TS Mai Liêm Trực nêu ba biện pháp phát triển Internet lành mạnh

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của TS Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, người được coi là tiên phong đưa Internet về Việt Nam.

 Chính sách hội nhập tạo động lực phát triển Internet
Chính sách nào hỗ trợ chủ lực quá trình đưa và phát triển Internet vào Việt Nam những ngày đầu, thưa ông?
Trong những năm đầu thời kì Đổi Mới, Tổng cục Bưu điện đã có những quyết định quan trọng mang tính chiến lược, tạo đột phá và bước ngoặt cho sự phát triển viễn thông và Internet tại Việt Nam. Đó là ngay từ năm 1987 đi thẳng vào số hoá mạng viễn thông Việt Nam với những công nghệ hiện đại, cung cấp được những dịch vụ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của đất nước trong thời kì mở cửa và hội nhập với thế giới.
Ông Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông
Thời điểm đó, Tổng Cục Bưu Điện đã phối hợp với các tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ vận động Quốc hội Mỹ bỏ cấm vận viễn thông với Việt Nam (bỏ được cấm vận viễn thông năm 1992, hai năm trước khi bỏ cấm vận kinh tế năm 1994).
Khi quyết định hội nhập sâu rộng, Việt Nam được tiếp cận thông tin, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và quan trọng nhất là thu hút vốn đầu tư vào dịch vụ Internet. Các tập đoàn lớn như Ericsson (Thụy Điển) hay Telstra (Australia) đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào ngành viễn thông Việt Nam lúc bấy giờ.
Việc mở cửa và tăng cường hội nhập cũng giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ của thế giới, biết luật chơi chung của thế giới và đào tạo nguồn nhân lực CNTT cốt cán. Thời xưa, khi Bưu Điện làm đài vệ tinh Hoa Sen 1 của Liên Xô, có khoảng 30 chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam suốt 3 – 4 năm và hầu như đảm nhận hết mọi việc. Tuy nhiên, từ năm 1987, khi Bưu Điện phối hợp với Australia làm đài vệ tinh đầu tiên, chuyên gia nước ngoài chỉ giúp đỡ giai đoạn đầu, sau đó là người Việt tự làm. Tức là, khi chúng ta mở cửa hội nhập, đã tạo ra cơ hội đào tạo cán bộ.  Muốn phát triển viễn thông hay Internet thì đều phải tuân theo tiêu chuẩn chung của quốc tế, do vậy bắt buộc bạn phải hội nhập. Một mảnh ruộng của mình, mình tự cấy theo cách của mình nhưng một cái điện thoại ở Sơn La, Lai Châu thì cũng giống như những chiếc điện thoại ở Paris, London hay New York.
Việt Nam có lợi thế để phát triển kinh tế số

Internet đã trở thành nền tảng phát triển cho xã hội và kinh tế cho Việt Nam như thế nào trong suốt 2 thập kỷ qua, thưa ông?
Internet đã từng bước thay đổi mạnh mẽ phương thức chúng ta làm việc, học tập, nghiên cứu đến giải trí… Mười năm trước, ngay cả những chuyên gia trong ngành viễn thông cũng không thế tưởng tượng sức ảnh hưởng của Internet ngày  nay, đồng thời  đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển sáng tạo ở Việt Nam, phần lớn các thương vụ khởi nghiệp hiện nay trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Việt Nam với nền công nghiệp phụ còn hạn chế, năng lượng khó khăn thì chọn khởi nghiệp, phát triển kinh tế tri thức là ưu tiên cực kỳ phù hợp và Internet phát triển là môi trường nuôi dưỡng rất tốt các hướng đi này.
Bởi kinh tế tri thức hay kinh tế số đều có lợi thế là đầu vào của sản xuất cũng như cung cấp dịch vụ là trí tuệ con người thay vì vốn hay vật liệu. Như để sản xuất một chiếc điện thoại thông minh, nguyên liệu chỉ chiếm vài phần trăm, thậm chí phần ngàn trong tổng giá trị, còn lại là trí thức và trí tuệ con người đổ vào.
Tuy nhiên, khó có thể dự báo trong tương lai Internet nói riêng, CNTT nói chung, sẽ phát triển đến mức nào. Theo tôi, dưới góc độ các nhà làm chính sách cũng cần có sự chuẩn bị. Chỉ một chiếc điện thoại thông minh đã thay thế nhiều vật dụng khác, đồng thời cũng khiến hàng loạt ngành công nghiệp lao đao. Hãng máy ảnh Mỹ Kodak là ví dụ tiêu biểu, ngoài ra radio, đồng hồ…, thậm chí là tivi cũng có khả năng đi vào thời kỳ thoái trào khi hiện nay các DN chủ yếu tìm quảng cáo trên mạng.  
Dùng thông tin để giải tỏa thông tin
Trong tương lai, Việt Nam cần làm gì để tranh thủ những lợi ích từ Internet trong phát triển ?
Trước hết là giáo dục, đây là là nền tảng quan trọng, nhất là trong thời điểm có sự tiến nhanh về công nghệ và Internet như hiện nay. 10 – 15 năm nữa, ngành nào chết, ngành nào sinh mới là điều khó tiên liệu, do đó không còn cách nào khác ngoài việc giáo dục sáng tạo, trang bị cho giới trẻ Việt Nam hành trang để nhập cuộc với những biến chuyển.
Bên cạnh đó phải cởi mở về mặt chính sách. Việc ngăn chặn tiêu cực trên Internet không hoàn toàn hiệu quả, mặt khác còn hạn chế phát triển.  Nếu lo ngại thông tin lừa đảo hay vu khống thì phải dùng thông tin để giải tỏa thông tin.
Bản chất Internet là một công trình vĩ đại của nhân loại, là “ngôi nhà chung” tuyệt đẹp và ngày càng được hoàn thiện, tiện nghi hơn do sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, “ngôi nhà chung” này người tốt và người xấu đều có quyền ra vào, đều là tác động của con người.
Một trong những vấn đề bàn luận gần đây là làm sao để hạn chế hành vi mang điều tiêu cực lên không gian mạng. Tôi cũng xin kiến nghị ba biện pháp, thứ nhất là giải pháp về công nghệ, kỹ thuật như bức tường lửa hay phần mềm ngăn chặn. Thứ hai là bổ sung và cải cách hệ thống luật pháp, bản thân các nhà cung cấp cần có quy định về thỏa thuận giữa khách hàng sử dụng và nhà cung cấp. Thứ ba, quan trọng nhất là giáo dục, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn để nâng cao dân chí và hạn chế những hành vi xấu, ngăn những người “xả rác” vào “ngôi nhà chung” này.
XIn cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần