T.S Trần Du Lịch: Quy hoạch Đà Nẵng, đừng để nay làm nhiệm kỳ sau sửa!

QUANG HẢI
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Làm sao lần này chúng ta làm quy hoạch xong thành quyết định không thể thay thế được. Nghĩa là, tránh tình trạng cứ nhiệm kỳ sau sửa quy hoạch, theo cái kiểu cứ để thực tế sai xong rồi đẽo chân cho vừa giày”, T.S Trần Du Lịch góp ý cho điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Nhìn dài hạn nhưng phải khả thi
Sáng 23/8, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo đóng góp ý tưởng điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham gia phản biện, đóng góp ý tưởng cho quy hoạch Đà Nẵng.
Hội thảo mở đầu bằng phần trình bày từ chuyên gia tư vấn của Công ty Tư vấn Surbana Jurong (Singapore, đơn vị tư vấn quy hoạch chung TP Đà Nẵng). Theo Surbana Jurong, Đà Nẵng cần phải mở rộng kết nối vùng, hợp tác tiềm năng của các sân bay, cảng biển. Cụ thể đối với sân bay Đà Nẵng, nên lựa chọn phương án giữ nguyên hiện trạng và mở rộng nhằm tăng tải trọng hành khách trong năm, kết nối tốt với các sân bay lớn của cả nước. Đối với cảng biển, tư vấn Singapore đề xuất sớm xây dựng cảng Liên Chiểu và có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ với sân bay, ga đường sắt…

 Một góc TP Đà Nẵng. 
Surbana Jurong cho rằng, quy hoạch tổng thể hiện tại của Đà Nẵng thiếu chiến lược về cơ sở hạ tầng, thiếu sự kết nối với vùng nông thôn. Đà Nẵng không có sự phát triển quy hoạch phía nam. Về quy hoạch giao thông, theo Surbana Jurong, Đà Nẵng không có sự phân cấp, không có đất dự trữ để phát triển…
Đóng góp ý tưởng cho quy hoạch Đà Nẵng, T.S Trần Du Lịch đặc biệt lưu ý: “Làm sao lần này chúng ta làm quy hoạch xong thành quyết định không thể thay thế được. Nghĩa là, tránh tình trạng cứ nhiệm kỳ sau sửa quy hoạch, theo cái kiểu cứ để thực tế sai xong rồi đẽo chân cho vừa giày”.
Theo T.S Trần Du Lịch, muốn “không phải tiếp tục sửa sai”, Đà Nẵng đòi hỏi phải có chất lượng quy hoạch cao, chứ đừng như TP Hồ Chí Minh. “TP Hồ Chí Minh quy hoạch sớm nhất, chúng tôi tham gia làm từ năm 1993, nhưng khổ nỗi người ta không thực thi quy hoạch và sửa hoài. Vấn đề ở đây là không thực hiện quy hoạch chứ không phải không quy hoạch”, T.S Trần Du Lịch nói.
 T.S Trần Du Lịch đóng góp ý kiến tại hội thảo. 
Vì thế, T.S Trần Du Lịch nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính thực thi, đòi hỏi quy hoạch lần này của Đà Nẵng nhìn dài hạn nhưng phải khả thi. Bởi vì, đây không phải quy hoạch trên một vùng đất trống mà đang quy hoạch trên một đô thị đang tốt và đang phát triển. Đấy là điều cực kỳ khó!”.
Từ đó, T.S Trần Du Lịch đưa ra hai vấn đề cốt lõi cần lưu ý trong điều chỉnh quy hoạch lần này của Đà Nẵng. Thứ nhất, trong đề án phải luôn luôn quán triệt một điều là chúng ta quy hoạch phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên nền tảng đô thị đã hình thành để có phương án giải quyết rất nhanh.
“Thứ hai, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 mà những người làm quy hoạch cảm thấy sướng, đó là phải đặt Đà Nẵng trong chuỗi đô thị phát triển dọc biển miền Trung từ Huế cho đến Quy Nhơn (Bình Định). Hiện Chính phủ đang tập trung phát triển đường ven biển là con đường chiến lược mà theo quan điểm của tôi nó chiến lược hơn Quốc lộ 1 hiện nay. Mà, Đà Nẵng là đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị trọng điểm này. Điểm thứ hai cực kỳ quan trọng đó là Bộ Chính trị khẳng định xây dựng Vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm từ Lăng Cô cho tới nam Hội An. Nếu chỉ nhìn Đà Nẵng thì không cách nào làm được. Theo tối, quy hoạch Đà Nẵng phải trên tinh thần này”, ông Trần Du Lịch chia sẻ.
Cứ phân lô bán nền, Đà Nẵng không thể phát triển giao thông công cộng
Đi vào một số vấn đề cụ thể, T.S Trần Du Lịch cho rằng phải tồn tại hai sân bay song song của cả vùng là Đà Nẵng và Chu Lai (Quảng Nam). Tức là sân bay Đà Nẵng như sân bay Haneda, còn Chu Lai như Narita (đều của Nhật Bản), chứ không phải bỏ cái này làm cái kia.
Về cảng, T.S Trần Du Lịch đồng tình không nên mở rộng Tiên Sa. Tiên Sa tương lai là cảng du lịch, không phát triển trọng điểm. Phát triển trọng điểm phải là cảng Liên Chiểu – giao thông hệ thống kết nối vùng. Tuy nhiên, ông Lịch lưu ý: “Cảng quy mô cỡ nào tùy thuộc vào vấn đề cực kỳ quan trọng là chở cái gì. Nếu vùng này không có công nghiệp thì Cảng Liên Chiểu cũng không làm gì cả. Thành ra, cảng quy mô nào là phải tính tổng thể công nghiệp cả vùng này phát triển cái gì để phát triển cảng”.
T.S Trần Du Lịch: Quy hoạch Đà Nẵng, đừng để nay làm nhiệm kỳ sau sửa! - Ảnh 3
Theo T.S Trần Du Lịch, nếu Đà Nẵng cứ phân lô bán nền, xây dựng nhà phố như hiện nay thì không thể nào có không gian để phát triển được giao thông công cộng. 
Vấn giao thông- vấn đề đang “nóng” của Đà Nẵng, T,S Trần Du Lịch chia sẻ: “Bây giờ Đà Nẵng đang tốt nhưng ít năm nữa cũng sẽ giống các TP khác thôi, vẫn nhà ống, vẫn xe máy… Thế thì bây giờ triết lý giao thông của Đà Nẵng là gì? Nếu là triết lý giao thông công cộng thì quy hoạch dân cư nén ở từng cụm, mở lối công cộng, còn cứ trải như hiện nay thì không thể phát triển được. Thực tế, đường Đà Nẵng không có chỗ cho xe buýt chạy, bởi có chỗ nào đậu đâu, xe buýt đậu là không còn ai đi được nữa”.
Vậy nên, theo T.S Trần Du Lịch: “Nếu Đà Nẵng thống nhất làm giao thông công cộng thì triết lý này phải gắn liền với phát triển các khu dân cư có độ nén. Mà có nén được thì phải có không gian công cộng, có cây xanh, còn cứ phân lô bán nền, xây dựng nhà phố như thế này không thể nào có không gian để phát triển được”.
 Bà Ame Engelhart, Giám đốc Văn phòng SOM tại Hồng Kông đề xuất giải pháp Đà Nẵng nên đi theo mô hình đô thị nén, tạo sức lan tỏa ra các vùng xung quanh thay vì phát triển tràn lan. Theo đó, thay vì hướng ra ngoài, Đà Nẵng cần có chiến lược quay về lõi nội đô. Đà Nẵng nên phát triển khu vực nội đô theo thiết kế thông minh, còn khu vực đồi núi nên được bảo tồn, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.  
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần