Mềm hóa nội dung học tập
Ông có thể cho biết những ưu điểm của dạy học trực tuyến với phương pháp truyền thống (mặt giáp mặt)?
- Trường ĐH Mở Hà Nội với 26 năm đào tạo từ xa, chúng tôi thấy dạy học trực tuyến có những ưu thế thực sự nổi bật. Thứ nhất là sự linh hoạt và tính mềm dẻo, thể hiện rõ ở cá nhân hóa nội dung học tập. Theo cách học truyền thống, trong một lớp có 40 - 50 học sinh, giáo viên soạn một bài giảng và dạy cho cả lớp. Nhưng khi thực hiện trực tuyến, nội dung bài giảng được thiết kế cá nhân hóa tới từng người học, từng nhóm để có sự phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, thầy cô là những người góp phần nâng cao hiệu quả học tập, cũng được cá nhân hóa. Ví dụ, thầy cô có thể gom người học thành từng nhóm để đưa ra tình huống phù hợp với năng lực và trao đổi trên hệ thống công nghệ trực tuyến. Và, để làm được công việc đó, thầy cô cần nhiều thời gian hơn trên môi trường công nghệ, không chỉ bó hẹp trong khung 1 tiết 45 phút như giảng dạy truyền thống.
Dạy học trực tuyến cũng cá nhân hóa được kế hoạch học tập, khung thời gian và địa điểm học tập. Người học có thể tự học ở bất kỳ đâu, thời gian nào trên các phương tiện công cộng, bằng thiết bị đầu cuối (điện thoại thông minh, laptop, máy tính để bàn...).
Với những điểm tích cực đó, hy vọng cách tổ chức và hiệu quả đào tạo dạy học trực tuyến tăng lên so với phương thức truyền thống. Đó là chưa nói tới những yếu tố công nghệ mới, đưa trí tuệ nhân tạo vào hỗ trợ sẽ giúp người dạy và học tương tác với nhau được nhiều hơn và thúc đẩy hơn trong hiệu quả đào tạo.
Những trở ngại mà các trường gặp phải khi triển khai dạy học trực tuyến là gì?
- Dạy học trực tuyến là phương thức đào tạo theo xu hướng mới có sử dụng công nghệ, do vậy yêu cầu người dạy, người học phải có những thay đổi. Người học phải tự chủ, tự giác cao hơn, chủ động trong học tập. Người dạy cũng phải thay đổi, thiết kế kịch bản bài học sao cho cá nhân hóa được nội dung học tập mà người học dễ dàng tiếp thu.
Bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ, người dạy mất nhiều thời gian hơn để giảng dạy theo từng nhóm hay cá nhân người học. Giáo viên cũng phải thiết kế cho mỗi nhóm bài tập tình huống khác nhau, đưa ra các đáp án riêng... Vì thế người dạy buộc phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian hơn so với dạy học truyền thống.
Chấp nhận thay đổi, tận dụng lợi thế
Khi dịch Covid -19 đang xảy ra, nhiều trường ĐH rất muốn triển khai đào tạo trực tuyến nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, ở cấp độ nào?
- Để triển khai đào tạo trực tuyến, rất cần có nhiều điều kiện. Thứ nhất là yếu tố chính sách, các nhà trường phải đưa vấn đề này vào trong chủ trương, đường hướng phát triển; sau đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ. Người ta nói: Anh có tri thức, tôi có tri thức trao đổi với nhau, mỗi người có 2 tri thức, 2 ý tưởng. Vì thế, giảng viên phải chấp nhận thay đổi, chia sẻ tri thức, thay vì bo bo giữ bản quyền riêng cho mình. Khi đó, những nội dung và kiến thức của giảng viên được chuyển hóa thành bài học, thiết kế kịch bản đưa vào hệ thống học liệu của trường để dùng chung.
Tiếp đến, người học sẵn sàng đón nhận và tham gia phương thức học trực tuyến; cộng với đó là đội ngũ quản lý hỗ trợ cho giảng viên đào tạo trực tuyến. Các trường cần xây dựng những tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự vào từng vị trí, tổ chức tập huấn thường xuyên và nâng cao trong quá trình thực hiện.
Một yếu tố góp phần làm nên hiệu quả trong đào tạo trực tuyến chính là kỹ thuật công nghệ, khu trường quay để ghi hình các bài giảng, xây dựng nội dung kịch bản dạy học. Ngoài ra là hạ tầng mạng tốt, các băng thông đủ mạnh phục vụ cho số đông người học và giáo viên giảng dạy, tương tác.
Tôi nghĩ, các cơ sở giáo dục nên kết nối với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm năng lực của mỗi bên; sử dụng những công nghệ của nhau. Ví dụ, về hệ thống học liệu, thay vì một trường làm từ A đến Z, anh nào có thế mạnh gì thì đưa vào hệ thống dùng chung và kết nối với nhau. Khi đó, các trường cũng có thể công nhận với nhau về tín chỉ đào tạo.
Đối với người học, việc học trực tuyến không dễ bởi còn phụ thuộc vào thiết bị, kết nối wifi, 3G, 4G?
- Hiện nay, với các phần mềm và công nghệ hỗ trợ đào tạo trực tuyến, người học hoàn toàn có thể học trên các thiết bị đầu cuối thông minh. Trường ĐH Mở Hà Nội đang thực hiện hai cách để sinh viên học trực tuyến. Một là, học trực tuyến đồng bộ về thời gian, yêu cầu người học sử dụng thiết bị có kết nối mạng mới vào website để học được. Hai là không đồng bộ về thời gian, theo đó các thiết bị đầu cuối được cài đặt những áp ứng dụng. Khi có mạng wifi, các app này sẽ tải bài học, nội dung câu hỏi xuống.
Sau khi làm xong bài tập, người học mang thiết bị vào vùng có kết nối mạng; lập tức những câu trả lời, vấn đề đặt ra cho giáo viên... tự đồng bộ lên hệ thống sever của nhà trường. Như thế, không cần phải lúc nào cũng có wifi, người học vẫn tham gia được học trực tuyến.
Cần hành lang pháp lý
Khi các trường triển khai đào tạo trực tuyến rất cần phải có tính pháp lý làm căn cứ?
- Tính pháp lý là điều kiện cần cho các cơ sở giáo dục phát triển đào tạo trực tuyến. Và cũng là điều kiện để được chấp thuận và ghi nhận kết quả của quá trình đào tạo trực tuyến. Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 10/2017/BGDĐT về Quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH, cho phép đào tạo bằng hình thức trực tuyến, tạo điều kiện cho các trường triển khai. Vì thế, trường ĐH Mở Hà Nội đang có 10 ngành học với gần 20.000 SV theo học trực tuyến.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo thông tư dành cho các trường ĐH đào tạo theo phương thức truyền thống, trong đó kết hợp với trực tuyến và ghi nhận kết quả học tập. Điều này đồng nghĩa, Bộ GD&ĐT đang tạo ra những hành lang pháp lý cho giáo dục ĐH, đưa những thế mạnh của công nghệ vào (hoàn toàn hoặc một phần) để sẵn sàng cho các trường ĐH vào cuộc.
Đối với giáo dục phổ thông, các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT khuyến khích đưa công nghệ mới vào trong giáo dục, dạy học, quản lý. Ví dụ, trong một lớp học, giáo viên thấy một số HS yếu, có thể dùng công nghệ lập nhóm để tăng cường trao đổi, giao bài tập hoặc bồi dưỡng thêm nhằm cải thiện tình hình. Nhưng Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu đưa ra văn bản pháp lý hoàn chỉnh như giáo dục ĐH để các trường phổ thông có căn cứ triển khai dạy học trực tuyến.
Hiện đang có những ý kiến băn khoăn, trường phổ thông dạy học trực tuyến sẽ khó rèn được cho học sinh kỹ năng như mô hình dạy học truyền thống?
- Mô hình dạy học trực tuyến trang bị cho người học về kiến thức, chuyên môn. Những vấn đề về cách xưng hô, rèn luyện kỹ năng không chỉ có trong nhà trường mà hình thành từ các hoạt động sống của mỗi cá nhân ở nhà, ở trường, ngoài xã hội. Vì thế người ta nhấn mạnh đến 3 yếu tố: Gia đình - nhà trường - xã hội, để hình thành văn hóa, năng lực mềm, làm việc nhóm...
Chúng ta tận dụng những thế mạnh của dạy học trực tuyến đưa vào hỗ trợ cho giáo dục truyền thống để nâng cao chất lượng. Chúng ta không thể tuyệt đối hóa hoàn toàn 100% dạy học trực tuyến mà tùy từng mức độ, điều kiện, nhà trường, cá nhân, ngành học, môn học để triển khai với các mức độ và phạm vi, mang đến hiệu quả khác nhau...
Xin cảm ơn ông!
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo thông tư dành cho các trường ĐH đào tạo theo phương thức truyền thống, trong đó kết hợp với trực tuyến và ghi nhận kết quả học tập. Điều này đồng nghĩa, Bộ GD&ĐT đang tạo ra những hành lang pháp lý cho giáo dục ĐH, đưa những thế mạnh của công nghệ vào (hoàn toàn hoặc một phần) để sẵn sàng cho các trường ĐH vào cuộc. |