũng luôn luôn là người tốt vẹn toàn: giàu sang, chung thủy, không nhìn ngang liếc dọc các cô gái khác, có trách nhiệm với gia đình, yêu thương vợ con, luôn biết “hoàn thành nhiệm vụ” với Tấm, với Lọ Lem, với công chúa, chẳng hạn?
Em không có thời gian để mà băn khoăn. Em bận đi dạy thêm, phát tờ rơi quảng cáo, tiếp thị sữa rửa mặt… Những việc vừa cực vừa khó kiếm tiền, phải đối mặt với bao nhiêu tủi nhục bất trắc. Em không lười.Cô Tấm ngày xưa siêng năng bắt cá bắt tôm, giỏi giang việc nhà. Thì em cũng có thể quần quật lao động kiếm sống, đóng tiền học cho chính mình. Nhưng thâm tâm em không cam lòng. Tại sao em không có quyền được sửa soạn phục sức, được đi xe đẹp vi vu? Em không được nâng niu trân trọng chỉ vì mình nghèo thôi sao?
Ngày xưa chắc chắn cô Tấm phải đẹp. Người tốt thì phải có bề ngoài tương xứng, cổ tích là vậy. Nếu cô Tấm hoặc Lọ Lem xấu xí thô thiển, thì liệu họ có chắc chắn trở thành hoàng hậu? Em cam đoan là khó lắm! Mà nếu có vì lý do gì đó để hoàng tử động lòng thương, thì tương lai hạnh phúc hôn nhân cũng khó mà bền vững. Cạnh tranh thời nào cũng khốc liệt, nhất là cạnh tranh để chiếm giữ được trái tim người đàn ông mình yêu thương lại càng bi phẫn hơn nữa.
May mắn thay, hay biết đâu chính nhờ cái tên, em cũng xinh đẹp. Da trắng, dáng thon, điện nước đủ xài. Đó là nói theo chúng bạn thời hiện đại bây giờ, chứ ngày xưa chắc chẳng ai khen cô Tấm như vậy. Nhan sắc đúng là một thứ tài sản vô giá mà em có thể cảm nhận được. Giữa cái thời mà người người thi hoa hậu, nhà nhà thi hoa hậu như bây giờ, em mới hiểu hết giá trị của cái vẻ bề ngoài ông trời ban tặng cho mình.
Thằng Tèo lớn lên cũng lột xác như Sọ Dừa, thành một chàng trai cao ráo mạnh khỏe, có đôi mắt và vẻ mặt khá cuốn hút. Nhưng nhan sắc đàn ông thì chưa chắc bẻ ra ăn được, không như nhan sắc đàn bà. Ra đường, đàn ông chỉ đẹp trai thôi thì chưa đủ. Phải có phụ kiện vật chất xe cộ ví tiền đi kèm thì mới ép phê.
Cho nên mặc thằng Tèo đeo đuổi, lòng em vẫn dửng dưng. Em muốn bay cao, bay xa hơn nữa, chứ thằng Tèo dù có thế nào vẫn chẳng phải là hoàng tử. Ngay từ lúc nhận thức về bản thân mình, em đã biết, cô Tấm là phải dành cho hoàng tử. Một hoàng tử thời hiện đại có thể bao bọc, chăm lo cho em và gia đình em.
Dù hoàng tử thực thụ không nhiều lắm. Bởi vì hoàng tử thì không thể nhỏ nhen hay ích kỷ, lại càng không ham mê sắc đẹp vô độ, hay không thể quá già, bụng bự trán hói được. Nhưng chuẩn “hoàng tử” của em lại chẳng cần đếm xỉa tới những khía cạnh đó. Hoàng tử của em phải có thực lực, và quan trọng là phải rộng rãi chịu chi.
Đã có người đàn ông giàu sang thành đạt khi ôm em trong tay, cười hích hích hỏi rằng, anh có phải là hoàng tử đâu mà cũng được ăn chơi với cô Tấm đây này. Cảm giác lúc đó của em thật khó chịu vô cùng. Thế nhưng em vẫn ngọt ngào nở nụ cười dễ thương lả lơi nhất có thể. Ngày xưa khi hoàng tử được cô Tấm yêu chiều chắc cũng đến thế mà thôi.
Em thích quả thị. Không phải tỏ vẻ lãng mạn hay để cho phù hợp với tên tuổi của mình. Khi em lớn lên, chẳng mấy vui vẻ tự hào gì về cái tên mình nữa, thậm chí còn thấy nó quê mùa cục mịch thế nào ấy. Thế nhưng, em chẳng hiểu sao vẫn say đắm loại trái cây cổ tích ấy. Cô Tấm mà thiếu quả thị thì còn gì là cô Tấm nữa, phải không nào?
Chỉ có thằng Tèo là biết em thích cái quả màu vàng căng mọng thơm nức đó. Giữa thành phố này, tìm ra chỗ bán thị cũng là cam go. Vậy mà, thi thoảng em vẫn thấy trên đầu giường tầng của mình có thị. Đó là khi em vừa đi ra ngoài, thằng Tèo kiên nhẫn ngồi chờ cả buổi, để cuối cùng cũng đành ngậm ngùi và buồn bã đi về. Em còn bận việc của riêng em. Thằng Tèo lại càng không biết bây giờ em chẳng còn ăn thị nữa.
Dù lòng em vẫn luôn dịu xuống mỗi khi nghe hương thị thơm thơm đầu giường, ngòn ngọt và êm ả. Đó là những buổi tối khi em trở về phòng, mệt nhoài, rã rượi. Đời có ai cho không ai cái gì? Nên để có được những đồng tiền, dăm món quà sang trọng, em phải ngoan ngoãn để người ta tận hưởng, phủ phê. Em chấp nhận đánh đổi để mưu cầu cuộc sống khác, khá hơn theo một nghĩa nào đó. Niềm tin vào những điều tốt đẹp trong chuyện cổ tích ngày càng mai một dần theo giá trị những tờ tiền em có được. Tình yêu, hạnh phúc, lương thiện, người tốt… có xa xỉ lắm không giữa cái thời hoàng tử càng ngày càng hiếm hoi, và cô Tấm thực ra hiền hay ác cũng khó phân biệt như thế này?
Thằng Tèo lại qua tìm em. Em vẫn quen gọi nó bằng cái tên cúng cơm quen thuộc. Nó mang theo một ít rau tần dày lá nhà trồng. Mấy bữa nay em bị ho. Nó còn chu đáo cầm theo mấy quả tắc chưng đường phèn cùng vài viên thuốc. Em hững hờ cầm lấy, nói cám ơn đầy khách sáo. Thâm tâm em cũng không muốn lạnh nhạt với nó như thế. Nhưng em có nguyên tắc của em, không thích đeo đẳng cái gì vớ vẩn tầm phào. Mà những thứ thằng Tèo làm cho em thì không có tính từ nào phù hợp hơn để mà gọi tên bây giờ.
Dù đôi lúc em cũng ghê tởm chính mình. Sau những cuộc vui vầy đó, em đứng lặng trong nhà tắm, để làn nước lạnh toát trôi tuột trên thân thể những dơ bẩn, nhớp nhúa còn sót lại. Em không khóc. Em vốn đã lâu không khóc nữa. Có khi, em còn không dám nhìn quả thị sót lại trên đầu giường, cảm thấy mình hình như không thể hồn nhiên mà cầm lấy như ngày nào.
*****
Em trang điểm kỹ càng, diện lên người bộ đồ gợi cảm, “sô” ra những thứ cần khoe và đứng cùng với mấy cô gái khác, chờ đợi. Khách khứa bắt đầu ra vào nườm nượp. Quán rượu nổi tiếng vì những món ăn chơi bắt đầu trở nên nóng rẫy, chật chội. Đêm cũng vừa đủ khuya để mà khai hội. Rồi thì ai đó sẽ chọn em, cô gái có nét môi nũng nịu đang cầm trên tay một quả thị.
Người ta sẽ hỏi em tên gì. Để em, sẽ giả vờ cong cớn bảo, em tên Tấm. Cô Tấm trong truyện cổ tích đó. Họ bật cười, tưởng rằng em giỡn. Sau nữa, khi biết rằng em không nói dối, ai đó sẽ nửa đùa nửa thật rằng, cô Tấm sao lại lưu lạc chốn này? Định tìm hoàng tử thật hay sao? Mà cô Tấm nghĩ kỹ lại cũng ác lắm nghen, dội nước sôi em mình, làm mắm, chẳng khác gì mấy vụ án giết người kinh dị thi thoảng vẫn thấy trên mạng bây giờ.
Rồi thì, em sẽ khẽ cắn đôi môi đẹp của mình, tự hỏi rằng, hoàng tử của em ơi, người có tồn tại thật không, bây giờ người còn phiêu bạt nơi nào? Liệu khi em và người tìm thấy nhau, có quả thị nào đủ sức để gột rửa lại em cho xứng với người?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần