Truyện ngắn: Vàng phai hoàng yến

Vũ Thị Huyền Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi qua cầu Long Biên là đến khu này, người từ các nơi đổ về thành phố vẫn hay qua đây tìm nhà trọ.

Nhiều người đồn nhau rằng ở gần chợ có một ngôi nhà bị bỏ hoang, đã lâu năm không thấy người ở. Thậm chí những quán cắt tóc, gội đầu và buôn bán tạp hóa gần đó cũng không biết chủ ngôi nhà là ai, vì họ đều là người tứ xứ mới về. Khu này đang nhộn nhịp mua bán bất động sản, giá đất cát lên như diều gặp gió, đâu đâu cũng thấy người ta chia ô đất, hay đang dở dang các công trình xây dựng. Thế nên người ta mới thắc mắc là tại sao giữa thời buổi tấc đất tấc vàng này mà lại có một ngôi nhà bỏ hoang? Chủ nhân nó là ai? Tại sao không ở mà không bán, hoặc chí ít cũng cho thuê? Chỉ có một người con gái ở ngôi nhà đối diện là biết rõ nhất về chủ nhân của ngôi nhà hoang ấy. Thi thoảng có người còn bắt gặp cô mở khóa quét dọn và mở hòm thư báo của ngôi nhà. Nhiều người tò mò hỏi, nhưng cô chỉ lặng lẽ cười. Lặng lẽ như những bông muồng hoàng yến nở vàng rộ trong ngôi nhà hoang mỗi độ hè về.

Đối diện ngôi nhà hoang là nhà của hai cha con ông lão làm nghề cắt tóc. Nhà đóng kín cửa suốt ngày trừ lúc chiều xuống, khi ông lão đóng cửa quán ngoài đường lớn về nhà, mở cửa sổ ra ban công ngồi uống nước chè và đánh cờ tướng một mình. Cô con gái tên Thu cũng hay ra ban công ngồi nấp sau những chậu hoa quỳnh, tóc dài buông xõa dịu dàng. Người ta luôn nhìn thấy cô hướng ánh mắt về phía ngôi nhà hoang, có khi hàng giờ cứ ngồi lặng nhìn như thế. Cho đến khi nào ông lão đánh xong ván cờ, ấm nước chè đã nguội, khẽ chống tay vào hai đầu gối rồi từ từ đứng lên. Họ nói với nhau điều gì đó rất nhẹ nhàng rồi quay vào phòng, và bao giờ trước khi đóng cửa lại, cô gái cũng quay nhìn sang phía ngôi nhà hoang một lần nữa.
Minh họa: Quỳnh Hoa.
Khi họ ngồi lặng lẽ ăn với nhau bữa cơm tối, ông lão bảo con:

- Thế đã có tin mới gì về tung tích thằng Phong chưa con?

Cô gái lắc đầu, khẽ thở dài. Vẫn bằng giọng nhẹ nhàng, ông lão bảo:

- Con cũng liệu mà xem thế nào đi chứ. Con gái có thì, mà con thì cứ chờ đợi một người đã chết làm gì. Phải biết nhìn thẳng mà sống chứ. Bố già rồi, bố không đợi được lâu đâu.

Thu buông đũa, khẽ thở dài. Từ khi Minh ra đi, cô bắt đầu sống bằng tiếng thở dài như thế. Mấy mùa Đông gần đây, ai cũng bảo đã bớt lạnh hơn mà sao cô thấy cứ mỗi ngày mỗi tê tái trong lòng. Cây muồng hoàng yến rụng lá, còn trơ lại cành không đứng chơ vơ trước gió. Cô đứng dậy, bật điện ngoài sân để ánh sáng hắt sang ngôi nhà đối diện cho bớt phần hiu quạnh. Minh đã rời xa ngôi nhà ấy gần chục năm rồi.

* * *

Minh và người em trai tên Phong ở với bà nội, còn bố mẹ thì định cư ở nước ngoài. Thuở nhỏ, Thu chơi rất thân với hai cậu con trai nhà đó, dù hoàn cảnh gia đình khá chênh lệch nhau. Trong ba đứa thì Minh mạnh mẽ nhất, mới tí tuổi đã đòi đi học võ, lúc nào cũng nhận làm vệ sĩ bảo vệ Thu và Phong. Thu thì hay khóc, dễ bị bạn bắt nạt, nên bao giờ Minh cũng kè kè bên cạnh. Còn Phong thì mắc bệnh mộng du, hay thức dậy lúc nửa đêm, đi lại một mình trong khu vườn nhỏ, cũng có khi tự mở cổng đi lang thang ngoài đường cho đến sáng. Sau mấy lần đi tìm em, Minh tự hứa với mình trước khi đi ngủ phải khóa cổng cẩn thận và ôm chặt Phong trong lúc ngủ.

Một đêm Hà Nội mưa bão rất to, các trường cho học sinh nghỉ học vì các con đường ngập lớn. Chờ mãi vẫn không hết một ngày mưa bão, những người lớn trong nhà đều phải tất bật lo chống lũ, đôi lúc họ ngồi lặng im, nhìn ra màn mưa chẹp miệng tạo ra những tiếng buồn não ruột. Tối ấy, do mưa bão to nên cả nhà Minh không ai ra đóng cửa cổng mà tắt điện đi ngủ sớm. Phong ngọ nguậy trêu anh một lúc, nó hỏi anh:

- Mưa như thế này mà ai không có nhà liệu có bị chết lạnh không anh?

- Làm gì có ai không có nhà, ai cũng có nhà hết em bé à.

- Còn ông lão ăn xin mà anh em mình vẫn hay gặp trên đường đi học ý, ông ấy có nhà không anh?

- Có! Phải có chứ, nếu không có thì trú tạm ở một nơi nào đó. Mưa to như thế này làm gì có ai lại chui ra ngoài đường chứ.

Phong còn thắc mắc thêm điều gì đó, nhưng Minh đã chìm vào giấc ngủ. Phong cũng nhắm mắt ngủ, nhưng trong đầu vẫn chập chờn hình ảnh ông lão ăn xin. Đêm ấy Hà Nội mưa không ngớt, nước ngày càng dâng cao. Người dân đã di chuyển hết đồ đạc lên tầng cao, nhìn ra ngoài trời trong đêm, chỉ thấy một màn nước ngập khắp các ngõ ngách, các ngả đường lớn nhỏ. Đêm ấy Phong lại lên cơn mộng du. Cậu bé bước xuống cầu thang, lội trong mưa, đẩy cánh cổng không khóa ra và cứ thế đi tìm ông lão ăn xin. Mưa mỗi lúc một to hơn, nước mỗi lúc một ngập lớn…

Sáng sớm hôm sau, Minh gào khóc đòi lao ra đường đi tìm em. Người lớn nhốt Minh trong phòng rồi hô hào nhau đi tìm, thi thoảng tiếng khóc thét xuyên màn mưa làm Thu lo sợ. Thu đứng bên này ban công nhìn sang bên ấy, những giọt nước mắt sợ hãi lăn dài trên gò má. Người lớn bảo đã đi tìm khắp nơi mà không thấy Phong, kể cả ông lão ăn xin cũng biệt tăm biệt tích. Hà Nội còn mưa thêm những mấy ngày.

Những ngày nước rút, Minh và Thu thường bỏ học đi lang thang khắp nơi, đi đến đâu Minh cũng hỏi thăm về một cậu bé mắt đen tròn, da trắng như trứng gà bóc, mặc bộ quần áo ngủ màu xanh dương, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Ám ảnh về sự mất tích của người em, Minh ngày càng trở lên ít nói, Thu như cái bóng lẽo đẽo bên người bạn hàng xóm của mình. Họ hay ngồi ở hai ban công nói chuyện với nhau bằng những cử chỉ ngộ nghĩnh, cũng có đôi khi bằng sự im lặng, bằng những ý nghĩ miên man… Minh hay kể với Thu về những giấc mơ của mình, giấc mơ nghe tiếng Phong gọi ở một thế giới xa xăm.

- Mình sẽ đi tìm Phong. Em mình không thể chết được, thằng bé rất thông minh, nó sẽ trú nhờ ở đâu đó và nhất định sẽ có người bao bọc nó.

- Nhưng nếu con sống tại sao sau bao nhiêu năm Phong không tìm về nhỉ?

- Có thể vì một va đập nào đó mà thằng bé mất trí, có thể Phong đang ở một nơi rất xa. Có thể… Mà tại sao đêm ấy anh lại không khóa cửa cổng? Tại sao đêm ấy anh lại ngủ say đến mức không biết Phong dậy đi lúc nào. Tại sao chứ?

Minh ôm chặt đầu, đôi mắt sâu hun hút ầng ậc nước, hai thái dương co giật mạnh. Những lúc ấy trông Minh giống như một con sói con bé nhỏ và cô độc đang tự cào xé, dày vò khiến Thu vừa thương vừa sợ hãi. Đôi lúc Thu tìm mọi cách vỗ về, an ủi Minh nhưng cũng có khi cô chỉ dám đứng từ xa nhìn anh sống thu mình. Họ gắn bó với nhau từ thuở nhỏ như hình với bóng, dù khoảng thời gian ở bên nhau nỗi buồn nhiều hơn niềm vui nhưng đối với Thu thì Minh luôn là một người con trai đặc biệt. Cô đã quen với sự có mặt của Minh trong cuộc sống, quen cả với nỗi buồn luôn thường trực trong đôi mắt sâu hun hút, quen với giấc mơ có tiếng gọi của Phong, quen với ban công và khoảng lặng của hai người. Để rồi đến một ngày Thu nhận ra mình đã yêu Minh.

Học hết cấp III thì hai bà cháu Minh chuyển sang Pháp định cư do sức khỏe của bố anh không tốt. Thu ở lại với lời hứa sẽ tiếp tục tìm Phong. Mỗi năm Minh trở về nước một lần vào mùa Đông, anh vẫn giữ thói quen đi lang thang phố đêm và tìm đến bất cứ đâu anh linh cảm rằng Phong đang ở đó. Thu theo nghiệp cha học nghề cắt tóc, gội đầu. Cô mở một quán ngoài đường lớn, công việc này không mang lại sự giàu có về vật chất nhưng bù lại Thu được gặp rất nhiều người. Có những vị khách quen của khu phố, nhưng cũng có các vị khách qua đường. Gặp ai Thu cũng gợi nhớ lại mùa lũ năm ấy, cũng hỏi về một đứa trẻ bị mất tích. Nhưng hết ngày này qua năm khác vẫn không một ai biết tin tức gì về cậu bé tên Phong.

Mùa Đông năm ấy, Thu đợi mãi bên ban công mà không thấy Minh về. Năm ấy chắc hẳn ai đã từng sinh sống ở Hà Nội vẫn còn nhớ trận mưa lịch sử. Hà Nội lại gặp lại những đêm ngày chìm trong biển nước. Thu ngồi ngoài ban công nhớ đến xót xa tiếng thét sau đêm mưa lớn và nhớ cả những chuỗi hồi ức đầy ám ảnh. Nhớ Minh. Tại sao đến hẹn mà Minh chưa về? Phải chăng cơn mữa bão lại mang đến một dự cảm không lành… Bàn tay Thu đan vào nhau cố trấn an nỗi hoang mang.

Một tuần sau cơn ngập lụt nặng ở Hà Nội, Thu nhận được tin báo về từ Pháp là Minh đã ra đi vì tai nạn giao thông. Anh mất trong một đêm đi lang thang ngoài đường. Ngoài ra Thu không biết thêm bất cứ điều gì nữa. Kể từ đó đã hai năm, nhưng Thu vẫn chờ đợi mỗi sáng bên ban công, dù bố cô đã bao lần bảo “thôi đừng chờ đợi nữa”.

* * *

Hàng tuần, Thu vẫn sang nhà anh quét dọn và thắp hương một lần. Dù mọi thứ trong nhà vẫn ngăn nắp và sạch sẽ nhưng do thiếu hơi người lên mùi ẩm mốc bốc lên. Chỉ có cây muồng hoàng yến là hè về vẫn trổ hoa vàng huyễn hoặc. Thi thoảng Thu vẫn có thói quen mở hòm thư bên ngôi nhà ấy, biết đâu sẽ có một bức thư nào đó của Phong. Hay cũng có thể là Minh gửi từ thiên đàng về, biết đâu đấy, những hoang tưởng ấy cũng khiến Thu hy vọng. Mỗi lần thấy Thu đứng lặng người bên hòm thư rỗng, cha cô lại thở dài. Đã gần ba mươi tuổi, ở tuổi ấy người ta nghĩ đến sự ổn định với một mái ấm gia đình, vậy mà Thu cứ chênh vênh đến lạ. Có một thế giới khác đang ngầm chảy trong cô, thế giới của hoài niệm của hồi ức. Có rất nhiều người đàn ông tìm đến Thu, trong số họ có một vài người tốt, nhưng sao Thu vẫn chưa thể mở lòng…

Thu đã nhờ chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” tìm tin tức của Phong, nhưng vẫn chưa tìm thấy một tia nắng ấm nào sau ngày mưa năm ấy. Đêm qua trong giấc ngủ sâu hiếm hoi của mình, Thu đã được gặp Minh. Vẫn là đôi mắt sâu hun hút, nụ cười buồn u uất, Minh bảo đã tìm thấy Phong rồi, ở một thế giới rất xa, nên Thu đừng mất công tìm kiếm nữa… Và Minh khóc. Tỉnh dậy, Thu ra ban công đứng, bên ấy vẫn là một khoảng lặng mênh mông. Thu quyết định ngồi viết một bức thư gửi lên thiên đàng. Thư cho Minh và Phong. Ngày hôm sau cô bỏ nó vào thùng thư của ngôi nhà hoang, cô biết có thể sẽ rất lâu sau mới có người mở nó ra. Cô cũng biết từ hôm nay mình sẽ sống một cuộc đời khác, những hy vọng khác. Thứ hy vọng thuộc về tương lai mà trong ngôi nhà của người cha già sẽ ấm cúng khi vang lên tiếng cười trẻ nhỏ.

Mùa này, muồng hoàng yến nở vàng vò võ giữa khoảng trời. Ông cụ lại pha một ấm trà đặc để ngồi một mình bên bàn cờ tướng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần