[Truyện ngắn] Tiếng vọng từ phía rừng

Truyện ngắn của Phùng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh sườn non của đỉnh Ngọc Linh cao ngút ngàn, làng Loong Dôn ngự trị giữa một thung lũng trải rộng. Những ngọn Luông Gâng ka pô của người Sê Đăng vươn lên tầng cao của mây trời phiêu đãng; những hình cây lương thực, chim cá, hình mặt trời làm bằng xơ tre phất phơ trong gió.

 Minh họa: An Chi
Họ bảo đó chính là những bức thông điệp của con người gửi đến vũ trụ bao la. Con người có điều ước gì hãy gửi vào đó sẽ được toại nguyện. Trên đỉnh Luông Gâng ka Pô cánh chim Jil bằng gỗ tung cánh bay dưới sao ngàn như báo hiệu một điềm lành sắp tới. bên gốc ngọn Luông Gâng ka pô đối chiếu với đỉnh nhà rông, có một người con trai không phải là dân bản địa, mặc bộ đồ quân phục đứng hằng tiếng đồng hồ để nhìn lên khoảng trời nơi có cánh chim. Anh cố hình dung về quá khứ, cái quá khứ hào hùng nhưng đầy nước mắt bởi phải đổi lấy xương thịt của người thân. Trong bất giác anh nghe tiếng xào xạc của gió ngàn, tiếng rít lên từ đất, tiếng ầm ào từ phía bên kia chân trời xa thẳm… Anh vẳng nghe âm điệu đều đều từ bên trong lồng ngực của già làng A Thók kể về cuộc chiến tranh:
Buổi sáng ấy là một buổi sáng mùa mưa, rừng núi Ngọc Linh chìm đắm trong thâm u. Tất cả hình như đã dừng lại. Không có tiếng súng, không có một bóng người, trẻ con trong làng yên vị chăm chỉ ăn củ mỳ nướng chấm với tro. Ăn xong chúng lại ngủ, hình như chỉ có giấc ngủ mới xua tan nỗi sợ hãi mà chúng đã từng ngửi thấy từ trong bụng mẹ: khói súng và tiếng nổ ì ầm trong tháng ngày lửa đạn… Bên góc của một sàng nhà rách nát ẩn mình dưới lùm cây bìm bịp, có một sự sống mạnh mẽ đang dồn nén. Dăm bảy cái đầu đang dúi vào một bản sơ đồ, họ là những chiến sĩ B3 đang có một kế hoạch phá đồn. Chốc chốc họ nhìn lên mặt đầy căng thẳng. Đội trưởng của họ là đồng chí Tống Huy Thành gương mặt điềm đạm. Sau những phút suy nghĩ anh đã đưa ra một quyết định dứt khoát: “Tôi quyết định A Thók cùng đi với tôi, các đồng chí ở lại để làm nhiệm vụ bảo vệ buôn làng!”. A Rai, A Dao, A Dôn… ngạc nhiên về sự quyết định ấy của đồng chí đội trưởng. Trong thâm tâm họ muốn cùng đi theo để tận tay đánh đồn A Pót bắt sống được tên ác ôn A Pót về cho buôn làng, thế nhưng đồng chí Tống Huy Thành giải thích: “Đánh đồn không cần nhiều lực, tôi và đồng chí A Thók có thể đảm đương được. Các đồng chí ở lại bảo vệ buôn làng đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng chứ sao?”.

