Truyện ngắn: Về hưu

Nhà văn Nguyễn Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như thường lệ ông thức dậy vào lúc 5 giờ thiếu 10 phút buổi sáng. Sau khi tập thể dục 30 phút, ông pha một ấm trà nóng và bắt đầu ngồi trên chiếc ghế quen thuộc cạnh cửa sổ và nhìn ra đường.

Giờ này phố xá còn chìm đắm trong màn sương buổi sáng, trong nhà tiếng cô con gái lớn hỏi:
- Hôm nay bố có đi làm không?
Tiếng hỏi làm ông giật mình, những suy tư vẩn vơ trong đầu chợt tan biến.
Hôm nay là ngày đầu tiên sau hơn 30 năm ông không đến bệnh viện, không được đi dọc theo con đường nhỏ bên hông bệnh viện đầy những cánh hoa sao rơi vàng mặt đất và hít căng cả hai lá phổi vị thơm dịu ngọt của nó, như một loại thuốc gây nghiện mê hoặc ông từ thuở còn là cậu sinh viên nội trú.
 Minh họa: An Chi
Những giây phút suy tư, mơ mộng rồi cũng qua đi. Tiếng cửa sắt kẽo kẹt kéo ông trở lại với thực tại. Ngoài trời đã sáng hẳn, đồng hồ gõ bảy tiếng sau một hồi nhạc dạo đầu, tiếng nhạc quen thuộc với ông đã sáu năm nay kể từ ngày một hãng dược phẩm tặng ông chiếc đồng hồ Gimiko có chuông và nhạc báo giờ ấy. Ngày hôm qua giờ này ông đang còn ngồi chủ trì buổi giao ban buổi sáng, sinh mệnh bao nhiêu bệnh nhân được quyết định. Vậy mà ngày hôm nay ông lại ngồi một mình ở đây trong một không gian tĩnh mịch đến nặng nề, cái nặng nề đáng nguyền rủa.
Vợ ông mất vì một căn bệnh hiểm nghèo đã 4 năm qua, cũng tại bệnh viện nơi ông đã công tác trong gần hết cuộc đời mình. Nỗi buồn chưa nguôi, mọi người đều khuyên ông lấy vợ, thậm chí còn giới thiệu cho ông một cô gái trẻ kém ông đến 15 tuổi và chưa hề lên xe hoa lần nào. Tuy nhiên ông vẫn im lặng, chẳng nói đồng ý, cũng chẳng nói không. Bạn bè cùng lớp, người đã là giáo sư tiến sĩ, đi Tây, đi Tàu đủ cả, ông chỉ mới đặt chân ra nước ngoài có một lần và kéo dài đến sáu năm. Đó là đợt đi làm chuyên gia y tế ở một tỉnh tận miền Đông Bắc Campuchia.
Dòng đời cứ lặng lẽ trôi, không phòng mạch, không làm tại một cơ sở y tế tư nhân nào, suốt cuộc đời ông lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ làm việc như một người đầy tớ trung thành với chủ. Nói thật ra cũng có người mời ông ra làm Giám đốc một phòng khám tư nhân mới mở từ cách đây hai năm, nhưng ông lưỡng lự. Ông sợ. Sợ trách nhiệm. Sợ người ta phản ông. Sợ không kiểm soát nổi việc làm của người khác.
Của đáng tội, trầy trật mãi ông cũng làm xong cái phó tiến sĩ, cùng với những học trò trẻ, ông ghen tị với chúng nó, cái Quân thật là sướng, mới ba mươi mấy tuổi đầu mà đã đủ hết bằng cấp, có những loại bằng mà thế hệ ông nằm mơ cũng không thấy nổi. Hậu sinh khả úy mà. Nhưng từ khi có nhiều bằng cấp như vậy ông thấy chúng nhìn ông với cặp mắt thế nào ấy. Quân vô ơn, ranh con mới nứt mắt đã đòi tập tọng làm cha thiên hạ. Và thế là dưới quyền lãnh đạo của ông, những chàng phó tiến sĩ, chuyên khoa cấp II ấy lại lặng lẽ cắt chỉ, lặng lẽ khâu da, lặng lẽ làm cái công việc của người y sĩ ngoại khoa ở bệnh viện huyện từ ngày này qua tháng khác.
Trước khi về hưu một tháng, ông có lại thăm một người bạn từ thuở thiếu thời đã về hưu trước với hàm đại tá Giám đốc một xí nghiệp sản xuất hàng dân dụng. Tám giờ sáng, người bạn của ông kê chiếc bàn làm việc ngay ngắn tại phòng khách, vận chiếc điện thoại kiểu xưa của quân đội. Ông ngồi đó đến 11 giờ đúng, cô con dâu lên mời ông vào ăn cơm. Ông ăn rất nhanh đúng 10 phút. Cả nhà rất kinh ngạc, ngay cả bà vợ già của ông cũng vậy, bởi vì hơn 30 năm lấy nhau rất ít khi ông ăn cơm trưa ở nhà.
Chiến tranh, công việc cứ cuốn ông trôi theo đến nỗi ngay cả ông cũng không biết mình đang đứng ở đoạn nào của cuộc đời. Đến một giờ chiều lại ngồi cho đến 4 giờ 30 khi tiếng còi tầm ở xưởng thợ gần đấy vang lên, ông dọn dẹp những gì có trên mặt bàn, khoan khoái đi xuống phía sau. Lúc đầu cả nhà không ai hiểu nổi hình ảnh kỳ quặc này, mấy đứa con, cả dâu lẫn rể đều khuyên ông nên đi du lịch cho khuây khỏa. Chúng nó sợ ông không có tiền, mỗi đứa góp vào một ít, thằng cả là nhiều nhất đưa cho ông gần 10 triệu đồng để ông đi chơi. Ông chỉ lắc đầu không nói. Từ đó mọi người thấy chuyện ngồi tại bàn làm việc của ông là chuyện bình thường và không còn ai nhắc đến nữa.
Khi hai người bạn già gặp nhau, sau phút hàn huyên ôn lại kỷ niệm cũ, ông đại tá phân bua, nào mình điên khùng gì đâu, nhưng mà thói quen làm việc đã ăn sâu vào đầu cả mấy chục năm nay dễ đâu bỏ ngay được, ông có nhớ không? Ngày mới giải phóng vào tiếp quản thành phố có anh em nào làm việc được trong phòng có máy lạnh đâu, cũng phải tập riết đến một năm sau mới quen, tất cả máy lạnh của người ta đều gỡ tháo bỏ chỉ mở cửa sổ để đón gió trời như hồi còn ở trong chiến khu đón gió rừng vậy.
Ngày một rồi ngày hai, thời gian cứ trôi qua, những ngày ở nhà là những ngày dài dằng dặc với ông. Cảm giác xa lạ như bị bỏ rơi lúc nào cũng vây kín ông, ngay cả đối với con cái. Một buổi chiều nọ, trong lúc cố thoát khỏi cảm giác kỳ dị này, ông tìm đến một người bạn học cùng lớp khác, một người mà trong thâm tâm ông luôn không kính phục bởi những suy nghĩ có phần kỳ lạ và khác người của ông ta.
Căn nhà nhỏ như chìm sâu trong ngõ vắng, trong nhà chỉ có một người đàn bà giúp việc ngoài 40 tuổi và một đứa trẻ lên 3.
- Thưa ông, bác sĩ đi làm rồi ạ.
- Bác sĩ đi làm ở đâu? - Ông hỏi lại giọng ngỡ ngàng.
- Thưa bác sĩ đi làm tại Phòng khám Đa khoa Minh Hiền ạ.
Lạ thật, ông thầm nhủ. Một con người như vậy mà cũng có nơi mời làm việc cơ à.
Rồi trong tâm trạng nửa tin, nửa ngờ ấy ông đi đến Bệnh viện Minh Hiền, một bệnh viện tư có tiếng ở thành phố.
Một dãy nhà 4 tầng nằm trong khu đất khá rộng dễ đến hơn 5.000 mét vuông, tọa lạc trên một con đường khá nổi tiếng tấp nập người qua lại. Rất đông bệnh nhân kẻ nằm, người ngồi trên ghế chờ đến lượt vào khám, thỉnh thoảng tiếng loa lại vang lên đọc tên bệnh nhân. Đông thật, khéo đông hơn cả phòng khám của bệnh viện mình. Ông thầm so sánh.
Tìm bác sĩ Nhân không khó, chỉ hỏi qua một người bảo vệ ngồi phát số ở đầu dãy nhà là họ tận tình đưa lại tận phòng số 4 nơi bạn ông đang khám bệnh. Tranh thủ lúc vắng khách, ông vén tấm màn che phòng khám và bước vào, một người mặc áo choàng trắng, dáng thấp, hơi béo, mái tóc bạc trắng như cước. Bác sĩ Nhân ôm chầm lấy ông, tay bắt mặt mừng:

- Tuấn đấy hả!

Dễ đã gần 10 năm rồi, tuy cùng ở chung một thành phố nhưng kể từ ngày Nhân đến gặp ông nhờ xin vào làm tại bệnh viện sau lần bị kỷ luật và con gì đó, hai người chưa gặp lại nhau. Lần ấy ông đã từ chối vì sợ, sợ trách nhiệm, sợ người đã từng biết quá khứ không lấy gì làm vui vẻ lắm của ông thời còn trai trẻ. Ngày ấy ông cũng đã yêu một người và đã từng có con với người ta. Một bé trai bụ bẫm ra đời ngoài sự mong đợi của ông, nhưng gia đình người yêu lại là một gia đình tư sản, cả nhà đã đưa nhau di cư vào Nam năm 1954, chỉ còn cô ấy ở lại với tình yêu tha thiết dành cho ông, một sinh viên y khoa mới từ chiến khu trở về và đang học tiếp những năm cuối cùng. Tình yêu của ông và cô gái rất đẹp, mọi người đều trầm trồ khen ngợi cho ông. Nhưng rồi, ông đã đánh mất tình yêu đầu đời ấy cũng chỉ vì sợ, một nỗi sợ hãi âm ỉ len lỏi vào người không biết từ lúc nào, ông sợ phải đi xa về các tỉnh biên giới, ông sợ người ta ghi lý lịch, sợ những trở ngại trên con đường công danh mà cả gia đình đang trông chờ vào ông, đứa con của một gia đình đang mong muốn đổi đời, mong muốn ngẩng đầu lên với thiên hạ.

Sau chuyện ấy, mãi gần 10 năm sau ông mới lấy vợ, vợ ông là một phụ nữ đảm đang thuộc gia đình nòng cốt và cũng rất mực yêu ông. Tuy nhiên ông trời cũng rất công bằng, những gì đã đánh mất ông không thể lấy lại được. Ba cô con gái lần lượt ra đời mang lại cho ông nỗi ngao ngán và những đêm mất ngủ dằn vặt. Từ đó ông thấy cuộc đời toàn những nỗi bất hạnh, nó đeo đẳng theo ông mọi phương trời, nó không cho phép ông một phút giây nào được sống thật với mình, không khi nào được yêu thương, hỷ xả và cũng từ đó ông sống thu mình như một con ốc mượn hồn, suốt ngày trong vỏ nằm nghe sóng đánh quanh mình mà mơ tới biển rộng mênh mông dù nó ở ngay cạnh bên mình.

Tuy bàn tay bạn đã nắm chặt lấy tay ông, nhưng ông vẫn thấy một cái gì đó gượng gạo, không phải từ phía bạn mà từ mình, một cảm giác tội lỗi, hối tiếc đang len lỏi trong tâm hồn của ông.

Vẫn bằng giọng trầm ấm, Nhân kể cho ông nghe những nhọc nhằn gian khổ của đời mình, những tháng ngày nằm nhà không ra thất nghiệp cũng chẳng ra có công ăn việc làm, những buổi chiều ngồi đồng tại phòng mạch không có một bóng dáng bệnh nhân nào đến khám, những tủi nhục của một đời người chỉ vì những phút giây không đấu tranh được với mình mà phải sa ngã, phải cam chịu. Rồi Nhân kể với ông câu chuyện về một buổi chiều, Nhân chủ động đến gặp một người bạn học cùng lớp hồi phổ thông hiện đang làm Giám đốc Bệnh viện Minh Hiền. Chưa kịp nói gì, người bạn đã chặn lại: Cậu đừng nói gì cả, mình hiểu cả rồi. Thứ hai cậu đến đây mình xếp cho một chỗ khám. Từ đó ngày ngày ông lại được tiếp xúc với bệnh nhân, lại được đau những nỗi đau của họ, lại được vui chung những niềm vui be bé của họ mỗi khi lành bệnh. Mọi người thấy Nhân lớn tuổi lại là bạn của sếp nên cũng kính nể, ngược lại Nhân cũng thấy thân phận của mình nên cũng hết sức nhã nhặn và tránh động chạm đến mọi người và cuộc sống bình yên, hạnh phúc đã đến với Nhân vào lúc tuổi đã xế chiều này, một hạnh phúc mà có nằm mơ Nhân cũng không dám nghĩ đến. Nói đến đây Nhân chợt òa lên khóc nức nở, những giọt nước mắt trễ tràng của tuổi già tuy không có tiếng nói nhưng nó như lưỡi dao cứa vào lòng Tuấn, ông thấy xót xa, hối hận, hối hận cho những nỗi sợ hãi của mình, hối hận cho những giây phút thờ ơ, lạnh nhạt của mình.

Sau lần gặp gỡ đó ông đã đổ bệnh, các con lo hết mình cho ông từng miếng cơm viên thuốc. Từng đêm ông vẫn nằm mơ trong cơn trằn trọc của giấc ngủ muộn màng. Trong giấc mơ ông thấy mình đang sống lại thời trai trẻ, nhưng sáng dậy ông lại quên hết, cố gắng lắm cũng không nhớ được một chút gì dù là một kỷ niệm đẹp và ngày qua ngày ông vẫn tự hỏi nếu được sống lại một kiếp mới theo thuyết luân hồi của nhà Phật ông có lại như thế nữa hay ông sẽ sống khác đi, sống thật với mình và không còn sợ hãi nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần