TS. BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư: Điều chế vaccine dự phòng Covid-19 phải mất ít nhất hơn 4 - 5 tháng nữa

Trần Thảo (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự vào cuộc quyết liệt và nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị đã giúp công tác phòng chống dịch Covid -19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Trong đó có sự đóng góp của Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, với những thành công ban đầu trong việc phân lập và nuôi cấy thành công virus Sars-CoV-2.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS. BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư về tầm quan trọng của điều chế vaccine dự phòng Covid -19.
3 phương pháp sản xuất ra vaccine
Thưa ông, thành quả nuôi cấy virus Sars-CoV-2 có tác dụng gì trong việc điều chế vaccine?
- Để điều chế vaccine, bắt buộc phải phân lập được vi rút. Người ta có thể dùng các quy trình khác nhau để phân lập vi rút, từ đó nghiên cứu sản xuất ra vaccine. Nhưng để nghiên cứu ra vaccine, còn rất nhiều yêu cầu. Ví dụ, đặc điểm về mặt di truyền học hay miễn dịch học của con virus này tác động thế nào đến khả năng sinh kháng thể của người. Điều này khá phức tạp.
Thực tế, đã có rất nhiều hãng nghiên cứu vấn đề này nhưng không phải nơi nào cũng làm được. Những công ty có kinh nghiệm hoặc đã từng làm những sản phẩm tương tự thì họ sẽ tiếp cận nhanh hơn đến đích thành công. Nhưng dù có tiếp cận nhanh hơn thì điều mấu chốt cuối cùng vẫn phải có con vi rút. Họ chỉ có thể sản xuất ra vaccine khi con vi rút còn sống nguyên. Sau đó, người ta mới có thể nghiên cứu tiếp để sản xuất vaccine.
 TS. BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư.
Một điểm quan trọng nữa là vaccine đó phải kích thích sinh ra được kháng thể phù hợp. Nhưng kháng thể đó có đủ trung hòa được virus hay không thì phải có con virus sống mới chứng minh được hiệu quả trong phòng thí nghiệm là kháng thể tạo ra đủ để trung hòa virus. Qua đó, có thể kết luận rằng, việc tìm thấy virus, nuôi cấy được nó là bước mấu chốt để có thể sản xuất ra vaccine sau này.
Việc điều chế vaccine dựa trên kỹ thuật nào và sử dụng tế bào gì, thưa ông?
- Sản xuất ra vaccine có rất nhiều phương pháp. Chúng ta có ít nhất 3 phương pháp để sản xuất ra vaccine. Thứ nhất, sản xuất ra vaccine bất hoạt. Nghĩa là người ta nhân virus lên với số lượng lớn, sau đó tiêu diệt nó bằng hóa chất. Tiếp đó, họ sử dụng virus đã bị tiêu diệt để sản xuất vaccine. Thứ hai, vẫn con virus đó, người ta cấy chuyển nhiều lần cho đến khi nó mất độc tính, nghĩa là có thể nhân lên trong cơ thể nhưng không gây bệnh. Thứ ba, có thể tìm được đoạn gen hoặc đoạn protein đặc hiệu nhất của con virus này. Sau đó, lấy gen định nghĩa đoạn protein đó cấy lên một tế bào khác (VD như nấm men) để sản xuất ra hàng loạt protein đó chính là kháng nguyên của virus. Sau đó, người ta thu hoạch kháng nguyên và sử dụng để sản xuất vaccine.
Như vậy, có ít nhất 3 phương pháp để sản xuất ra vaccine. Tuy nhiên, vaccine chỉ được sử dụng khi đã được chứng minh thông qua việc đưa vào cơ thể kích thích sinh ra được kháng thể. Điều quan trọng là kháng thể đó phải trung hòa được virus, nghĩa là phải tiêu diệt được virus đó. Đây là cách để tìm hoặc xác định được loại vaccine nào phù hợp nhất và cách sản xuất như thế nào.
Theo kinh nghiệm của Viện, việc chế tạo vaccine phòng virus Sars-CoV-2 cần thêm những yếu tố gì?
- Để chế tạo ra vaccine phòng virus Sars-CoV-2, yếu tố đầu tiên đòi hỏi vaccine đó phải hiệu quả, tiêu diệt được virus hoặc khống chế không cho virus đó phát triển (kháng thể đó trung hòa với virus). Yếu tố thứ hai đòi hỏi vaccine đó phải an toàn. Điều này đồng nghĩa với việc là vaccine đó khi sản xuất ra, tiêm vào động vật không có vấn đề gì và thử nghiệm trên người, nó phải an toàn. Hiện nay, tất cả các vaccine trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng đều phải đạt được tiêu chuẩn đó thì mới được phép sử dụng trên người. Đây là điều rất khó.
Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã đưa ra được các phương pháp dự phòng nào để phòng tránh dịch bệnh này?
- Hiện tại, các phương pháp dự phòng phần lớn tập trung vào các biện pháp dự phòng không đặc hiệu. Dự phòng đặc hiệu là dùng vaccine, dùng thuốc diệt virus. Tuy nhiên, ngay kể cả vaccine và thuốc tiêu diệt virus cho đến thời điểm này là không có. Nên chỉ có một cách là dự phòng không đặc hiệu thông qua những vấn đề như: Phát hiện sớm, cách ly, cô lập những người có nguy cơ, chẩn đoán và tìm ra những đối tượng có thể là dương tính, có thể là ca bệnh để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là biện pháp không đặc hiệu cho đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn đang làm.
Viện đã chủ động trong việc đi tìm những trường hợp bệnh mà đó có thể là nguy cơ hoặc là bệnh nhân Covid -19 như những trường hợp viêm phổi nặng chẳng hạn. Ngoài các xét nghiệm thông thường, Viện đã chủ động xét nghiệm thêm Covid-19. Cho đến thời điểm này, không có trường hợp viêm phổi nặng nào dương tính với Covid-19. Đây là một điều rất may mắn và cho thấy, tất cả những điều Việt Nam đã làm từ trước đến nay rất thành công.
Điều chế vaccine từ kinh nghiệm nước bạn
Hiện nay, Việt Nam là nước thứ 4 trên thế giới phân lập thành công chủng Sars-CoV-2. Vậy theo ông, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có thêm thành công gì mới về lĩnh vực này?
- Ngoài phân lập thành công chủng Sars-CoV-2, đến thời điểm hiện tại, Viện đã giúp rất nhiều đơn vị chủ động trong việc xét nghiệm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, cũng như một số bệnh viện và các trung tâm chẩn đoán khác… đủ khả năng có thể làm được những kỹ thuật tương tự. Đây là một quá trình rất lâu dài và đòi hỏi sự giám sát, hỗ trợ một cách bài bản, cẩn trọng từ phía Viện.
Để làm được việc đó, Viện phải cử rất nhiều chuyên gia, tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp việc chuyển giao công nghệ được thành công. Ngoài Viện, còn nhiều đơn vị khác có khả năng chẩn đoán sớm Sars-CoV-2 góp phần giảm tải cho hệ thống cũng như tăng cường số lượng những trường hợp nghi ngờ có thể xét nghiệm sớm.
Ngoài ra, với việc tìm hiểu những đặc tính hoặc xu hướng, diễn biến của dịch trong tương lai, Viện đã có những bước đi cơ bản trong việc này. Ngay cả vấn đề công tác dự báo về dịch bệnh đòi hỏi số liệu. Trong khi tất cả các trường hợp đều bị khống chế, được giải quyết điều trị triệt để, lúc này không còn ca bệnh mới xuất hiện để tiếp tục dự báo. Tuy vậy, tất cả các công việc dự báo vẫn được âm thầm tiến hành cho đến thời điểm này. Chỉ cần có bất cứ một biến động nào về mặt số liệu, lập tức sẽ có những cảnh báo đưa đến Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, các cơ quan chức năng sẽ có chỉ đạo về hoạt động này.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đều đang tích cực điều chế vaccine phòng Covid-19. Vậy chuyên gia y tế Việt Nam có trao đổi cùng các chuyên gia y tế trên thế giới để cùng tìm ra hướng đi chung trong việc sản xuất vắc xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này không thưa TS?
- Trong thời điểm này, nếu Việt Nam cứ lặng lẽ nghiên cứu thì cũng vẫn sẽ điều chế ra vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không tranh thủ những kinh nghiệm từ các nước bạn trên thế giới, từ các cơ sở đã có điều kiện này thì chúng ta sẽ đạt tới kết quả chậm hơn.
Hiện tại, Viện cũng đã liên lạc giúp Công ty Vaccine sinh phẩm số 1 với một số đối tác nước ngoài trong việc chuyển giao khoa học công nghệ cũng như chia sẻ thông tin về các bước sản xuất ra vaccine này. Như vậy, Việt Nam tránh được khoảng khá dài về các bước dò dẫm, cách sản xuất ra vaccine và các nhà khoa học sẽ tiến tới việc sản xuất ra vaccine sớm hơn.
Thực tế, những công ty có kinh nghiệm về điều này đã trực tiếp làm việc và có những trao đổi đầu tiên với Công ty Vaccine sinh phẩm số 1. Họ sẽ có những hợp tác trong tương lai về việc phát triển vaccine và thúc đẩy công việc này đi nhanh hơn. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng, trong một thời gian tương đối gần, Việt Nam sẽ có vaccine.
Tuy nhiên, ngay cả những phòng thí nghiệm, những công ty vaccine hiện đại nhất thế giới nghiên cứu về vaccine này cho đến thời điểm hiện tại chỉ dừng ở mức thử nghiệm trên động vật. Còn vaccine cứu người bệnh và phòng được bệnh thì phải thêm rất nhiều công đoạn. Và dù có rút ngắn công đoạn nhanh đến mấy thì vaccine này cũng không thể sẵn sàng trong vòng 4 - 5 tháng tới.
Xin cảm ơn ông!
Thực tế, những công ty có kinh nghiệm về điều chế vaccine đã trực tiếp làm việc và có những trao đổi đầu tiên với Công ty Vaccine sinh phẩm số 1. Họ sẽ có những trao đổi hợp tác trong tương lai về việc phát triển vaccine và thúc đẩy công việc này đi nhanh hơn. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng, trong một thời gian tương đối gần Việt Nam sẽ có vaccine.