Lệnh đã ban ra mọi người đều chấp hành và trở về vị trí của họ. A Thók và đồng chí đội trưởng ở lại. Cả hai chuẩn bị vũ khí đầy đủ chờ đến tối là hành động. Thời gian trôi đi một cách chậm chạp khiến cả hai đều rất sốt ruột. Họ đem chuyện đời tư để kể cho nhau nghe nhằm vơi đi sự căng thẳng. Trong mơ màng đồng chí đội trưởng kể: “A Thók à, có lẽ đúng ngày này đứa con trai đầu lòng của mình sẽ ra đời. Tiếng nổ phá đồn hôm nay sẽ là tiếng vui mừng cho nó. Nó sẽ là đứa con trai da dẻ trắng hồng, con trai Hà Nội mà lị! Và nó sẽ cực kì thông minh khỏe mạnh. Lớn lên nó sẽ đi bộ đội là chiến sĩ phi công cơ đấy! Nó lái được cả máy bay tiêm kích để tìm máy bay địch bắn nổ tung trước khi chúng thả bom xuống buôn làng mình” rồi anh cười một cách tự tin. A Thók đồng cảm, mặt hớn hở: “Thế hòa bình nó sẽ chở mình bay qua làng Loong Dôn này chứ và nó sẽ đảo một vòng qua đồn A Pốt xem lại chiến công xưa của chúng ta?”. Đồng chí Thành ôm A Thók vào lòng, trong miên man anh bảo: “Có chứ, chắc chắn mình sẽ bảo nó đáp xuống ngay giữa đồn thế là hai chúng ta đi tìm lại những chiến tích” Bỗng mắt đồng chí đội trưởng đượm một chút buồn, hình như anh đang hồi tưởng lại những kỉ niệm. Nhìn vào chiếc nhẫn năm phân vàng tây trên ngón tay trái áp út. Hai ngón tay vân vê, anh nghẹn ngào kể lại: “A Thók biết không, đây là chiếc nhẫn cưới của vợ mình tặng mình đấy. Ngày mình đi vào Nam, cô ấy tiễn mình trong nước mắt và dặn mình phải bảo toàn tính mạng. Đến ngày chiến thắng chiếc nhẫn này sẽ là niềm tự hào của con chúng ta!” A Thók ngậm ngùi. Bằng ngôn ngữ địa phương anh đã cầu xin Giàng cho niềm vui, niềm hạnh phúc của đồng chí đội trưởng được toại nguyện.

Giờ G đã điểm. Hai người vội vàng mang vũ khí vào người và lao vào đêm tối. Đường từ làng Loong Dôn đến đồn A Pót không xa lắm nhưng phải vượt qua những cánh rừng ẩm thấp. Hai bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện. Sau khi vượt qua cánh rừng họ phải vượt qua lối mòn bằng động tác trườn và những cú lăn lộn để vượt qua những chướng ngại vật. Chốc lát cả hai đã tiếp cận vào hàng rào dây thép gai chằng chịt. Mưa đã bắt đầu đổ xuống xối xả. Những vệt sáng yếu ớt trong mưa loáng qua hàng rào dây thép. Hai người nín thở nằm bất động. Họ nín thở để bớt căng thẳng. Tiếng lách cách của kìm đều đặn trong mưa. Hàng rào dây thép gai đã nới rộng để từng người trườn qua. A Thók đã trườn hẳn người vào trong, anh sốt ruột tìm một nơi nào đó để băng người vượt qua nhưng một vết sáng quét lùi lại vào chỗ của anh. Bóng đen đổ xuống và nằm bất động. Tiếng chó sủa trong mưa vọng ra ngoài nghe ăng ẳng. Luồng ánh sáng lại uể oải quét đi. Đội trưởng Thảnh ra hiệu cho A Thók nhanh chóng vượt qua. Thành cũng đã lọt vào trong, anh lao qua những dãy nhà gỗ tựa người vào một vách ván. Cố định hình các vị trí cần tiếp cận để đặt chất nổ. Những khối thuốc nổ được đặt chớp nhoáng vào các địa điểm kho xăng và kho đạn. Sau chưa đầy 30 phút. A Thók đã điểm bằng một phát súng đầu tiên ngay vào đỉnh tráng của tên lính gác, từ trên chòi canh một bóng đen rơi xuống. Bọn lính chạy nháo nhào còi báo động nổi lên inh ỏi. Trong tích tắc những tiếng nổ xé trời cùng với những cuộn lửa phụt lên bầu trời đen tỏa ra thành hình nấm. Sức nóng đã thiêu cháy những gì ở bên trong có. Một vài loạt súng bắn loạn xạ và yếu ớt. A Thók băng mình vượt qua ánh sáng lộn vòng qua các ụ đất, tất cả các động tác hết sức nhanh chóng. Trong khoảng thời gian ngắn A Thók đã đến điểm hẹn. Và anh thảng thốt khi thấy người đội trưởng của mình đã đến đó từ bao giờ, máu me trên khuôn mặt chảy tràn xuống ướt đẫm chiếc áo. Người đội trưởng cố gượng ngẩng đầu lên: “Mình không thể sống nổi rồi A Thók ơi! Nếu mình chết, hãy chôn cất mình bên cạnh góc bằng lăng già ở đầu làng. Sau này con mình sẽ tìm mình…”. Và người đội trưởng đã trút hơi thở cuối cùng. A Thók trườn người và kéo xác người đội trưởng ra khỏi hàng rào dây thép. Tiếng nổ vẫn rền vang phía đằng sau anh.

Cuộc chiến tranh đã chấm dứt. Kỷ niệm về người bạn chiến đấu tưởng chừng như đã chôn chặt trong lòng đất. Ấy thế mà kỷ niệm về cuộc chiến tranh đầy nước mắt lại gợi lên trong lòng già làng A Thók. Đứa con trai đúng như lời tiên đoán của người đội trưởng năm xưa, đã bao năm lặn lội đi tìm cha - tìm những người bạn cùng chiến đấu với cha qua những dấu tích còn để lại ở phòng lưu trữ hồ sơ của Sở Thương binh lao động. Anh trở về với buôn làng Loong Dôn không bằng máy bay, mà bằng đôi chân của mình từ mùa mưa năm trước đến mùa mưa năm nay với sắc phục và quân hàm đại úy không quân. Già làng A Thók đã đưa anh đến đồn A Pót để chứng kiến một trận đánh cam go nhưng chiến tích vẫn còn vang dội. A Thók đưa anh đến bên nấm mồ của cha dưới gốc bằng lăng giờ đây già cỗi. Nhưng anh và già làng a Thók đã bị phản ứng gay gắt của hội đồng già làng, họ bảo: “A Thành là con của làng Loong Dôn từ bao năm nay, Thành đã uống máu ăn thề với lũ làng. Sống cùng với lũ làng, chết cũng cùng với lũ làng. A Thành đã thành ma để bảo vệ cho dân làng. Bao năm nay ma Thành đã cho dân lũ làng hạt lúa với trái bắp, A Thành phải ở lại cùng ăn với lũ làng”. Rất nhiều lần A Thók phân tích về tình máu mủ của cha con cho dân làng biết nhưng hội đồng già làng không chịu nghe. A Thók bảo: “Nếu không để cho cha con A Thành đoàn tụ theo nguyện vọng thì A Thành sẽ buồn và sẽ nổi cơn thịnh nộ. A Thành đã vì cuộc sống của dân làng đem xương máu của mình để bảo vệ buôn làng đến ngày hôm nay. Đừng để A Thành phải buồn. A Thành sẽ phạt lũ làng không có một hạt lúa mà ăn!”.

Trời bỗng nổi lên trận cuồng phong, dưới ngọn Luông Gâng ka pô người chiến sĩ không quân vẫn đứng đó và ngửa mặt lên đỉnh ngọn nơi có cánh chim Jil. Gió càng lúc càng nổi lên giận dữ. Cả làng Loong Dôn bàng hoàng kinh hãi. Trẻ con chạy táo tác, các già làng dáo dác nhìn nhau. Bỗng một tiếng “Ầm!” kinh hãi! Gốc bằng lăng già đổ xuống. Cả hội đồng già làng khiếp đảm, họ chạy ào ra phía cây bằng lăng, họ lặng người, một hài cốt còn nguyên vẹn nằm êm đềm trong tấm nilon dưới hố sâu chừng hơn 2m. Tất cả đều quỳ sụp xuống cầu xin khẩn thiết. Già làng A Thók đứng lặng yên, đầu cúi xuống giọng trầm ngâm bảo: “Thế là cuối cùng Giàng cũng đã sắp xếp cho cha con Thành gặp nhau. Các người hãy mau về chuẩn bị lễ tế Giàng và tiễn đưa đồng chí Tống Huy Thành theo phong tục của làng!”. Cả hội đồng già làng ai nấy đều khẩn trương giải tán để về chuẩn bị nghi lễ theo phong tục. Trời bỗng nhiên im ắng, ánh nắng bắt đầu xuyên qua các tầng lá trên đỉnh Ngọc Linh rọi xuống làng Loong Dôn. Ánh mắt của đại úy không quân, con của liệt sĩ Tống Huy Thành sáng lên. Niềm hân hoan của ngày hội ngộ đến với anh sau hơn 27 năm tìm kiếm, anh ôm choàng A Thók vào lòng. Nghe trong hơi ấm ấy có hơi ấm mặn nồng của tình cha con.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần